Bích Diệp
(Truyện ngắn của tôi)
Mẹ chồng Ngân không niềm nở với con dâu đã đành. Chuyện muôn thuở từ xưa vẫn vậy. Nhưng chồng của Ngân không vui niềm vui mẹ tròn con vuông với Ngân thì thật đau đớn cho cô. Quân là một trí thức tốt nghiệp đại học loại khá, cũng đã sống ở thành phố từ năm 18 tuổi. Lẽ ra anh sẽ hân hoan đón vợ về sau mỗi lẫn sinh, sẽ bế ẵm những đứa con vào lòng mà nựng, mà vuốt ve nếu chúng là con trai. Dòng họ anh từ xưa đến nay đều sinh nhiều con trai. Nhà anh cũng ba anh em trai. Vậy mà là con trưởng nhưng anh không thể có một đứa con trai thì làm sao còn mặt mũi đi họp họ nữa, lấy ai thờ cúng ông bà, tổ tiên nhất là khi bố anh là trưởng họ.
Từ lúc ra đời đến nay đi đâu cũng thấy mẹ anh tự hào đã sinh ra được ba anh con trai. Đối với bà đó là một thành tích to lớn so với những cô cùng tuổi trong làng chỉ sinh toàn con gái. Ngồi đâu bà cũng mang các con trai ra để khoe mà không biết vô tình chạm vào nỗi đau của những người khác. Vị trí của bà trong dòng họ cũng vì có mấy đứa con trai mà khác hẳn. Cũng bởi vậy anh em nhà anh đã mang sẵn tính tự mãn về mình từ nhỏ, coi thường phái nữ.
Dù mấy anh em đã lớn nhưng chẳng ai biết làm việc gì phụ mẹ ngoài việc đi học về là đi chơi đến tận giờ ăn. Mẹ anh không bao giờ để ba đứa con trai vàng ngọc đụng vào bất cứ việc tay chân nào. Bà làm hết từ việc nấu nướng, giặt giữ, dọn dẹp. Bà bảo đó là việc của đàn bà, còn đàn ông phải làm việc lớn, không ai lại mó máy vào những việc của phụ nữ làm gì. Bởi thế đến lúc lấy vợ anh nào cũng chỉ như một đứa trẻ mới lớn, mẹ phải luôn bên cạnh chỉ bảo việc này nên, việc kia không nên.
Trước đây mọi việc trong nhà là của mẹ bây giờ chuyển sang vợ. Vợ anh tất tả và bận rộn đến tận ngày sinh. Từ đôi tất, từ quần áo, chợ búa, cơm nước, dọn dẹp hàng ngày đều vào tay Ngân dù cô đã chửa vượt mặt. Biết bao lần cô đề nghị chồng đỡ đần vài việc nhưng bố mẹ chồng nhìn cô một cách hà khắc ngay khi biết ý định đó. Bà mẹ chồng gọi hai vợ chồng đến nhiếc móc một hồi:
- Những việc trong nhà như vậy là của phụ nữ. Sao mày bảo thằng Quân nó làm? Nó mà làm những việc vậy thì đúng là thằng chỉ biết rúc váy vợ, làm việc lớn làm sao?
- Nhưng mà con đang bụng bầu cũng có lúc mệt lắm ạ. Con nhờ anh ấy làm giúp một chút không được sao mẹ?
- Phụ nữ sinh ra là để phục vụ đàn ông nghe chưa? Thằng đàn ông mà làm những việc của đàn bà thì coi làm sao được? Nếu mày mệt quá thì cứ bảo mẹ để mẹ làm, chứ đừng sai nó nghe chưa?
Quân chỉ biết ngồi im lặng giữa hai người phụ nữ. Từ xưa đến nay anh đã thấm nhuần tư tưởng của mẹ nên cứ để vợ một mình chịu trận với mẹ. Cuối cùng anh bảo vợ: "Mẹ từ xưa đến nay cũng chăm nuôi bố con anh như thế. Em đừng đòi hỏi này nọ. Hãy nhìn gương mẹ mà học".
