Huy Bom
Hiện những người làm khí tượng đang tiếp tục tranh cãi xem trận lụt này là một mốc lịch sử của 30 năm trở lại đây, 35 năm hay 40 năm. Các tít báo khác nhau, các tuyên bố khác nhau. Nhưng tựu trung lại là cơ quan dự báo đã "bất ngờ" với phản ứng thất thường của thời tiết, với chu kỳ lặp lại sau khá nhiều năm của mưa lớn, và lại rơi trúng vào trung tâm Hà Nội.
Thương tâm một đám tang trong ngày mưa lũ. Ảnh do độc giả Lan Hương chia sẻ. |
Vì sao lại bất ngờ? Vì sao không lường được tính thất thường của thời tiết, dù theo quy luật hàng năm, thời điểm này mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ đã kết thúc, dẫn tới tính toán lượng mưa tại Hà Nội chỉ từ 10 - 20mm, trong khi mưa trên thực tế lên tới trên 500mm. Sai số tới 25 - 50 lần. Vì sao chứ? Điều này có được cho phép trong công tác dự báo hay không?
Ninh Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Bắc Giang... đều chịu thiệt hại nặng nề, hàng chục nghìn tỉ trôi theo dòng nước. Vỡ đê Bờ Đáy (Ninh Bình), vỡ đê Hữu Tích (Hà Nội). Trung uý Đặng Đình Hào, thuộc Quân đoàn I đã hy sinh trong lúc đắp đập bảo vệ dân vùng lũ quê mình, để lại vợ và một con nhỏ đang sống ở quê nhà tại xã Khánh Thuỷ, huyện Yên Khánh, Ninh Bình. Nhưng nặng nhất là thủ đô Hà Nội, khi có tới ít nhất 18 người bị thiệt mạng trong trận mưa, hiện còn bị nâng lên đặt xuống vì "tính lịch sử".
Tuyến đê sông Hồng đã bị sạt mái, gần 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa, các hồ chứa đã tràn nước, thiệt hại ước tính ban đầu khoảng trên 3.000 tỷ đồng. Có ít nhất 4 người trong nội thành và 14 người các huyện ngoại thành thiệt mạng, một số khác vẫn đang mất tích.
Trưa qua 2/11, người dân xung quanh cầu Đông Tác (phường Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội) đã phát hiện thi thể em Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 7A (trường THCS Bế Văn Đàn). Em và xe đạp bị nước cuốn trôi vào sáng sớm ngày 1/11, khi đi học. Sáng thứ bảy tai hại đó, tại cửa cống thoát nước khu vực ngã ba đường Hồ Đắc Di và Đặng Văn Ngữ, em đã sa xuống mương nước thải và bị dòng nước cuốn trôi. Công an và gia đình đã phải giăng lưới ở chân cầu Trung Tự để đợi em, lỡ trôi qua thì dừng lại.
Khi người dân phát hiện ra, thi thể em mắc vào đường ống chạy ngang mép nước dưới chân cầu, cùng với rều rác, bập bềnh trong nước nổi. Sao chết thảm thế em ơi? Sao lại đi học vào một ngày thứ bảy mưa to thế? Gánh nặng học vấn nào đè lên vai bé nhỏ, em ơi?
Nếu không nhầm, sau cái chết của em, Sở GD & ĐT Hà Nội mới thông báo cho các trường cho phép học sinh được nghỉ học hết ngày 3/11.
Cho tới tối 3/11, nước vẫn tràn ngập hàng loạt các con đường tại Hà Nội. Không ít khu phố vẫn trong tình trạng bị cô lập. Giá thực phẩm tại các chợ leo thang khủng khiếp, một mớ rau muống ở chợ Kim Giang cũng có giá 35.000đ. Điện bị cúp ở nhiều nơi, di động chập chờn sóng. Xe cộ hoặc chìm quá nửa thân, hoặc nổi lềnh bềnh trên phố. Hàng nghìn hộ dân phải sơ tán khỏi vùng ngập nặng. Dân di chuyển loanh quanh trên các con phố mưa quất bỏng rát, quay ngược quay xuôi, không biết đi lối nào trong lúc run lên vì lạnh.
Người ta chèo thuyền trên mênh mông nước, nơi mà trước đó là "đường nhựa cái quan". Người ta cắm cành cây, dựng lốp ô tô hỏng trên những nắp hố ga hở, ồ gà, ổ sụt để người lội đường không gặp nạn. Những con đường cao một chút chen chúc người đi lại trong mưa, vừa đi vừa hỏi lẫn nhau, bên phải, bên trái, đằng trước có ngập nước hay không? Những đám cưới ngơ ngác cả cô dâu và chú rể. Dân tranh thủ thả câu, úp nơm, giăng lưới, kéo vó ở các cửa cống thoát nước, thậm chí ở cả cửa khách sạn 5 sao The Manor, một cảnh tượng lâu quá rồi mới gặp, hoặc lau bugi xe máy, khiêng mũi ô tô tranh thủ kiếm thêm. Và người ta gọi Hà Nội là Hà "Lội".
Cách đây 5-6 năm, trong một trận mưa lũ nhỏ hơn thế này nhiều, báo GĐ & XH chạy dòng tít lớn: "Tất cả mọi thứ đều thoát, trừ nước". 5-6 năm sau, câu hỏi đó vẫn ngơ ngác, còn nguyên.
Những nhà dự báo nghĩ sao? Những nhà giáo dục nghĩ sao? Những nhà quy hoạch đô thị nghĩ sao? Chúng ta có lỗi gì không, hay chỉ do tại "bất ngờ", tại "trở tay không kịp", tại vân vân và vân vân bởi sự "thất thường" thời tiết?
Vài nét về blogger:
Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, mỗi thứ biết một tí... - Huy Bom.
Bản ngã tự khẳng định trong khi tự đối lập (Hegel).