Hiện nay, Công ty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội quản lý 10 nhà máy nước, có 9 trạm sản xuất nước nhỏ và hơn 50 trạm bơm tăng áp cấp nước cho các khu nhà ở cao tầng, cung cấp cho người dân trên địa bàn từ 470 đến 480.000 m3 nước sạch/ngày đêm.
Theo kết quả phân tích các chỉ tiêu giám sát thì các nhà máy nước tại Hà Nội đều đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, 3 nhà máy nước phía Nam thành phố là Pháp Vân, Hạ Đình, Tương Mai chưa xử lý được nước ngầm bị nhiễm amoni. Theo tiêu chuẩn Bộ Y tế ban hành thì chỉ tiêu amoni cho phép trong nước ăn uống là 1,5 mg/l nhưng hàm lượng đo tại 3 nhà máy trên đều vượt ngưỡng cho phép, nhất là trong mùa mưa. Kết quả kiểm tra chất lượng nước tháng 3 từ Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho thấy, hàm lượng amoni tại Nhà máy nước Pháp Vân là 8 mg/l, Hạ Đình là 8,5 và Tương Mai là 8, đều quá cao so với tiêu chuẩn cho phép.
Khi nước ngầm bơm lên tiếp xúc với không khí, nhiều loài vi khuẩn chuyển amoni thành nitrit và nitrat. Nitrit trong cơ thể cạnh tranh với hồng cầu để lấy oxy và gây bệnh đường hô hấp (đặc biệt đối với phụ nữ mang thai và trẻ em), và có thể kết hợp với các chất hữu cơ để tạo ra những chất có khả năng gây ung thư. |
Theo ông Nguyễn Huy Nga, Phó vụ trưởng Vụ Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), amoni sinh ra trong nước khi nước ngầm nhiễm chất thải động vật, nước cống hoặc có khả năng nhiễm khuẩn, gây hại cho con người khi tiếp xúc với một liều khoảng trên 200 mg/kg thể trọng.
Bà Đỗ Thanh Thái, Trưởng Khoa Sức khỏe - Môi trường - Dinh dưỡng - Y tế Trường học (Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội), cho biết, việc xử lý amoni trong nước rất khó khăn. Vật liệu khử amoni hiện mới được sử dụng ở Nhà máy nước Nam Dư và phải nhập khẩu. Khi nước đi qua vật liệu khử sẽ xảy ra quá trình vi sinh loại bỏ amoni. Trước đây, khi Nhà máy nước Nam Dư mới đưa vào khai thác, hàm lượng amoni trong nước rất cao, nhưng sau khi được thành phố đầu tư hạng mục xử lý amoni đã giảm xuống còn 0,5 mg/lít.
Mới đây, Sở Giao thông công chính, Công ty Kinh doanh Nước sạch đã nghiên cứu công trình xử lý amoni trong nước ngầm để sản xuất thử tại Nhà máy nước Pháp Vân.
Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, thành phố Hà Nội cần nhanh chóng ứng dụng đề tài này vào thực tế, hoặc đầu tư xây dựng các hạng mục xử lý amoni tại Nhà máy nước Pháp Vân, Hạ Đình và Tương Mai. Công ty Kinh doanh Nước sạch cũng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra chất lượng nước tại các điểm cuối nguồn của các nhà máy nước và các điểm nước yếu, tránh để ô nhiễm nguồn nước.
Bên cạnh đó, tiến sĩ Đặng Dương Bình, Trưởng phòng môi trường, Sở Tài nguyên môi trường và Nhà đất Hà Nội, cho rằng, mặc dù trong tương lai, thành phố cũng đang xem xét việc sử dụng nguồn nước mặt mà cụ thể là lấy nước sông Hồng dùng cho sinh hoạt nhưng từ nay đến lúc đó, theo tính toán của các nhà khoa học, cũng phải mất đến 20 năm. Vì vậy, chúng ta vẫn phải chấp nhận khai thác nước ngầm, song cần trang bị kiến thức và cách phòng tránh những nguy cơ do ô nhiễm nguồn nước gây nên. Tiến sĩ Bình khuyến cáo, các gia đình, đặc biệt là những hộ dân sống phía nam thành phố, nên lắp đặt hệ thống xử lý nước ô nhiễm amoni đã được kiểm chứng của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng.
(Theo Khoa Học & Đời Sống)