Suốt những ngày Tết, gian bếp của Thiền viện Đông Lai nằm dưới chân Núi Cậu hoạt động hết công suất để kịp đúc hàng nghìn chiếc bánh xèo chay mỗi ngày đãi bà con đi lễ. Dương Nhật Quang (Cần Thơ) kể ngay khi đặt chân vào bếp, bạn sẽ choáng ngợp bởi không khí nóng hầm hập tỏa ra từ hàng chục bếp củi, phải đứng một lúc mới thích nghi.
Như thường lệ, chùa đãi món bánh xèo chay cho tất cả Phật tử, du khách viếng chùa. Phía sau chánh điện là nhà ăn. Nơi đổ bánh xèo ở bên phải chánh điện, cách nhà ăn một lối đi để không gây nóng nực cho khu vực ăn uống. Hiện có hơn 10 tình nguyện viên đúc bánh xèo, trong đó đa phần là đàn ông. Vào cuối tuần hay đặc biệt là ngày rằm, lễ, Tết lượng khách ghé chùa đông hơn. Mỗi người phụ trách 10-12 chảo bánh xèo một lúc, làm liên tục khoảng 1-2 tiếng đồng hồ mới thay ca.
Người đúc bánh xèo ngồi chính giữa, bếp củi xếp xung quanh và không quá tầm tay với. Các đầu bếp thao tác thoăn thoắt để bà con không phải đợi lâu. Nguyên liệu làm bánh xèo đơn giản. Vỏ bánh làm từ bột gạo pha với nước dừa tạo độ béo nhẹ đúng kiểu bánh xèo miền Tây, thêm chút bột nghệ cho màu vàng bắt mắt. Nhân bánh gồm: đầu xanh nguyên hạt, củ sắn thái sợi, nấm mèo, đậu hũ, giá.
Bánh xèo đổ trong chảo lớn sâu lòng, mỏng và có độ giòn nhẹ, không quá mềm hay quá cứng. Bánh vừa đúc xong liền cho vào đĩa của người đang đứng chờ phía sau nên còn nóng hổi. Rau ăn kèm có bông điên điển - loài rau đặc trưng của miền Tây - và rau rừng hái trên núi, rất tươi, thơm. Nước chấm do nhà chùa tự pha, vị vừa ăn.
Khách được mời ăn bánh xèo miễn phí. Toàn bộ kinh phí mua nguyên liệu đều trích từ tiền công đức do các Phật tử, người đi chùa đóng góp. Suốt 23 năm nay, bếp bánh xèo này luôn đỏ lửa để phục vụ bà con. Trung bình một ngày họ đúc khoảng 6.000-7.000 chiếc bánh. Cuối tuần, lễ, Tết đôi khi tăng gấp 4 lần.
Thiền viện Đông Lai tọa lạc dưới chân Núi Cậu tại khóm Xuân Phú, thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang là điểm đến quen thuộc của du khách khi có dịp du lịch vùng đất Thất Sơn. Năm 1959, người dân hiến đất xây chùa. Ban đầu, ngôi chùa gồm chánh điện và nhà tổ, xây cất đơn sơ. Ba năm sau, chùa xây thêm tượng Phật niết bàn dài 6 mét - bắt nguồn cho tên gọi khác là chùa Phật Nằm.
Năm 1999, các sư thầy nghĩ đến việc đúc bánh xèo chay đãi Phật tử đến thăm chùa. Thời gian đầu, chùa chỉ làm số lượng ít để thưởng thức như một kiểu ăn chơi. Lâu dần, khách thập phương về chùa đông hơn. Từ một vài chiếc chảo, nay chùa đã có khoảng 40 chảo bánh, hoạt động liên tục tất cả các ngày trong tuần. Vì vậy, chùa được dân địa phương, khách qua đường gọi bằng cái tên quen thuộc: chùa Bánh xèo.
Vi Yến
Ảnh: Dương Nhật Quang