Nàng tiên cá là truyện cổ tích nổi tiếng của nhà văn người Đan Mạch Hans Christian Andersen, ra mắt hơn 180 năm trước. Câu chuyện về nàng tiên cá luôn khát khao được sống là chính mình đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, từ hội họa đến phim ảnh.
Năm 1989, phim hoạt hình The Little Mermaid của Disney phát hành và nhanh chóng đạt được nhiều thành công, giành hai tượng vàng Oscar. Bộ phim trở thành tác phẩm kinh điển nhất về nàng tiên cá, mở ra thời kỳ phục hưng cho Nhà Chuột sau nhiều dự án thất bại. Gần bốn thập kỷ qua đi, hình ảnh công chúa Ariel với làn da trắng, mái tóc đỏ và vây đuôi xanh cùng các bài hát mang hơi hướng nhạc kịch Broadway đã trở nên quen thuộc trong tâm thức nhiều thế hệ.
Với vai trò tiếp cận một lớp khán giả mới, phiên bản người đóng (live-action) của Nàng tiên cá mang đến nhiều thay đổi về tính chủ đề, hình ảnh để phù hợp hơn với thời đại, nhưng vẫn trung thành với câu chuyện quen thuộc của tác phẩm hoạt hình năm xưa.
Bộ phim xoay quanh nàng tiên cá Ariel (Halle Bailey), con gái út của Vua Triton (Javier Bardem). Vốn có định kiến với con người, nhà vua ngăn cấm các ái nữ tiếp cận đất liền. Song với ước vọng tự do và bản tính tò mò, Ariel luôn mong muốn có đôi chân để được một lần lên bờ và làm bạn với loài người.
Sau lần giải cứu Hoàng tử Eric (Jonah Hauer-King) thoát chết, Ariel phải lòng anh và khao khát được trở thành con người lại bùng lên mạnh mẽ. Lợi dụng tình thế ấy, phù thủy bạch tuộc Ursula (Melissa McCarthy) dụ dỗ Ariel đánh đổi giọng của mình để nhận lấy đôi chân và cho nàng thời hạn ba ngày phải có được nụ hôn từ hoàng tử.

34 năm sau thành công ở bản phim hoạt hình, 'Nàng tiên cá' trở lại màn ảnh rộng với bản live-action. Ảnh: Disney
Đa dạng hóa sắc tộc cho cuốn truyện kinh điển
Nàng tiên cá bắt đầu với khung cảnh biển cả rộng lớn cùng nhiều loài thủy tộc đặc sắc. Xuyên suốt phim, nhiều ngõ ngách của đại dương được thể hiện sống động trên màn ảnh. Cùng sự mượt mà của kỹ xảo điện ảnh, chuyển động của những nàng tiên cá uyển chuyển khi khám phá thủy cung lộng lẫy. Khác với sự tối tăm trong những hình ảnh đã được công bố, bộ phim có màu sắc rực rỡ và tươi sáng. Ở nhiều phân đoạn tại vùng biển đen, bối cảnh phim dễ nhìn và tạo được cảm giác nguy hiểm của một phần đại dương.
Trong khi bản gốc hoạt hình thời lượng 83 phút, Nàng tiên cá với độ dài 135 phút, có nhiều cơ hội diễn tả hình ảnh và phô diễn kỹ thuật hơn. Đồng thời, nhiều câu chuyện phụ cũng được đào sâu, đặc biệt là tuyến truyện của hoàng tử Eric.
Đầu phim, Eric được xây dựng là một người thích khám phá đại dương, thường xuyên cùng những tàu buôn ra khơi. Giống Ariel, hoàng tử bị ngăn cấm bởi phụ mẫu vì họ cho rằng biển cả không an toàn. Trong khi nàng tiên cá có một bộ sưu tập đồ vật từ đất liền, Eric lại có một căn phòng cất giữ những món đồ từ đại dương. Khi gặp mặt, dù Ariel không thể nói, hai thân phận bị kiềm hãm ước mơ vẫn có thể kết nối bằng sự đồng cảm.
Bên cạnh Eric, Cua Sebastian (Daveed Diggs lồng tiếng) và Mòng biển Scuttle (Awkwafina lồng tiếng) cũng có nhiều đất diễn hơn. Cùng nhau, họ tạo nên những mảng miếng hài hước, thú vị.

