- Covid-19 ảnh hưởng thế nào tới hoạt động kinh doanh của chị?
- Chúng tôi gặp khó khăn cả đầu vào và đầu ra. Cơ sở ở TP HCM phải đóng cửa theo chỉ thị 16 kéo theo showroom tại Mỹ bị ảnh hưởng. Phía Việt Nam không xuất được hàng khiến đầu Cailifornia thiếu đồ giao cho khách. Một số khách quen sau nhiều lần đặt mua không được đã tìm đến những nhà cung cấp khác.
Hàng hóa tại Mỹ cũng khó vận chuyển về Việt Nam. Nhiều đơn hàng của tôi không thu được tiền vì chưa đến tay khách.
- Chị đưa ra những phương án gì để duy trì công ty trong mùa dịch?
- Hiện tại công ty ở Mỹ đang gánh doanh thu cho xưởng tại Việt Nam. Tuy nhiên bên này cũng thiếu hụt nguồn hàng nên tôi phải cố xoay xở. Quần áo không nhập được, tôi "đánh" sang các mảng khác như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Tôi vẫn kinh doanh đa dạng từ trước nên không bị phụ thuộc vào một mặt hàng cố định.
Mỗi lần lấy hàng, tôi nhập kiện lớn để có sản phẩm bán rải rác trong nhiều tháng. Nguồn hàng ở Việt Nam bị chặn thì tôi đẩy mạnh các mối từ Hàn Quốc, Mỹ. Tôi cũng cân đối những nhu cầu cá nhân, hạn chế mua sắm hay đi du lịch để dành tiền cho công ty. Tôi bù lỗ nhiều tháng nay; lấy chỗ này, vá chỗ khác.
- Một mình gồng gánh hai cơ sở kinh doanh ở Mỹ và Việt Nam, chị chịu áp lực thế nào?
- Hầu hết nhân viên trong xưởng Việt Nam là bà con của tôi. Tôi có thể tin tưởng giao cho họ những công việc quan trọng. Nhưng tôi vẫn chịu trách nhiệm quản lý chính cả hai cơ sở. Áp lực gấp đôi lại lệch múi giờ nên tôi thường bị stress.
Trong mùa dịch, doanh thu giảm nhưng vẫn đảm bảo lương cho nhân viên là thử thách lớn. Tôi phải cố bán thêm những mặt hàng mới để có tiền bù vào phần ngân sách sụt giảm. Ở cương vị chủ doanh nghiệp, tôi tìm cách tồn tại chứ không cắt thu nhập của người lao động. Giữa giai đoạn dịch bệnh mà còn mất lương, mất việc thì thật khó cho mọi người.
Lo cho nhân viên thì gánh nặng trên vai tôi nhiều hơn. Tôi chạy vạy để gánh vác và động viên họ lạc quan chờ khi hết dịch. Khi tình hình Covid-19 ở TP HCM ổn định, tôi mới tính các bước tiếp theo.
- Chị tìm nguồn động viên từ đâu trong lúc khó khăn này?
- Niềm vui lớn nhất của tôi là tất cả vẫn khỏe mạnh. Tôi cũng mong mọi người thông cảm, cố gắng đồng hành cùng công ty trong giai đoạn thử thách. Còn về mình, tôi đã quen chịu áp lực. Những năm qua vì gặp nhiều biến cố mà tôi chai lì, không sợ khó khăn nào cả. Mỗi khi quá tải, tôi sẽ xả stress chứ không để mình chìm vào cảm xúc tiêu cực. Gương mặt kiệt sức sẽ ảnh hưởng tinh thần những người bên cạnh.
Mỹ đóng cửa hai lần và giờ đến Việt Nam, tôi đã biết mình phải làm gì. Sự bình tĩnh là cần thiết lúc này chứ lo lắng, căng thẳng cũng không thể thay đổi hoàn cảnh.
- Chị có định hướng gì cho công ty trong thời gian tới, khi kinh tế hồi phục sau Covid-19?
- Công ty tôi hoạt động được bảy năm. Tôi vẫn coi đó là thời gian thử nghiệm để tìm lối đi phù hợp. Sắp tới, tôi có nhiều ý tưởng thay đổi định hướng để phát triển đường dài. Làm sao cho doanh nghiệp an toàn trong hoàn cảnh khắc nghiệt và "nương" theo những biến đổi của thị trường để tồn tại.
Mỹ hiện nay sống chung với dịch. Mọi sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường. Tôi cũng triển khai những kế hoạch của mình như mở rộng nguồn hàng, tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Tôi may mắn trong hai năm qua không bị ảnh hưởng sức khỏe vì Covid-19. Tôi nghĩ chỉ cần khỏe mạnh thì có thể làm việc trong mọi điều kiện.
- Mở công ty ở Mỹ, chị phải tuân thủ những quy định gì?
- Tôi chịu thuế rất cao khi kinh doanh ở Mỹ. Tại đây, buôn bán online cũng như cửa hàng, đều có nghĩa vụ đóng thuế cho chính phủ. Ngoài ra, các điều luật khắt khe được áp dụng để đảm bảo nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Mọi quy trình bán hàng đều minh bạch nên quyền lợi của khách hàng được bảo vệ.
Bước sang năm thứ bảy, tôi thấy Mỹ là nơi cho mình cảm giác tự tin để kinh doanh. Tôi tuân thủ luật pháp nên không gặp trở ngại nào cả. Tiền thuế tuy cao nhưng tỷ lệ thuận với lợi nhuận. Tôi vẫn chi trả được khoản đó kể từ lúc tập tành bán hàng đến giờ.
Nhiều người hỏi tôi sao không về Việt Nam mà cố trụ lại Mỹ. Tôi thấy Mỹ là mảnh đất nhiều cơ hội cho những ai chăm chỉ.
Tôi cũng muốn ở đây để làm cầu nối cho sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài. Bạn bè gợi ý tôi nhập hàng từ Trung Quốc cho tiết kiệm chi phí, nhưng tôi từ chối. Sản xuất tại xưởng ở TP HCM rồi gửi qua Mỹ sẽ vất vả vả tốn kém. Nhưng nhờ thế mà tôi góp phần tạo việc làm lẫn thu nhập cho một số người thân ở quê.
- Nhìn lại thảnh quả xây dựng được sau bảy năm bươn chải trên đất Mỹ, chị cảm thấy thế nào?
- Công ty của tôi nhỏ, nhìn vào có vẻ lèo tèo. Nhiều người bảo nó như cái chợ vì món gì cũng bán. Nhưng tôi chẳng thấy xấu hổ. Điều tôi cần là nguồn thu ổn định chứ không phải mô hình kinh doanh hoành tráng bề ngoài. Bảy năm qua, nếu doanh thu không tốt chắc tôi không thể trụ được. Tôi biết ơn cửa hàng nhỏ đã giúp mình có cuộc sống thoải mái, kinh tế đảm bảo để nuôi con.
Người ta từng khuyên tôi bán đồ hiệu để được gặp những vị khách đẳng cấp. Nhưng tôi trân quý khách hàng hiện tại vì bên cạnh nhu cầu mua sắm, họ thương và ủng hộ tôi. Thay vì nghĩ cách "làm sang", tôi tập trung chăm sóc những người tin dùng sản phẩm của mình. Tôi lắng nghe, quan sát để đoán biết thị hiếu ăn mặc, làm đẹp của họ. Từ đó phục vụ cho tốt.
Lam Trà