Ngày 28/12, Công an quận Bình Thạnh, TP HCM đã bắt tạm giam Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai, trú tại quận Bình Thạnh) để điều tra về tội Hành hạ người khác. Theo điều tra, Trang ở với chồng sắp cưới và con gái riêng 8 tuổi của người này tại chung cư Sai Gon Pearl, quận Bình Thạnh. Quá trình chung sống, cô ta thường xuyên đánh đập, bắt bé gái làm việc nhà. Khai với cơ quan điều tra, Trang nói đã dùng roi mây để "dạy dỗ" bé gái. Gần đây, khi roi gãy, cô ta dùng thanh gỗ đánh bé. Chiều 22/12, Trang nấu phở cho bé ăn, lấy sữa và nước ổi cho uống, rồi dạy học. Do bé học không tốt nên Trang lấy cây gỗ đánh.
Nửa giờ sau bé gái than mệt và nôn ói, Trang gọi chồng sắp cưới về. Cha bé gái thấy con tím tái nên bế vào nhà tắm, hút mũi vì nhiều thức ăn vướng bên trong. Một lúc sau cô bé thở yếu, người cha gọi cấp cứu và nhờ bảo vệ đưa đến bệnh viện. Các bác sĩ xác định bé gái đến viện trong tình trạng hôn mê, ngưng tim, ngưng thở, tử vong từ trước.
Không ai được dùng bạo lực hành hạ trẻ
Vụ việc trên gây rúng động dư luận những ngày qua. Nhiều phụ huynh đã lên tiếng về vụ việc trên nạn bạo hành trẻ em và đưa ra giải pháp để bảo vệ sự an toàn, sức khỏe cho trẻ. Chị Hằng Lê, có con gái ba tuổi, cho biết: "Là một người mẹ, từ khi vụ việc xảy ra, thú thật tôi không dám đọc tin tức về vụ việc đó nhiều. Trong câu chuyện này, bố mẹ đứa trẻ đã ly hôn nhưng người phải chịu nỗi đau lớn nhất là đứa trẻ chẳng có tội tình gì. Tôi thấy người đáng trách nhất là người bố. Bố nạn nhân không quan tâm, để mặc cái ác xảy ra nên là người có lỗi lớn nhất".
Hoa hậu Hương Giang, người có hai con gái nhỏ, chung quan điểm với hầu hết các bậc phụ huynh phản đối bạo lực trẻ em và cho biết thêm: "Có con cùng độ tuổi với bé, tôi thực sự quá đau lòng và tức giận. Chuyện đã xảy ra trong suốt thời gian dài mà không ai bảo vệ con. Còn có bao nhiêu trường hợp các con đang bị bạo hành tinh thần, thể chất ngay trong gia đình như vậy mà chưa được phát hiện? Không một ai, dù là cha mẹ, giáo viên hay nhân danh bất cứ điều gì được dùng bạo lực hành hạ con trẻ. Tôi muốn mọi người bớt vô cảm và chủ động lên tiếng khi thấy bất kỳ trường hợp nào trẻ em bị bạo hành".
Không chỉ phản đối, Hương Giang và chồng còn chủ động dạy các con biết bảo vệ bản thân khỏi những người có ý định bạo lực, xâm hại con và biết cách phản kháng khi cần thiết. "Điều quan trọng nhất là bố mẹ dạy con về các ranh giới của bản thân, không cho phép bất kỳ ai động chạm vào thân thể hay xúc phạm con. Hai bé nhà tôi đều được dạy rất kỹ về điều này và con biết phản ứng lại khi cảm giác thấy không thoải mái", bà mẹ hai con nói.
Nhận biết trẻ bị bạo hành
Thực tế, bạo hành trẻ em ở Việt Nam không hiếm gặp và người bạo hành chủ yếu là người thân, quen với nạn nhân. Trong đó có nhiều vụ việc xảy ra ngay trong phạm vi gia đình, từ gây đa chấn thương cho trẻ lẫn nghiêm trọng hơn là gây tử vong. Cách đây không lâu, ngày 16/9, một bé gái sáu tuổi ở phường Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã tử vong vì bố đánh khi học bài tại nhà. Bố nạn nhân - Lê Thành Công (43 tuổi, trú tại phường Xuân Đỉnh) khai với cơ quan điều tra vào trưa cùng ngày, trong lúc dạy con học, do con tiếp thu chậm nên trong cơn nóng giận đã dùng đũa, thanh tre, cán chổi đánh con nhiều phát vào chân, tay, mông và một phần lưng. Bé gái sau đó đã tử vong trên đường đi cấp cứu, bị can Lê Thành Công bị khởi tố về tội "cố ý gây thương tích".
Theo thống kê của Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111, trung bình mỗi tháng có 30.000 cuộc gọi tới với nội dung liên quan đến trẻ. Nhưng trong năm 2021, khi nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, trẻ hầu hết ở trong nhà với người thân, số cuộc gọi tăng tới 40.000 - 50.000 mỗi tháng.
Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2020 có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện, xâm hại 2.008 trẻ em. Trong đó, 1.506 em bị xâm hại về tình dục. Trong đó, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân, nhưng làm thế nào để nhận biết một đứa trẻ bị bạo hành?
Bác sĩ Chuyên khoa Nhi Nguyễn Trọng An (nguyên phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, chuyên gia dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Môi trường Sức khỏe) cho biết có nhiều dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành thể xác, như các vết xây xước, bầm tím, sưng tấy, chảy máu hoặc gãy tay chân. Tuy nhiên, trẻ bị bạo hành về tinh thần khó nhận biết hơn tùy theo mức độ sang chấn, tổn thương. Thông thường trẻ bị bạo hànhcó tâm lý lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, lo âu, mất ngủ, ăn uống kém.
Nếu tình trạng bạo hành kéo dài hơn, trẻ có biểu hiện bị lo sợ rõ rệt, không thể tập trung vào làm việc hoặc học hành chểnh mảng, kết quả học tập sút kém, có biểu hiện thu mình, sợ hãi khi gặp người lạ hoặc tỏ ra rất sợ hãi khi nhìn thấy mặt, nghe thấy tiếng của kẻ gây ra bạo hành. Nếu nghiêm trọng, trẻ có thể bị rối nhiễu tâm trí, đái dầm, gặp ác mộng, lo âu trầm cảm hoặc bị kích động, sang chấn nặng nề về tinh thần, là hậu quả của những biến đổi về tính cách, tâm lý và sức khỏe tâm thần.
"Về sau này khi các em lớn lên, những tổn thương này sẽ đeo đẳng các em cho đến suốt cuộc đời. Đã có nhiều chứng minh về hiện tượng vị thành niên vi phạm pháp luật, bạo lực học đường, cướp của giết người, gây rối loạn xã hội... đa số bắt nguồn từ những sang chấn nặng về tinh thần, rối nhiễu tâm trí do hậu quả các em bị bạo hành và lạm dụng từ thưở nhỏ", ông An nói.
Xử lý khi thấy trẻ bị bạo hành
Khi đã nhận biết được trẻ bị bạo hành, hãy gọi đến tổng đài Bảo vệ trẻ em - số 111 cũng như tìm hiểu các quy trình bảo vệ trẻ em, tìm đến các cơ quan bảo vệ trẻ em. Phía tổng đài Bảo vệ trẻ em quốc gia sẽ triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để phối hợp với các cơ quan chức năng, ngăn chặn ngay hành vi dẫn đến nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của trẻ em.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An nói: "Đúng là chúng ta đã quá quen thuộc các khẩu hiệu và ai ai cũng nói rằng trẻ em là tương lai đất nước, là thế giới ngày mai... Nhưng trẻ em không chỉ là tương lai, mà trẻ em còn là hôm nay, người lớn chúng ta cần có trách nhiệm chăm sóc trẻ em ngay từ hôm nay, ngay bây giờ!". Và hành động thiết thực là mỗi người lớn, là cha mẹ, thầy cô giáo hay cán bộ, quan chức... đối xử thân thiện với trẻ nhỏ, lắng nghe trẻ nói và cùng chia sẻ với các em. Trong đó, tầm quan trọng của giáo dục gia đình đóng vai trò hàng đầu.
Các quy định pháp luật với những người liên quan tới vụ việc bạo hành trẻ em
1. Với người trực tiếp bạo hành trẻ em: Đối với hành vi bạo hành trẻ em không gây ra các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên hành vi bạo hành nếu gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017) bao gồm các tội sau: (Điều 134) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; (Điều 128) Tội vô ý làm chết người; (Điều 123) Tội giết người; (Điều 140) Tội hạnh hạ người khác.
2. Trách nhiệm của những người biết về vụ bạo hành trẻ em: Nghị định 56/ 2017/NĐ-CP của Chính phủ, đã quy định chi tiết về một số điều của Luật Trẻ em 2016. Trong đó quy định, bất kỳ cá nhân cơ quan tổ chức nào có thông tin về trẻ em bị xâm hại, bạo hành đều phải thông báo cho cơ quan chức năng.
3. Trách nhiệm của địa phương để xảy ra vụ việc bạo hành trẻ em: Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, khi địa phương để xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em, người đứng đầu chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Chỉ thị số 1408/CT-TTg ngày 1/9/2009 về việc Tăng cường công tác Bảo vệ Chăm sóc trẻ em. Cụ thể ở đây là Chủ tịch UBND Phường, Ban quản lý Chung cư... về các vấn đề như: Cấp phép hoạt động, kiểm tra, giám sát... bên cạnh đó là Trưởng Công an Phường, công an viên phụ trách khu vực theo chỉ đạo của Thủ tướng ban hành về thực hiện Luật Phòng chống tội phạm.
Hằng Trần