Thứ bảy, 6/2/2021, 20:36 (GMT+7)

Người Hà Nội mang đào, quất đi tạ mộ sớm

Hòa BìnhCận Tết Tân Sửu, nhiều gia đình tại Hà Nội mang theo đào, quất lên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình mời ông bà về ăn Tết.

Cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhiều hộ gia đình tại Hà Nội tranh thủ cùng con cháu lên Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, thuộc xã Dân Hoà, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình tạ mộ. Đây là một trong những nghĩa trang lớn nhất hành tỉnh với khuôn viên xanh - sạch - đẹp.

Với người dân Việt Nam, tạ mộ trước Tết nguyên đán là nét đẹp văn hoá không thể thiếu. Đây là cách nhớ về tổ tiên, để gia tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, tài lộc. Tại đây con cháu sẽ báo cáo kết quả một năm qua của gia đình và mời tổ tiên, ông bà về ăn Tết.

Vừa lau mộ cho chồng, bà Đinh Thị Tuyết Mai (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết cứ vào 24-25 tháng Chạp hằng năm, gia đình bà đều bắt xe lên nghĩa trang sửa sang, quét dọn thật sạch cho khu vực mộ của chồng bà, mời ông về ăn Tết cùng con cháu.

"Nghĩa trang luôn có người quét dọn, thắp hương, nhưng năm mới sắp đến rồi, gia đình tôi lên để mời ông ấy về ăn Tết, về thăm con cháu, báo cáo cho ông biết một năm qua đã làm được gì", bà Mai nói.

Để có không khí Tết, nhiều người dân thủ đô mang theo quất...

... đào lên đây trưng bày.

Những cành đào, cây quất, bánh chưng... được người dân chuẩn bị cẩn thận dâng lên tổ tiên.

Gia đình anh Lê Hoàng Hải (ở phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) tranh thủ đi tạ mộ sớm tránh nơi đông đúc. Theo anh Hải, mọi năm cứ vào 29-30 Tết anh mới đi tạ mộ, năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên gia đình lên sớm hơn mời cha anh về đón Tết cổ truyền.

"Gần Tết nhiều gia đình lên tảo mộ, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên chúng tôi đi sớm hơn một chút, tránh tiếp xúc đông người. Lên dọn mộ, rút chân hương, mang cho ông cành đào cho có không khí Tết", anh Hải nói.

Trong lúc Covid-19 đang diễn biến phức tạp, mọi người đến nghĩa trang đều đeo khẩu trang để phòng dịch.

Người dân hóa vàng sau khi tạ mộ.

Đăng Khoa

Đánh giá phiên bản mới