Không có bằng chứng khoa học, song người dân vẫn truyền tai nhau câu chuyện về phiến đá thiêng - được đặt trong một khu vườn ở làng Thanh Bình, xã Thanh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Ở vùng đất này họ coi hòn đá như “một vị thần hộ mệnh” của làng. Sự linh thiêng của phiến đá ấy đã được người dân nơi đây tôn kính xưng tụng “ông đá” hay là “ngài đá”. Hễ ai có vật nuôi thất lạc thì chỉ cần đến thắp hương cầu nguyện vào phiến đá sẽ tìm được vật nuôi, hoặc những ai đó đi thi cử thì đến tỏ lòng thành tâm trước phiến đá đều thu lại kết quả tốt.
Phiến đá lộ thiên có màu xanh rêu hình bầu dục, chiều dài khoảng 2 m, chiều rộng và chiều cao khoảng gần 1 m. Bao quanh đền thờ phiến đá là một khuôn viên được xây dựng rộng gần 1.000 m2, có đầy đủ mái che, đèn thờ, lư hương và nến để cho mọi người tới thắp hương cầu nguyện.
Cụ bà Nguyễn Thị Kỳ (89 tuổi, người dân địa phương) kể lại, trước đây người dân vùng này chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp. Bởi vậy mà con trâu, con bò đối với họ là những tài sản giá trị rất lớn. Thời bấy giờ xung quanh làng có rất nhiều thú dữ thường xuyên đe dọa cuộc sống của nhân dân. Trong một lần đưa trâu ra đồng chẳng may con trâu nghe thấy tiếng hổ gầm đã dứt dây bỏ chạy vào rừng sâu.
Những ngày sau đó, vì tiếc chú trâu của mình nên chủ của nó mới đi tìm khắp nơi nhưng đến hơn một tuần vẫn không thể tìm được. Mệt lả anh ta mới nằm ngủ quên bên cạnh một phiến đá. Trong lúc nằm ngủ anh ta mơ thấy một cụ ông râu tóc bạc trắng xuất hiện từ trong phiến đá bảo rằng cứ yên tâm, sáng ngày mai tới cánh đồng phía nam thì anh sẽ tìm thấy con trâu của mình.
Buổi sáng hôm đó, anh ra cánh đồng phía Nam tìm thì bất ngờ thấy con trâu của mình đang ở đó. Anh mang câu chuyện này ra kể với những người dân trong vùng thì ai nấy đều lắc đầu không tin là sự thật. Nhưng sau đó có nhiều người mất vật nuôi thử đến cầu nguyện và sau đó tìm được con vật của mình thì người dân trong vùng mới bắt đầu tin rằng phiến đá này linh thiêng nên lập bàn thờ bên cạnh phiến đá này.
Tiếp lời cụ bà Kỳ, chị Hồng người hàng xóm bên cũng kể về một trường hợp, hôm đó chị đi chợ huyện mua đồ đạc thì gặp người quen tên Sơn ở làng bên đang đi tìm ngựa bị thất lạc. Người này kể rằng mình bị mất ngựa đã hơn 3 ngày rồi, thấy vậy chị Hồng bảo người này đến phiến đá cầu nguyện. Cầu nguyện xong, vừa đặt chân về đến nhà thì ngựa của anh đã được một người khác tìm được và tới giao cho gia đình.
Không chỉ giúp người dân tìm lại vật nuôi, cụ bà Kỳ cho biết phiến đá này còn mang lại nhiều may mắn khác cho những người thành tâm cầu nguyện. “Con trai ông Thành gần nhà tôi lấy vợ nhiều năm nhưng vẫn không có con. Sau khi tới phiến đá làm lễ cầu nguyện thì ít lâu sau đã được toại nguyện như ý muốn. Vợ nó vừa mới sinh được thằng con trai kháu khỉnh lắm. Những năm gần đây, người dân trong làng có con cái thi đi thi cử đều đến xin “ngài đá” và đa phần thì ai cũng đạt được kết quả như mong muốn”, cụ bà Kỳ tự hào kể.
Cũng chính vì sự linh thiêng ấy, mà người dân ở trong làng cứ đến mùa là làm lễ “nếp mới” để dâng lên “ngài đá” nhằm cầu nguyện mưa thuận, gió hòa, làm ăn bội thu. Sự linh thiêng của “ngài đá” còn thể hiện ở các cây cối xung quanh khuôn viên không bao giờ bị đổ gãy, cho dù mưa to gió lớn đến thế nào.
Ông Lê Đình Luyện - một cán bộ về hưu trong làng - cho biết, đó là một ngôi đền thờ thổ thần, tức là tổ thần của người dân bản xứ, của làng xã. Hiệu của ngôi đền ấy là “Bản thổ phúc thần, càn long chi tử”, ông giải thích rằng “phúc” là mang lại sự may mắn nên phiến đá ấy được người dân tôn là vị thần có phúc, hay thường gọi là “thần đá”.
Khi được hỏi chuyện về việc phiến đá mang lại may mắn cho dân làng và giúp tìm lại vật nuôi thì ông Luyện cho biết: “Ở mỗi vùng quê người ta thường tôn những thứ linh thiêng để phù hộ cho mình. Cái này gọi là tâm linh và đức tin của con người nhằm an ủi gia sự, cổ vũ động viên tinh thần để cuộc sống tốt hơn. Ngày xưa thì người dân chỉ cầu xin tìm vật nuôi, vì đó là những tài sản quý và thường hay bị mất nên hay cầu và thấy cũng có kết quả. Từ đó trở đi thì người ta lại đi cầu nguyện làm ăn, đi xa, thi cử…”.
Ông Luyện giải thích rằng, dù cũng có linh ứng nhưng không phải cứ mê tín một cách mù quáng, nhất nhất tin vào việc cầu xin phiến đá mà sẽ được may mắn tức thì không đúng. Mất trâu bò thì vẫn phải đi tìm, sau đó thì có người mách hộ, còn cầu nguyện may mắn thì cũng có, nhưng cũng xuất phát từ phía cái tâm của con người, sự cố gắng của bản thân là chính.
Để làm sáng tỏ hơn những lời nói của mình, ông Luyện chỉ dẫn tới nhà anh Sơn - người mà theo lời kể của chị Hồng là cách đây vài năm có một con ngựa bị lạc.
Anh Sơn bảo: “Đúng là hồi đó con ngựa của tôi đi lạc, tôi cũng có tới phiến đá thắp hương nhờ ngài giúp mình tìm lại vật nuôi. Cũng không hy vọng nhiều lắm nhưng không ngờ sau đó lại tìm được. Không biết có phải là sự trùng hợp hay không, tôi cũng không dám khẳng định là việc phiến đá giúp mình tìm được ngựa, như thế sẽ gây ra sự mê tín cho mọi người. Cũng có khi đó là do may mắn, nhưng đối với tôi cũng như những người dân trong làng từ trước tới nay vẫn xem phiến đá như là vị thần hộ mệnh vậy”.
Ông Lê Văn Nhiếu, Chủ tịch UBND xã Thanh Lộc khẳng định là không hề có sự mê tín dị đoan ở đây. Về việc người dân thờ cúng phiến đá, ông cho rằng đó là đức tin của con người nên vẫn để mọi người tín ngưỡng, vấn đề là không để sự mê tín lấn áp là được. Ông Nhiếu cũng cho biết là chính quyền xã cũng đã giao cho Hội Người cao tuổi của xã đứng ra quản lý ngôi đền, nên sẽ không phát sinh và xảy ra bất cứ vấn đề gì.
Theo An Ninh Thủ Đô