Lê Trà My
(Cuốn sách của tôi)
Miền quê nghèo hẻo lánh hoang vu, chỉ có những cánh đồng không tên kéo dài vô tận; chỉ có những con sông, con suối, cái ao luồn lách qua những ngôi làng nghèo nàn, quạnh quẽ. Mùa mưa, những con suối ấy như những sợi chỉ chắc chắn giữ lấy đàn vịt và cuộc sống con người. Mùa nắng, sợi chỉ ấy yếu ớt, mục dần và miếng ăn bắt đầu khan hiếm; vịt kêu xao xác lòng người, lòng người vốn đã tổn thương càng thêm khô héo.
Những con người trong truyện chệch choạng "men" đời nhưng vẫn cố bám víu lấy sự sống. Bám víu để hy vọng. Bám víu để trả thù.
Chị Sương - một cô gái điếm lả lơi sống bằng cách đổi vết nhơ thân xác, đổi những cái tát vào mặt, đổi những cú cào xé đến tả tơi quần áo và da thịt lấy những đồng tiền còm cõi từ mồ hôi của các anh chàng thợ gặt, từ cái nghèo của một gia đình nheo nhóc con phải đi vay vốn xóa đói.
Chị bị đánh, bị đá, bị giật tóc, bị đổ keo dán sắt vào chỗ kín của mình nhưng vẫn không phản kháng. Chỉ vì "Ăn trên mồ hôi nước mắt của người ta nên lâu lâu bị đánh cũng đáng đời, hen mấy cưng?" Thế đấy! Cuộc sống như một sự đánh đổi. Nếu cứ trơ trẽn, cam chịu đổi nhân phẩm lấy tiền thì con người ta sẽ không nghĩ ngợi nhiều và không khổ đến thế!
![]() |
Một cảnh trong bộ phim 'Cánh đồng bất tận' chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Trong ảnh, nam diễn viên Dustin Nguyễn vào vai Võ, người chồng bị vợ phụ bạc. Sau biến cố gia đình, ông không còn dành tình cảm yêu thương cho bất cứ người phụ nữ nào. Còn diễn viên Lan Ngọc vào vai Nương, con gái ông Võ. |
Bị đánh mà cứ đứng yên - thân xác bị dày vò thì ít nhưng nhân phẩm bị cấu xé lại nhiều. Chị cũng là phận nữ nhi, chị cũng lay lòng, cũng cảm động rồi yêu. Chị yêu một con người đã queo quắt xúc cảm, chỉ còn lại cái cười nhếch mép, ánh nhìn lạnh lùng và lòng thì tràn đầy thù hận. Để rồi chị phải lấy thân mình trong một đêm ân ái đổi lấy đàn vịt - sự sống của một gia đình. Và cái chị nhận được chỉ là sự tổn thương, chỉ là một cuộc chạy trốn. Phải chăng ấy là sự trả giá cho số phận?
Người chị yêu chính là Út Vũ - một nông dân hết lòng yêu thương vợ, đôi vai gánh tất cả nhọc nhằn của cuộc sống mưu sinh. Nhưng trong chốc lát, ông trở thành gã du mục cùng hai con chỉ vì ông muốn chạy trốn nơi chính mình đã xây đắp và vun vén hạnh phúc. Ông sống vô cảm như thể để trả thù cho sự ra đi trốn chạy cái nghèo, cái nhơ nhuốc gian díu của cô vợ.
Ông đưa tay ra đỡ lấy những người phụ nữ đang rơi xuống vực của hạnh phúc. Ông cưu mang họ đến khi họ vừa thích ứng với cuộc sống và quên mất mình vừa ngã mà không hề đề phòng. Ấy chính là lúc ông đẩy họ xuống một vực thẳm sâu hơn và khó tìm đường về, rồi ông ngoảnh mặt, lạnh lùng quay đi. Ông sống dằn vặt cùng nỗi đau do vợ để lại mà hờ hững với sự hiện diện của hai con. Đó cũng là cách để trả thù người, thù đời. Nhưng sự việc lại càng trớ trêu, dường như lỗi lầm cứ đan xen lấy nhau mà truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ông cạn khô tình cảm vì sự ra đi của vợ, kéo theo con ông cũng heo hắt thèm khát cuộc sống của một con người. Một chuỗi khổ đau cứ nối tiếp nhau như những cánh đồng bất tận.
