Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đang chụp ảnh bà Ka Ơnh. |
Bà già nhỏ thó, gầy gò, áo quần đen đủi, khuôn mặt đầy nếp nhăn ngồi yên cho các tay máy... sáng tác. 15 phút trôi qua. 30, 45 phút, cả giờ, rồi... thêm 45 phút nữa trôi qua, bà già vẫn ngồi dưới đất ngay bên đống củi trước sân. Mặc cho nắng nóng, bà vẫn ngồi yên cho những cú bấm máy say sưa kia mà bà chẳng biết họ chụp hình mình để làm gì.
Một hai người biết được dăm ba tiếng của sắc dân Châu Mạ lặp đi lặp lại truyền đến tai bà để bà làm theo ý đồ “sáng tác” của họ mà trong đó nội dung chủ yếu là “nhìn thẳng”, “giữ yên tay trên gối”, “cầm cái que củi đi”… Tay máy nào cũng gọi bà nhìn về hướng ống kính của mình.
Rồi, bà già hình như mệt, ngồi thừ ra, chẳng còn làm theo yêu cầu của ai nữa. Đây là lúc vang lên những tiếng “hãy trao tiền đi!”, “đưa tiền cho bà”... Họ trao (chừng hơn trăm nghìn đồng, và nghe đâu có thêm 600.000 đồng khác nữa đã đưa cho UBND xã vì xã yêu cầu rằng địa phương cần giữ để lo hậu sự lúc bà qua đời), và bà già lại cố sức để nhìn về “một rừng” ống kính đang vây quanh, cố làm những động tác theo ý muốn của các nhà nhiếp ảnh.
Bối cảnh quanh đống củi rồi cũng nhàm, không tạo ra sự khác biệt cho những tác phẩm, các nhà nhiếp ảnh “bơm tiếp” một số gói mì để “năn nỉ” bà dịch chuyển vào trong nhà - nơi họ vừa dàn dựng nhanh khói bếp và chiếc đèn dầu le lói...
Một tuần trước bà còn đi được (những đứa trẻ trong làng cho biết) nhưng hôm nay thì hình như sức bà kiệt dần (có lẽ vì quá già, và cũng không ăn được nhiều, ngoại trừ thi thoảng đòi ăn đường), bà không đứng lên được nữa, phải lết bò vào trong. Hệ thống máy ảnh lại giòn giã “nổ”.
Một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng xứ B’Lao hiện nay khẳng định với tôi là có ít nhất 500 tay máy trên cả nước đã tìm đến chụp ảnh bà, khai thác cái nét già, cái nét tàn tạ của bà Ka Ơnh (có nghĩa có đến hàng nghìn cuốn phim đã chụp ảnh bà) và bà đã có đến 15 năm làm người mẫu như thế. Rất nhiều, rất nhiều trong khối lượng tác phẩm ảnh đồ sộ chụp về bà đã giành được những giải FIAP danh giá trên toàn thế giới - cũng có nghĩa hình ảnh bà giờ đây đã xuất hiện ở khắp thế giới trong các salon, bộ sưu tập ảnh - tôn vinh nghệ thuật nhiếp ảnh và làm vinh danh cho nhiều kẻ cầm máy...
Tác phẩm Cô đơn (chụp bà Ka Ơnh) của nhà nhiếp ảnh Trần Thiết Dũng, riêng trong năm 2005 đã đoạt ba giải quốc tế, trong đó có một huy chương vàng FIAP ở Cộng hòa Áo. |
Thật là phi thường khi bà già thân tàn lực kiệt Ka Ơnh có thể “chịu trận” trước những cảm hứng của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, những cuộc sáng tạo nghệ thuật theo kiểu “đổ bộ”.
Bất cứ đoàn nghệ sĩ nhiếp ảnh nào từ khắp mọi miền đất nước khi tìm đến cao nguyên B’Lao, các nghệ sĩ tại chỗ đều mang bà Ka Ơnh ra “đãi”, mặc dù nơi bà ở (buôn Rui Dang, xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) cách thị xã Bảo Lộc đến 45 km. Mỗi “trận” làm mẫu cũng kiếm được 50.000-150.000 đồng, cải thiện đôi chút bữa ăn cho bà.
Nếu tính chuyên nghiệp của một người mẫu được tính bằng thâm niên và số lượng tác phẩm ảnh mà nhà nhiếp ảnh tạo ra nhờ người mẫu thì... có lẽ không một cô người mẫu nào ở Sài Gòn, Hà Nội bằng già Ka Ơnh ở vùng rừng già heo hút Lộc Lâm...
Bà già trăm tuổi này sẽ cống hiến cho nghệ thuật đến bao giờ nữa đây khi những đứa trẻ trong làng nói gần đây bà không buồn ăn uống nữa, chỉ suốt ngày ngồi co ro phơi nắng và đêm đến đưa tấm ván ngủ vào gần hơn cái bếp nhà (ở chòi sau của căn nhà bà) với lửa đốt suốt đêm.
Chúng nói bà già “người mẫu” không biết tiếng phổ thông này vẫn sống buồn bã vì bầy con năm đứa của bà người thì già chết, người lưu lạc nơi khác mấy chục năm chưa từng về thăm bà, chỉ còn lại con trai út (đã ngoài 50 tuổi) đang chung nhà với bà, nhưng vợ con lại quá nghèo không có điều kiện chu cấp đầy đủ cho bà...
Lúc rời khỏi nơi bà Ka Ơnh ở cùng đoàn “đổ bộ” làm nghệ thuật đến từ nhiều thị thành xa lạ, có người trong số họ xì xào: “Chắc đây là lần cuối cùng bà giúp tụi mình sáng tác. Trông bà yếu quá rồi...”.
(Theo Tuổi Trẻ)