
Rạng sáng ngày 19/10, sau nhiều giờ diễn ra mưa lớn, khu vực trung tâm thị trấn Mỹ Phước, Bình Dương ngập chìm trong dòng nước, nhiều khu vực bị cô lập hoàn toàn, sâu nhất là cầu Quan lên đến 3 m, những khu vực khác cũng ngập từ 40 cm đến 2 m. Trong đêm, hàng trăm người dân tháo chạy lên vùng cao. Đến chiều cùng ngày, khu vực dưới cầu Quan vẫn chìm trong nước, nhiều người dân vẫn không dám về nhà.

Sau một đêm trở về nhà, nước vẫn còn mênh mông. Nhiều người cố vớt lại một số đồ dùng bị cuốn trôi.

Tường nhà bị dòng nước mạnh đập vỡ, nhiều vật dụng trong nhà của chị Phan Hòa bị cuốn theo. "35 triệu tiền mặt cùng toàn bộ đồ đạc trong nhà trôi sạch. Giờ chỉ còn hai bàn tay trắng”, chị Hòa mếu máo.

Cánh cửa của cửa hàng áo cưới bị "bóp méo", người phụ nữ này đang cố giặt lại những chiếc váy cô dâu đã bị bùn làm ố màu.

Kể cả những cánh cửa sắt kiên cố cũng bị nước giật phăng.

Góc nhà bếp của ông Nguyễn Văn Giàu tan hoang, bức tường bị sập. Toàn bộ nồi niêu, xoong chảo cũng bị cuốn hết.

Tài sản tan hoang và ngổn ngang.

Những thứ còn sót lại cũng ố vàng vì bùn đất, người dân đang phải tất bật dọn lại nhà cửa sau đêm chạy lụt kinh hoàng.

Tiệm tạp hóa Thế Anh tan hoang, hàng trăm mặt hàng bị nước nhấn chìm. Chủ cửa hàng cho biết, hơn 1 tấn gạo, nhiều thùng đường, muối, sữa... phải vứt đi, thiệt hại lên đến cả 100 triệu đồng.

Cũng chung cảnh ngộ, người đàn ông này đang cố gắng phơi một số mặt hàng còn sót lại với hy vọng có thể dùng được.

Một đàn heo được người dân đưa đi chạy lũ tại vùng đất cao.

Chiếc bồn chứa nước bị lũ cuốn đi, người đàn ông này đã đi vớt lại, mang về nhà. Theo người dân, đây là trận ngập lụt lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh nhận định do mưa lớn, khu vực bị ngập thuộc vùng trũng, lại gần sông Sài Gòn nên nước đổ về đây rất nhanh khiến nhiều nhà dân ngập sâu. Ngoài ra, khả năng thẩm thấu nước dưới mặt đất cũng bị hạn chế do diện tích xây dựng ngày càng nhiều làm lượng nước đổ về vùng này nhanh hơn.
L.Nguyễn