Năm qua, nền kinh tế của quốc gia ở Nam Á gần như sụp đổ, khiến nhiều người phải chật vật lo từng miếng ăn cho gia đình. Với các trường hợp tệ hơn, họ phải bán nội tạng nhằm trả nợ và mua thức ăn.
"Tôi không muốn thế đâu nhưng không còn lựa chọn nào. Tôi phải làm vậy vì các con", Nooruddin - một người cha 32 tuổi - nói với AFP. "Giờ tôi rất hối hận. Tôi không còn làm việc được nữa. Tôi bị đau và không thể nhấc bất cứ vật gì nặng được nữa", Nooruddin nói thêm.
Việc mua bán nội tạng người là bất hợp pháp ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, ở Afghanistan, việc này không bị kiểm soát, miễn là người hiến tặng xác nhận đồng ý bằng văn bản cho các bác sĩ. Điều gì xảy ra sau khi hiến tặng, nội tạng đi đâu, không ai thực sự biết. Và các bác sĩ cũng thừa nhận họ không bao giờ điều tra những chuyện này vì "không phải việc của họ".
Mặc dù không thể biết chính xác có bao nhiêu quả thận đã được bán ở Afghanistan, hồ sơ cho thấy hàng trăm ca phẫu thuật cắt bỏ thận đã được thực hiện chỉ riêng ở tỉnh Herat vài năm qua. Khi tình hình kinh tế của người dân ngày càng xuống dốc, số lượng các ca phẫu thuật càng tăng lên.
Một người phụ nữ cho biết: "Tôi đã bán quả thận của mình với giá 2.900 USD. Tôi buộc phải làm chuyện đó. Chồng tôi không có việc làm và chúng tôi đang nợ đầm đìa". Aziza, một bà mẹ ba con, cho hay: "Các con tôi phải lang thang xin ăn trên đường. Nếu không bán thận, tôi sẽ buộc phải bán đứa con gái một tuổi".
Hiện hơn 24 triệu người dân - chiếm 59% dân số Afghanistan - đang đứng trước nguy cơ đói kém và nửa triệu người mất việc sau khi Taliban tiếp quản. Vài năm trước, Hokse - một ngôi làng khác ở Nepal - cũng từng lên truyền thông thế giới vì giống với làng Shenshayba Bazaar. Những người dân ở Hokse cũng gần như đều đã bán đi một quả thận để lấy tiền ăn uống, sinh hoạt.
Tùng Anh (Theo AFP)