Nghe chồng nói vậy, Ngân lặng lẽ bước về phòng. Cô ứa nước mắt khi nghĩ lại những ngày còn là con gái ở nhà. Nhà cô được hai chị em gái. Nhưng từ bé tới lớn hai chị em luôn được bố cưng chiều hết mực. Bố cô là một quan chức Chính phủ hẳn hoi. Nhưng mà ngoài giờ làm việc ông vẫn về ăn trưa với vợ con. Lúc mẹ cô ốm thì bố đi chợ và nấu nướng. Cả nhà luôn rất vui vẻ.
Chưa bao giờ Ngân thấy bố hằn học mẹ vì chuyện bà không sinh được con trai. Cũng chưa bao giờ Ngân thấy bố nhắc đến phải có người nối dõi của dòng họ. Ngân chỉ luôn thấy bố động viên mẹ và giành thời gian chăm sóc, dạy dỗ hai chị em cô. Vậy mà sao nhà Quân thật khác quá. Quân dường như thay đổi khi lấy mình về hay là mình đã không hiểu về Quân nhiều nhỉ? Hình như khi yêu nhau hai người cũng không hề đề cập gì đến vấn đề này. Lúc đó làm sao Ngân nghĩ được trong thời buổi này, một trí thức như Quân vẫn còn suy nghĩ nặng nề về vấn đề trai gái như thế.
Ngân suy nghĩ mãi rồi thiếp đi lúc nào không biết. Sáng cô lại dậy sớm, đi chợ, nấu nướng bữa sáng cho cả nhà. Rồi mình cô lại tất tưởi dắt chiếc xe mắy nặng nề ra khỏi cửa để đi làm dù với một bà bầu đã 5 tháng thì dắt chiếc xe to như vậy qua cái ván bắc từ trên nhà xuống đường cũng không hề dễ dàng. Cô vẫn lặng lẽ đi về như vậy hàng ngày một mình bất kể trời mưa bão. Cô vẫn cần mẫn làm mọi việc như vậy cho đến tận ngày sinh. Từ trong đáy lòng Ngân thèm khát biết bao một lời an ủi, động viên của chồng. Cô thèm khát biết bao một lần đưa đón, một sự quan tâm ân cần.
Suốt cả thời kỳ mang thai, ngoài cha mẹ sinh thành ra cô và em gái luôn quan tâm, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ của hai mẹ con thì tuyệt nhiên gia đình chồng và người chồng lại không mảy may để ý. Quân và bố mẹ anh coi như đó là thiên chức của một người phụ nữ bình thường, chẳng có gì to tát mà phải chiều chuộng, ưu tiên. Với Quân mẹ anh từng nuôi ba anh em nhà anh mà không có sự đỡ đần của ai, lại trong những điều kiện vô cùng thiếu thốn cơ mà. Như Ngân bây giờ là quá sướng rồi: đủ ăn, đủ mặc, nhà chồng khang trang...
Bởi vậy việc Ngân chỉ sinh toàn con gái càng làm Quân buồn bã. Đứa đầu tiên anh vẫn còn hy vọng. Đứa thứ hai thì niềm vui tắt ngấm. Đứa thứ ba thì chán nản. Anh phó thác hết mọi việc cho mẹ và vợ, thường lượn lờ nhậu nhẹt với những người bạn chưa vợ tới tận khuya mới về ngủ. Anh sợ về sớm tiếng khóc, tiếng la hét của mấy đứa con gái và bộn bề công việc chăm con làm ảnh hưởng tới mình. Trong mắt anh giờ đã chẳng còn Ngân, người yêu ngày xưa của anh nữa rồi. Ngân như đã trở thành một bà giúp việc trong nhà, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối với cơm nước, chợ búa, cháo chè cho cả nhà và ba cô con gái sinh liền kề nhau.