Trên cánh đồng ấy, chị em Nương và Điền sống như một nỗi đau. Nỗi đau nhớ mẹ, nỗi đau xa cách với người cha mặc dù đang sống cùng nhau hàng ngày và nỗi đau thèm cuộc sống của cộng đồng người. Hai tâm hồn thơ trẻ phải tự học lấy cách yêu thương và chăm sóc lẫn nhau.
Giống như cái đói làm người ta thèm ăn, cái khát khao tình cảm làm cho những người đồng cảnh ngộ sẽ hiểu nhau hơn. Nương - Điền đã sống như thế. Cô chị chăm sóc cậu em như một người mẹ, cậu em che chở cô chị trước sự "dòm ngó" của lũ con trai đang tuổi dậy thì như một trụ cột trong gia đình. Chúng lớn lên như một loài cây sống đời, khi người ta cắt bỏ lá đi, lá chỉ cần gặp đất là nảy mầm thành nhiều cây mới. Nhưng rồi Điền cũng ra đi, tìm kiếm người phụ nữ anh yêu - người mà cha anh đã khắc vết thương sâu hoắm chồng lên vết thương vẫn còn đang rỉ máu để chị phải thốt nên câu: "Má cưng ác một, nhưng người cha này của cưng ác mười". Không biết Điền có tìm được chị Sương không hay lại là một bi kịch?
Nương bắt đầu sống những ngày cô độc bên người cha chai sạn xúc cảm. Nương nhớ Điền như nhớ ký ức, nhớ tuổi thơ, nhớ tri kỷ và nhớ một "đồng loại". Nhưng dường như sự mất mát mà Điền để lại chính là liều thuốc chữa được căn bệnh lạnh lùng với đời của Út Vũ. Ông đã sống gần hơn với con người và cuộc đời. Nhưng... mọi thứ phải chăng đã muộn màng?
Cha con từng khập khiễng sống với nhau trong nỗi đau, giờ lại trở nên ngượng ngùng xa cách khi bắt đầu hòa hợp. Cứ ngỡ cuộc sống sẽ ấm êm nào ngờ miếng ăn vẫn phải cố giành giật lấy từng ngày. Đàn vịt bị cướp mất một nửa đã là sự hốt hoảng cho cái nghèo. Giờ cái quý giá nhất đời con gái của Nương lại bị ba tên thô bạo cướp ngay trước mắt của người cha đang quay về với tình cảm của con. Còn gì đau khổ hơn thế?
Mắt cha tôi ầng ậc nước, tôi không rõ là phèn hay máu nhoèn nhoẹt. Thôi nghen ông trời, như thế này là đủ rồi, đừng thêm nữa! Ước gì cha tôi hiểu để mà thanh thản. Xưa rày, cái gì không biết hai chị em cũng đã thử, đó là một cách tự học để sống. Chỉ có sự giao tiếp giữa thân xác là tôi chưa từng trải qua. Đôi khi chính nỗi đau lại là liều thuốc chữa trị nỗi đau.
"Ánh mặt trời" ở gần cuối truyện chính là một thông điệp cho sự thứ tha. Cha con sẽ gần nhau hơn, sẽ hiểu nhau hơn. Tình cảm con người vốn giàu có bỗng trở nên nghèo nàn giờ được vực dậy. Rồi đây Nương sẽ sinh con, đứa bé sẽ không sống cuộc đời du mục như cha con cô từng sống. Nó sẽ được đến trường, sẽ vui tươi, sẽ sống như một con người thực thụ vì cuộc đời Nương sẽ là một bài học quý giá dạy cho nó rằng: "là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn".
***
Quà tặng của Sách hay:
Mời tác giả Lê Trà My tới tòa soạn báo Ngôi Sao tại:
- Hà Nội: Tầng 4, tháp A, tòa nhà Hà Thành Plaza, số 102 Thái Thịnh, quận Đống Đa.
- TP HCM: 408 Điện Biên Phủ, phường 11, quận 10 (gặp chị Bảy)
vào 14h-17h30 các ngày trong tuần (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ) để nhận sách tặng là cuốn tiểu thuyết Bùa Mê của Aprilynne Pike.