Câu chuyện nói về những khát vọng bị kìm hãm. Ảnh: Disney
Về phía Ariel, Nàng tiên cá đề cập đến một chi tiết đắt giá trong truyện cổ nhưng không được chú trọng ở bản hoạt hình. Đó là hình ảnh "giọt nước mắt nàng tiên cá". Khi nước mắt Ariel hòa vào đại dương, không ai có thể nhận ra được tâm trạng của nàng. Giọt nước mắt của Ariel là ẩn ý cho những cảm xúc, suy nghĩ bị chôn vùi bởi đại dương và định kiến về loài người của vua cha.
Kịch bản live-action làm rõ Vua Triton là người đứng đầu Thất Hải (bảy vùng biển), nên các con gái của ông là sự tập hợp của nhiều nền văn hóa, tạo nên sự đa chủng tộc: Á, Âu, Phi. Trong đó, Ariel sống ở vùng biển Caribbean. Do đó, việc thay đổi màu da của Ariel so với bản hoạt hình phù hợp với bối cảnh phim.
Từ lúc được công bố là nữ chính, Halle Bailey vấp phải nhiều phản đối bởi là người da màu - khác biệt với hình tượng nhân vật trong nguyên tác. Nhan sắc của cô cũng gây tranh cãi. Tuy nhiên trong bản phim chiếu rạp, nữ ca sĩ - diễn viên 23 tuổi thể hiện trọn vẹn vai diễn Ariel.
Với sự trẻ trung, cô khắc họa rõ nét vô tư, ngây thơ của nàng công chúa mới lớn, sở hữu giọng ca lay động lòng người. Cô cũng cho thấy nội lực tiềm tàng khi hóa thân thành hình mẫu nàng tiên cá độc lập, luôn khao khát phá bỏ giới hạn để được là chính mình. Ở các phân đoạn nhạc kịch, Halle thể hiện giọng hát mềm mại, trong trẻo, mang đến những màn trình diễn ấn tượng. Tuy nhiên, trong nhiều cảnh đòi hỏi bộc lộ tâm lý, nữ diễn viên chưa thể đẩy cảm xúc lên cao trào.
Về tuyến phản diện, Melissa McCarthy tạo được ấn tượng khi có tạo hình gần giống bản hoạt hình. Cô thể hiện sự mưu mô, xảo quyệt của mụ phù thủy thông qua sự biến đổi linh hoạt trong ánh mắt và chất giọng khàn. Dù vậy, đôi lúc, lối diễn của Melissa bị cường điệu.

Vai Ursula của Melissa McCarthy gây ấn tượng. Ảnh: Disney
Thông điệp hợp thời
Xuôi theo dòng chảy thời đại, Nàng tiên cá mang đến nhiều chủ đề phù hợp thời cuộc. Hình tượng Ariel được xây dựng là hình mẫu nữ quyền, dùng tâm hồn mình cảm hóa nhân loại, phá vỡ quan điểm tiên cá chỉ biết quyến rũ con người. Trong khi đó, Vua Triton lại căm ghét loài người, do ông cho rằng họ chỉ làm ô nhiễm vùng biển, không giải quyết hậu quả những vụ đắm tàu, làm mất cân bằng hệ sinh thái đại dương.
Về mặt kỹ thuật, Nàng tiên cá mang theo những giai điệu kinh điển nhưng được phối lại với tinh thần hiện đại, giai điệu bắt tai, giúp bộ phim dễ dàng tiếp cận lớp khán giả trẻ tuổi. Bên cạnh đó, tác phẩm còn có bốn bài hát mới, được sáng tác bởi Lin-Manuel Miranda, góp phần nhấn mạnh tâm trạng của các nhân vật phụ cũng như thông điệp bộ phim.
Dù vậy, khi thời lượng phim dài hơn bản hoạt hình nhưng đường dây phát triển câu chuyện không thay đổi, nhiều tình tiết trong tác phẩm bị kéo dài, tạo cảm giác lan man, đặc biệt ở phần thiết lập thế giới. Sau khi nàng tiên cá lên bờ, các diễn biến lại được đẩy nhanh. Cuộc chiến cuối cùng cũng nhanh chóng kết thúc, khiến tổng thể tác phẩm thiếu cân bằng. Ngoài ra, nhiều phân đoạn không có sự liên kết, làm bộ phim trở nên rời rạc.
Bên cạnh đó, chủ đề về tình phụ tử cũng không được nhấn mạnh. Ban đầu, khán giả không kết nối được với tình cảm của Vua Triton và Ariel, do chỉ chứng kiến ông la mắng, ngăn cấm con cái. Do đó, kết thúc phim, sự tương phùng của hai cha con không đạt được hiệu quả cần có.
Dù hiệu ứng CGI không thật sự mượt mà ở vài trường đoạn, Nàng tiên cá vẫn là một tác phẩm mãn nhãn. Dẫu chưa thể vượt qua cái bóng của bản hoạt hình, bộ phim vẫn thành công trong việc truyền tải câu chuyện cũ với không khí mới mẻ hơn. Theo Deadline, tác phẩm được kỳ vọng mang lại doanh thu khoảng 110 triệu USD cho Disney tại thị trường nội địa trong bốn ngày mở bán vé đầu tiên.
Trailer phim 'Nàng tiên cá'. Phim ra rạp Việt Nam từ ngày 27/5. Video: Disney
Đỗ Hoàng