Ngân kiệt sức, gầy mòn, già và xấu đi nhiều so với ngày xưa bao nhiêu thì càng làm sự chán nản trong Quân nhân lên gấp ngần ấy. Đi ra ngoài nhiều rồi phải lòng vài cô em xinh tươi, Quân càng ít quan tâm đến gia đình hơn. Nhà dường như chỉ còn là nơi Quân về ăn và ngủ. Ngân thắc mắc, giận rỗi rồi cả khóc nữa những vẫn không thay đổi được tình hình. Mẹ chồng cho rằng cô không thông cảm với người chồng bận rộn đi làm vất vả, là mẹ của các con rồi còn nhõng nhẽo. Bà không một tiếng bênh vực Ngân dù cô biết những lý do chồng cô ra ngoài đêm hôm, về muộn đâu phải chỉ vì công việc. Nhưng nói ra nào có ích gì.
Biết sự thật cũng chỉ khiến cô thêm đau khổ hơn mà thôi. Cô vẫn cứ sống, nhẫn nại chờ chồng và hết mình vì các con. Dường như đêm nào cô cũng đếm từng giây trôi đi. Chỉ có bóng đêm tĩnh lặng làm bạn với cô. Không biết bao đêm cô đã khóc ròng tủi thân và mệt mỏi. Không biết bao đêm tiếng chó sủa, tiếng đồng hồ chạy cũng làm cô giật mình không thể tròn giấc.
Quân thì lạnh nhạt và vô tình như vậy nhưng Ngân vẫn chăm sóc chồng con chu đáo, vẫn một lòng thuỷ chung, vẫn chờ đợi và hy vọng có ngày Quân sẽ thay đổi. Nhưng vào cái ngày Ngân phát hiện ra Quân đi lại với một người đàn bà khác và có một đứa con chung lại là một đứa con trai với cô ta thì tim cô đau nhói, lòng cô tan nát. Bấy lâu nay cô cố gắng chịu đựng mọi sự ghẻ lạnh, vô tâm của gia đình chồng và chồng vì những đứa con và để cứu vãn cái gia đình của riêng cô. Mọi nỗi buồn đau cô nén chặt trong tim để là người vợ đảm, người mẹ tốt. Bây giờ tất cả như ào ra khi Ngân nhận được tin dữ đó. Cô khóc như mưa, khóc nấc nên từng hồi như bị ai đó đánh một trận nhừ tử. Cô muốn nói chuyện với Quân thì anh ta thẳng thừng:
- Đó là việc của tôi không phải việc của cô. Cô không sinh được con trai thì ráng chịu. Cô kín tiếng thì nhà này mẹ con cô vẫn ở. Tôi sẽ chu cấp cho ba mẹ con cô đầy đủ. Còn không thì tự mà liệu đường.
- Trời ơi! Chỉ vì tôi sinh con gái mà phải chịu cảnh sống nhục nhã như vậy sao? Tất cả tình yêu của tôi, tuổi trẻ của tôi đều ra đi chỉ vì tôi không có con trai ư? - Ngân hét lên trước mặt Quân rồi ngất lịm.
Từ đó Ngân phải chịu cảnh sống chung chồng. Nói là chồng Ngân nhưng thực ra giờ đây cô với anh ta cũng chỉ còn chung một nhà, thi thoảng nhìn thấy nhau mà thôi. Một nách ba con dại Ngân không thể bỏ đi đâu, không thể quay về nhà bố mẹ đẻ. Ngân đành nhắm mắt coi như không có người chồng đó để nuôi con cho khôn lớn. Biết bao lần cô định bỏ đi nhưng nhìn những đứa trẻ tội nghiệp lòng cô đau như cắt. Con cô đã gần như không có cha giờ lại không có mẹ chúng sẽ sống ra sao? Thôi thì coi như mình bạc mệnh, gắng gượng nuôi các con nên người vậy...
