“Năm 16 tuổi tự nhiên em ốm một trận thập tử nhất sinh, được một ông lang vườn trong làng cứu khỏi lưỡi hái của tử thần, từ đó tâm trí em không ổn định. Người ta bảo do bố em quanh năm suốt tháng tiếp xúc với cõi âm tào địa phủ, chuyên làm cái nghề đào mồ cuốc mả nhà người ta nên bị oán. Một lần em ra ngoài quốc lộ 1A vào lúc 3h thì nhìn thấy một vụ tai nạn tàu hỏa rất thương tâm. Nạn nhân bị tàu hỏa nghiến đứt ra làm ba mảnh, em liền đi báo công an xã. Sau đó công an nhờ em lượm xác giúp. Vậy là em nhặt từng mảnh gom vào chiếc chiếu rách, một lúc sau mới cho vào quan tài để khâm liệm. Từ đó em đi làm công việc liệm xác”, chị Bình kể mà mặt cứ tỉnh bơ như đang nói về điều gì đó rất đỗi bình thường.
Chị Phạm Thị Bình và con gái. |
Và cũng kể từ đấy hễ cứ có việc xảy ra tương tự là công an đến gọi chị. Chị bảo, dần dần thấy đây là một nghề làm phúc, nên đã quyết định theo miết cho tới bây giờ. Hai anh của chị cũng lần lượt nối nghiệp cha mình.
Gọi là “nghề” cho oai chứ “Anh bảo nhiều đêm đi làm việc em cũng thấy rợn người vì mình là đàn bà con gái. Có lẽ cũng bởi lý do ấy mà không có ai để ý đến em. Nhiều đêm không đi làm em thấy buồn vì không có người tâm sự”.
Cách đây 15 năm, có người cùng quê sống trên Hà Nội về thuê lên bốc mộ cho vợ rồi rủ chị ở lại luôn. Vài tháng sống như vợ chồng với người đàn ông ấy, chị về quê và sinh con gái kháu khỉnh. Bây giờ cháu đang học lớp 9. Sinh con được vài tháng, chị lại tiếp tục nghề cũ.
Trong bóng đêm về sáng và cái rét đầu đông, chúng tôi bước ra nghĩa địa chung của ba thôn lớn trong xã Tiên Tân. Nghĩa trang rộng lớn mênh mông, những ngôi mộ xếp không thành hàng lối nhấp nhô trong những tiếng gió lạnh rít lên từng trận khiến người ta nổi da gà.
Chị Bình cắm cúi đi trước vẫn cái giọng đều đều: “Người ở vùng lân cận như Phủ Lý, Lý Nhân, Kim Bảng cho đến ở xa như Hà Tây, Thái Nguyên cũng về đây thuê em đi bốc mộ. Nơi nào có việc là em đi”.
Trên địa bàn xã Tiên Tân, có tới 5 người cùng làm nghề, trong đó có 4 người là đàn ông, họ có lợi thế hơn hẳn, đó là sức khỏe, sự dẻo dai và chịu đựng tốt. Duy chỉ có chị Bình là phụ nữ nên sự “cạnh tranh” cũng tương đối khắc nghiệt.
“Nếu làm không tốt thì dễ mất “nghiệp” như chơi. Tuy nhiên, do em làm cẩn thận, mà lại không biết uống rượu nên không bỏ sót bất cứ mẩu xương nào dù là nhỏ, lại không đòi hỏi kinh phí cao nên chị được tín nhiệm và nhận được rất nhiều “hợp đồng”. Vào những ngày đẹp theo quan niệm của người phương Đông có tới bốn, năm đám cùng đến thuê nên chị phải “chạy sô”. Cùng lắm em cũng chỉ dám nhận hai, ba đám thôi. Nhận nhiều sẽ không làm cẩn thận được, không hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của người sống dành cho người đã khuất thì chính em cũng thấy ân hận”, chị Bình kể.
Cũng có lần do công việc thúc bách, chị Bình phải làm một đêm tới tám đám nhưng các địa điểm phải thật gần nhau, xong đám này là chạy sang đám kia luôn, nhà chủ phải chuẩn bị tươm tất các thủ tục từ đào mộ, nhấc ván thiên lên khỏi huyệt và đặt trên cạn cho ráo nước, vàng mã, rượu, nước ngũ vị, chậu thau đến những thứ cần thiết khác phục vụ cho nghề.
Chuẩn bị càng kỹ, công việc tiến hành càng nhanh, càng chính xác. Khi nào đến giờ “hoàng đạo” là nắp quan tài được bật ra để vớt hài cốt ngay.
Chiếc bóng điện 200W hắt quầng ánh sáng nhợt nhạt xuống đám người đang lặng lẽ đào huyệt để “thay áo” cho người đã mất. Trong cái giá lạnh của đêm, tiếng gió bấc thổi từng hồi và tiếng côn trùng rả rích, tiếng người đàn bà khóc than cho chồng đã quá cố cất lên nghe thật não nùng, thê lương.
Chưa đến giờ bật nắp quan tài, chị Bình ngồi kể cho chúng tôi nghe về công việc của mình: “Khổ lắm anh ơi, đêm hôm rét mướt như thế này, đến con cò, con vạc cũng không buồn đi kiếm ăn, đằng này em lại là thân gái mà phải đi làm cái việc ngược đời, trái khoáy. Nhưng mà em biết làm gì khi học hành chẳng biết lấy một chữ, phía trước lại phải lo cho đứa con gái học hành. Có lẽ với em nghề này cũng là duyên nợ”.
Tính ra, 18 năm đã qua chị đã cất, bốc mộ cho xấp xỉ 800 người, lượm xác cho khoảng hơn 70 vụ tai nạn, 86 vụ vớt xác người chết trôi sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ.
Ấy vậy mà đã có không ít lần chị sợ đến mức muốn bỏ nghề. Có lần gặp phải những ngôi mộ hung táng đã bốn, năm năm, thậm chí tới cả chục năm trời mà thịt da người chết vẫn chưa phân hủy.
Bật nắp quan tài ra, thấy xác người chết vẫn còn nguyên da thịt. “Sợ quá em đã chạy một mạch thẳng về nhà và trèo lên giường đắp chăn kín mít mà vẫn thấy run cầm cập”, chị Bình nhớ lại.
Lần khác, gặp cảnh tượng này, chị cũng chạy khỏi nghĩa địa, nhưng người nhà lại tìm đến năn nỉ vì nếu chị không giúp sẽ chẳng có ai dám làm.
Giờ tốt đã điểm, chị Bình xin phép kết thúc câu chuyện để bắt đầu công việc của mình. Chị lò dò đi xuống phía chiếc quan tài vừa mở nắp trong khói hương nghi ngút. Ở trong đó, một bộ xương người quá cố đang cần bàn tay của chị nhẹ nhàng lần lượt nhấc lên rửa sạch rồi xếp vào chiếc tiểu sành đặt ngay cạnh.
(Theo Tiền Phong)