Vợ chồng Anna và Trần Trọng Hải |
Trong suốt 13 năm qua, cuộc sống của họ đầy khó khăn, thiếu thốn, nhưng cuối cùng họ vẫn đạt được niềm hạnh phúc vô bờ mà họ dày công vun đắp là đứa con gái của họ đã đạt giải nhất cuộc thi Olympic tiếng Nga toàn quốc, giành suất du học tại Nga.
Tình duyên sắp đặt
Anh Hải từng là một thanh niên to cao khỏe mạnh vào loại nhất nhì ở “thị xã than” Cẩm Phả. Năm 1981, anh sang Liên Xô lao động theo chương trình hợp tác giữa hai nước, làm ở Công ty Xây dựng mỏ Kyceliopxk, TP. Kixinhop, tỉnh Kemeroxo, thuộc vùng Xibêri lạnh giá. Ngoại ngữ còn kém, những thanh niên Việt mới sang như anh thường hay bắt chuyện với những người dân địa phương.
Chàng trai hào hoa đất mỏ nhanh chóng đọc thông viết thạo tiếng Nga nhờ một cô gái địa phương giúp đỡ, đó là Albina Ghenadevna. Là một cô gái xứ lạnh, tóc vàng, da trắng, Alblinla được nhiều người theo đuổi, nhưng khi gặp Hải - chàng trai Việt Nam, cô biết rằng đó là sự sắp đặt của số phận. Vẻ đẹp vạm vỡ của một người chăm chỉ lao động đã lập tức chiếm trọn trái tim cô gái Nga. Những buổi hò hẹn ngày một nhiều và họ đã công khai tình yêu của mình. Mọi người nhiệt tình ủng hộ, đám cưới được tổ chức ngay sau đó vào năm 1986. Cô gái Nga mang họ chồng, với cái tên mới: Trần An Bi Na - nhưng mọi người vẫn gọi là Anna.
Năm 1987, con gái đầu lòng của họ là Trần Hải Yến ra đời. Cuộc sống đang hạnh phúc thì tai họa ập đến. Trong lúc anh Hải đang làm việc, một bình oxy phát nổ, cướp đi của anh chân trái và mất 80% sức khỏe. 6 tháng trời anh nằm bất động trong bệnh viện. 2 năm tiếp theo, anh phải vào nhiều bệnh viện ở Nga để hy vọng giữ lại được chân phải bị giập nát và trải qua nhiều lần phẫu thuật chỉnh hình. Trong những giờ phút khó khăn nhất, anh luôn nghe thấy giọng Anna bên cạnh. Sức khỏe dần hồi phục, anh Hải được lắp chân giả và có thể đi lại bình thường. Nhưng thời tiết lạnh giá nơi đây đã luôn hành hạ anh bằng những cơn đau nhói xương. Sau năm 1991, cuộc sống càng khó khăn hơn, anh quyết định trở về Việt Nam. Và Anna quyết đi theo chồng, mặc cho gia đình ngăn cản.
Sang Việt Nam, Anna chưa thạo tiếng Việt, nên suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà. Số tiền tích cóp được từ mấy năm “đi Tây” anh Hải dựng nhà cấp 4 ngay đầu ngõ, mở quán nước giải khát cho vợ. Anh vay tiền mua xe ba bánh chở hàng thuê. Quán nước lời lãi chẳng là bao, Anna phải nhận làm tạp vụ ngoài giờ cho các trường học trong thị xã. Đến khi nói thạo được ít tiếng Việt, cô xin vào làm tại Trường Mầm non Hoa Sen ở Cẩm Phả - công việc trước đây cô đã từng làm ở Nga. Còn anh Hải thì chở hàng kiếm vài chục nghìn mỗi ngày nuôi con ăn học.
Căn nhà của họ chẳng có đồ đạc gì quý giá ngoài những tấm giấy khen học sinh khá giỏi của con gái Trần Hải Yến treo kín trên tường. Hết cấp 2, anh đưa con gái lên Hà Nội học Trường THPT chuyên ngữ để có điều kiện phát triển năng khiếu tiếng Nga sẵn có. Mỗi tháng một lần, anh lại phóng xe ba bánh vượt hơn 140 cây số lên thăm con. Còn Anna thì gọi điện từ Cẩm Phả về Hà Nội để “test” tiếng Nga của con. Được bố mẹ động viên, Hải Yến học hành rất chăm chỉ. Năm 2006, em thi đỗ vào Khoa tiếng Nga (lớp chất lượng cao), ĐH Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội và trở thành một trong những sinh viên tiêu biểu nhất trường cả trong học tập và hoạt động đoàn hội. Trong cuộc thi Olympic tiếng Nga toàn quốc vừa qua, em đã đạt giải nhất giành được suất học bổng toàn phần sang Nga học trong 5 năm. Tháng 8 này Yến sẽ sang Nga để thực hiện ước mơ của mình và cả của bố mẹ bao năm nay. Anh Hải bảo, mọi người trong gia đình anh khi nói chuyện với nhau đều nói bằng tiếng Nga nên việc Hải Yến giành học bổng đi Nga không làm anh bất ngờ.
Anh Hải cũng không chịu khuất phục trước sự nghiệt ngã mà mình đang chịu đựng. Năm 2003, một người tên Bình đang làm ở Phòng Văn - Thể của thị xã Cẩm Phả đã vận động anh Hải chơi thể thao dành cho người khuyết tật. Thế là, mỗi buổi chiều họ lại gặp nhau trên bãi biển để dạy nhau tập bơi, ném tạ, ném lao. Sau những ngày miệt mài tập luyện, sức khỏe được nâng lên, anh Hải đã thành thạo những kỹ thuật mà “thầy Bình” truyền thụ. Họ dẫn nhau đi thi và giành giải nhất toàn tỉnh Quảng Ninh ở nội dung đẩy tạ và ném lao. Sau đó, anh Hải tiếp tục tham gia giải thể thao cho người khuyết tật toàn quốc- tiền Paragame, lại đứng nhì ở nội dung đẩy tạ, ném lao. Cũng năm 2003, anh cùng đoàn thể thao Việt Nam tham gia Paragame Đông Nam Á lần hai tại Hà Nội và giành 2 huy chương bạc và đồng.
“Không có Anna làm hậu phương, chắc tôi chẳng còn sức đâu mà chơi thể thao sau một ngày lao động mệt nhọc. Hạnh phúc lớn nhất của tôi là lấy được Anna và hạnh phúc của chúng tôi là mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng con chúng tôi đã được trưởng thành, khôn lớn”, anh Hải cười.
Cách đây 1 tuần, Anna mới về Nga thăm bố mẹ sau 13 năm xa cách. Đó cũng là chuyến “tiền trạm” để tháng 8 tới chị đưa con gái Hải Yến sang đây du học…
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)