Thời gian thấm thoắt trôi đi, ba đứa con gái đã lớn. Chúng đều sáng sủa, ưa nhìn và lanh lợi. Đứa nào cũng chịu khó học hành và chăm chỉ đỡ đần mẹ. Bỗng một hôm, tin dữ từ trường học báo về làm Ngân hoảng loạn, đi xe trên đường bị tai nạn phải vào viện điều trị mất tháng trời. Đứa con gái lớn của Ngân bình thường khoẻ mạnh vậy mà trong một lần chạy thể dục ở trường đã bị suy tim và mất trên đường đi cấp cứu. Ngân trở về nhà chỉ biết ôm tấm ảnh con vào lòng mà khóc thảm thiết. Ngay đến phút cuối cùng, cô cũng không được nhìn mặt con, được tang ma chu đáo cho con. Có nỗi khổ tâm nào với một bà mẹ hơn thế?
Nỗi đau này chưa hết thì nỗi đau khác lại ập tới. Đứa con thứ hai trong một lần sang nhà bạn chơi đã bị điện rò rỉ gây giật chết người. Ngân như chết đi sống lại. Cô oằn mình trong tiếng khóc thương con. Cũng lại chẳng được nhìn mặt nó lần cuối cùng. Ngày đưa tang cô ngất lên ngất xuống, la hét, gọi tên con mãi không thôi.
Chuỗi ngày ảm đạm chưa qua được bao lâu thì tin đứa con thứ ba ung thư giai đoạn cuối làm Ngân đau đớn đến mức không thể khóc nổi một tiếng. Bao nhiêu tiền của cô chạy chữa cho con đều vô ích. Trở về nhà chồng trong trạng thái thất thần cô thấy tiếng mẹ chồng oang oang: "Con đón con trai con và mẹ nó về ở đây. Còn mẹ con cái Ngân thì cho ít tiền rồi trả về bên ngoại".
Ngân bước thẳng vào nhà. Ánh mắt cô rực lửa. Cô lướt nhìn mẹ chồng, rồi người chồng như muốn ăn tươi nuốt sống bọn họ. Nhưng rồi không nói lời nào, cô bước vào phòng đóng sầm cửa. Từ hôm đó cô không ăn, không uống, nằm lì trong phòng. Khi cửa được mở ra, người ta chỉ thấy một cô gái tóc rối bù, xanh xao, tiều tuỵ, quần áo nhàu nát đang đi thẩn tha trong phòng. Nhìn thấy mọi người cô chỉ cười, nói những câu ngô nghê rồi lại khóc nức lên. Tất cả đều sợ hãi tránh xa. Chỉ có đứa con gái út ôm chầm lấy mẹ mà khóc. Ngay đến cả nó, mẹ nó bây giờ cũng không nhận ra nữa...
Vài nét về tác giả truyện ngắn:
Bạn bè gọi tôi là một người đa sầu đa cảm, thích hội họa, văn học, âm nhạc, điện ảnh. Nghệ thuật với tôi như một người bạn thân thiết. Thời gian rảnh tôi thích thư giãn bằng việc đi bộ, nghe nhạc và đọc sách. Ngoài ra tôi rất thích nấu ăn, đi du lịch khắp nơi, shopping, dancing, chơi thể thao, tham gia các diễn đàn, giao lưu văn hóa, hoạt động xã hội, tiếp xúc với những người thành đạt trong nhiều lĩnh vực. Điều mà tôi cảm nhận là tài sản lớn nhất trong cuộc sống là nụ cười sảng khoái, trong lành mà tôi luôn thường trực và chia sẻ với mọi người, là một bé trai đẹp như thiên thần do tôi sinh ra, hai người bạn tri kỷ tuyệt vời mà tôi có được - Trịnh Bích Diệp.