Sự việc xảy ra khi Vava Suresh, người nổi tiếng bắt rắn giỏi ở bang Kerala và từng xuất hiện trên tivi, đang giải cứu một con rắn hổ mang chúa ở bang Tamil Nadu hôm 31/1. Video do một người dân địa phương ghi lại cho thấy khoảnh khắc con rắn dài hơn 3 m quay lại cắn vào đùi phải Suresh khi anh đang cố cho nó vào bao tải.
Người đàn ông 48 tuổi vẫn kịp cho con vật vào túi trước khi ngất xỉu và được đưa tới bệnh viện, nơi anh hiện chiến đấu giành sự sống trong khoa chăm sóc đặc biệt.
Theo Mail, Suresh ban đầu được đưa tới cao đẳng y tư nhân ở Kottayam, cách nơi anh bị cắn không xa, nhưng bị suy tim. Sau khi thấy tim anh chỉ đang hoạt động ở mức 20% bình thường, các bác sĩ quyết định chuyển Suresh tới bệnh viện lớn hơn để được điều trị chuyên sâu.
Sau một đêm theo dõi, đến sáng 1/2, Suresh bắt đầu phản ứng với phác đồ điều trị. Tuy vẫn chưa tỉnh lại, anh đã có thể tự thở mà không cần thiết bị hỗ trợ. Các chuyên gia y tế cho hay sẽ mất một thời gian để xác định rõ ràng mức độ tác động của nọc độc và chưa thể nói trước liệu anh có phục hồi hoàn toàn hay không.
Trong sự nghiệp bắt rắn 20 năm, Suresh nói anh đã giải cứu cho hàng nghìn con rắn và bị cắn cả trăm lần. Theo Hindustan Times, Suresh vừa ra viện để bắt con rắn hổ mang trên thì tiếp tục bị cắn. Trước đó, vào hôm 28/1, một gia đình đã gọi cho Suresh thông báo họ nhìn thấy con rắn hổ mang chúa đang nằm ngủ ở chuồng gia súc bỏ hoang trong khuôn viên nhà mình. Suresh lúc đó nói anh đang bận nhưng sẽ trở lại vào 31/1 nếu con vật còn ở đó.
Suresh từng bị rắn hổ mang cắn ít nhất một lần. Năm 2005, anh mất ngón trỏ bên trái vì dính nọc độc của loài vật này. Năm 2020, anh cũng nằm trong khoa tích cực vài tuần ở thành phố Thiruvananthapuram do bị bọ hung cắn.

Suresh từng bị rắn hổ mang tấn công trong sự nghiệp bắt rắn 20 năm. Ảnh: Facebook Vava Suresh
Hổ mang là loài rắn kịch độc, có thể tiêm chất độc thần kinh cực mạnh bằng cách sử dụng những chiếc răng nanh ngắn ở hàm trên. Rắn hổ mang chúa có một số tuyến nọc độc lớn hơn bất kỳ loài rắn nào, đồng nghĩa với việc chúng có thể tiêm một lượng lớn chất độc vào cơ thể nạn nhân, khiến họ tử vong.
Một con rắn hổ mang chúa có thể tiêm đủ chất độc thần kinh trong một lần cắn để giết chết 20 người hoặc một con voi lớn. Chất độc hoạt động bằng cách tấn công các dây thần kinh và não, làm tê liệt các cơ kiểm soát nhịp thở và nhịp tim, dẫn đến ngừng tim hoặc ngạt thở trong vòng 30 phút. Đến nay, cách điều trị duy nhất là tiêm kháng nọc vào vị trí vết cắn ban đầu càng nhanh càng tốt. Nếu không có thuốc kháng nọc độc, nạn nhân cũng có thể được đặt máy thở cho đến khi phổi họ có thể hoạt động bình thường.
Hướng Dương (Theo Mail)