Cách thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì, Hà Giang) 12km, lối vào trường THCS Tân Tiến một bên vách đá cheo leo, bên kia là vực thẳm. Sau trận mưa kéo dài, những đoạn đường đang đổ bê tông dở trở thành vũng lầy rộng lớn. Thầy cô di chuyển từ huyện vào trường khó khăn, chặng đường đến lớp của các em học sinh vất vả thêm bội phần.
4h25 phút, Long Khánh Ngọc tỉnh giấc dù còn 5 phút nữa đồng đồ báo thức mới reo chuông. Thói quen dậy sớm đến trường 8 năm nay khiến em thức giấc theo phản xạ. Bố mẹ đẻ chia tay, đều có gia riêng vào năm ngoái, mẹ dẫn theo em trai đến nhà chồng mới ở Xín Mần, còn Ngọc ở với ông bà.
Ông bà vẫn đang ngủ, sau khi đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, Ngọc đi nhẹ vào bếp, ăn cơm nguội với chút canh rau còn thừa trong bữa tối. Đây là bữa sáng quen thuộc của Ngọc. Đúng 5h15 phút, em dọn sách vở đến trường, nếu trời mưa thì phải đi sớm hơn để kịp 7h vào lớp.
Ngọc không biết đường từ nhà đến trường dài bao nhiêu km nhưng cô bé trả lời chắc nịch "đường đi dốc lắm, em đi gần 2 tiếng đi bộ thì đến" khi thầy cô hỏi. Ngọc biết đi xe đạp vào năm ngoái khi tập cùng chị họ, em mơ mình sẽ có chiếc xe của riêng mình để đường đến trường thuận lợi hơn.
Vừa rồi, 2 người bạn thân của em bỏ học sau khi nghỉ hè đi làm thuê kiếm tiền, khi Ngọc rủ các bạn đến trường lại thì nhận những cái lắc đầu. Nỗi buồn xa bạn vơi đi khi cô giáo chủ nhiệm thông báo em sẽ là một trong 10 bạn nhận một chiếc xe đạp mini do Công ty cổ phần Bibica trao tặng.
Bước đi trên con đường học vấn là nỗ lực không ngừng của em Lò Văn Thành, học sinh lớp 8 trường THCS Tân Tiến lẫn gia đình. Bố em mắc bệnh câm điếc bẩm sinh, còn mẹ thì mất khả năng lao động khi sinh em bé thứ hai. Sau giờ học ở trường, Thành lên nương trồng ngô, sắn, hái rau rừng làm thức ăn 3 con lợn đen ở nhà.
Cậu bé 13 tuổi làm mọi công việc trong nhà, từ nấu ăn đến công việc nương rẫy. Tuần trước, em đã nghe cô chủ nhiệm dặn, đầu tuần sẽ có đoàn từ thiện của Công ty cổ phần Bibica từ Hà Nội lên trường tặng sách giáo khoa, xe đạp. May mắn, Thành là một trong 10 người sẽ nhận một xe đạp.
Với Thành, sáng thứ hai hôm nay thật đặc biệt. Đêm trước, cậu hồi hộp tưởng tượng về chiếc xe đạp - một món quà giá trị mà em chưa bao giờ nghĩ tới. Bố mẹ em cũng chung niềm vui, vuốt đầu con trai, chúc mừng khi nghe cậu thông báo có xe đạp để đi học.
Hôm đó, Thành mặc áo trắng, chiếc áo em chỉ mặc khi trường có các ngày lễ, tham gia biểu diễn văn nghệ của trường. Em sẽ đại diện học sinh trong trường lên nhận sách giáo khoa, bữa ăn xế, xe đạp từ nhà hảo tâm.
Vui mừng xen lẫn lo lắng vì Thành chưa từng cầm lái một chiếc xe đạp. Em chỉ nhìn qua vô tuyến, các bạn học sinh miền xuôi đạp xe thành hàng đến lớp. Nhưng, con đường đến trường của các bạn bằng phẳng hơn không phải một bên là vực, bên kia là vách đá cheo leo như nơi em sinh sống.
Dù vậy, Thành vẫn tin mình sẽ thành thạo lái xe đạp sớm. Em dự định sẽ dùng xe chở củi về nhà sau khi vác chúng từ rừng xuống đường mòn. Thành cũng sẽ hộ bố mẹ chở lúa về, chở rau rừng cho lợn.
Thầy Nguyễn Hồng Lương - Hiệu trưởng trường THCS Tân Tiến cho biết, Hoàng Su Phì là một trong những huyện biên giới miền núi khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Cả huyện có 23 xã, trong đó Tân Tiến thuộc chương trình 135 (chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Hiện, THCS Tân Tiến có 245 học sinh thì có 155 em thuộc diện hộ nghèo. Để theo đuổi con chữ, các em đều dậy đi học từ 4,5 giờ sáng đi bộ đến trường, khi trời còn tờ mờ sương. 10 chiếc xe đạp là món quà giá trị, nguồn động viên to lớn, tiếp thêm động lực để học sinh theo đuổi tri thức.
Cách đó 35 km, Lù Thị Tuyết, 8 tuổi và Sùng Thị Nguyễn 9 tuổi, học sinh trường Tiểu học Chiến Phố chăm chú lật từng trang sách trong bộ sách giáo khoa mới nhận từ chương trình 'HURA sẻ chia yêu thương - tiếp sức đến trường'. Mùi giấy mới có hương thơm khó tả, khác hẳn so với cuốn sách cũ các em thừa hưởng từ anh chị khóa trước. "Em thích đi học hơn ở nhà. Bây giờ em đã có sách giáo khoa riêng, không cần xem chung với bạn nữa", Tuyết khoe.
Xã Chiến Phố là nơi sinh sống của dân tộc Tày, Nùng, dao... kinh tế người dân trông cậy vào vụ lúa nương duy nhất trong năm. May mắn thì đủ ăn, thời tiết không thuận lợi thì cả nhà sẽ đói kém. Nhiều phụ huynh có kinh tế eo hẹp nên chưa trang bị đủ sách giáo khoa cho các con. Năm học 2020-2021, trường Tiểu học Chiến Phố nhận 30 bộ sách giáo khoa từ sở giáo dục của huyện. Còn hơn 100 học sinh không có sách, để khắc phục, thầy cô phân chia 2 bạn cùng dùng chung một bộ. Cô Trương Thị Huế - Hiệu trưởng trường cho rằng, giá sách mới cao gần gấp 4 lần giá sách cũ khiến bà con dân tộc khó có điều kiện mua trọn bộ cho con.
Bữa ăn dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú cũng là nỗi lo lắng của thầy cô trường Tiểu học Chiến Phố. Hiện, gần 100 học sinh bán trú nhận 560 nghìn đồng một tháng. Trung bình, một bữa cơm của các em có giá hơn 8 nghìn đồng. Nguồn kinh phí hạn hẹp, thầy cô trồng thêm rau để bữa ăn của các em đủ đầy hơn. Vừa rồi, nhận tin Công ty bánh kẹo Bibica sẽ tặng nhà trường 700 suất ăn xế, cô Huế dự định sẽ phát cho học sinh ăn giữa giờ, tổ chức Trung thu cho các em. Bên cạnh đó, trường cũng không đủ chỗ ở cho tất cả học sinh, số phòng ở bán trú cũng chật hẹp, trong khi có đến hơn 10 học sinh cùng sinh hoạt.
Hoàng Su Phì là huyện vùng cao, nguồn kinh phí dành cho giáo dục đến từ ngân sách nhà nước. Trong điều kiện nguồn đầu tư công hạn hẹp, kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn, thời gian qua, huyện tiếp tục chú trọng tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp, ngành về quản lý, sử dụng khoản đóng góp tự nguyện tại cơ sở giáo dục. Huyện chủ trương vận động xã hội hóa giáo dục bằng nhiều biện pháp sáng tạo, kêu gọi sự ủng hộ, tài trợ từ tổ chức, cá nhân.
Với mong muốn giúp các em học sinh miền núi bước trên con đường tri thức một cách dễ dàng hơn, 'HURA sẻ chia yêu thương - tiếp sức đến trường' do Công ty Cổ phần Bibica cùng Ngoisao.net ra đời. Chương trình đến các trường tại huyện Hoàng Su Phì tại Hà Giang trao tặng gần 600 bộ sách giáo khoa, 4.200 bữa ăn xế, 60 chiếc xe đạp. Để chung tay tặng sách giáo khoa cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, độc giả có thể tham gia cuộc thi "Cả nhà cùng vẽ ước mơ" do Ngoisao.net và Công ty Cổ phần Bibica tổ chức.
Ngọc Thi