Trong phong tục người Hoa, trung thu là Tết đoàn viên, độ quan trọng chỉ xếp sau Tết Nguyên đán. Trung thu bước vào phim ảnh Hoa ngữ với nhiều cách thể hiện khác biệt, chủ yếu gây xúc động, đôi khi tấu hài, châm biếm.
Ba mùa trung thu của 'Hồng lâu mộng'
Bám sát nguyên tác của nhà văn Tào Tuyết Cần, Hồng lâu mộng phiên bản năm 1987 tái hiện ba cảnh tượng Tết trung thu gắn liền gia đình nhà họ Giả. Đêm trăng tròn của tập 1, thư sinh Giả Vũ Thôn cô đơn ở miếu Hồ Lô, một mình ngắm trăng, ngâm thơ. Chân Sĩ Ẩn bắt gặp, bèn đến mời Giả Vũ Thôn cùng uống rượu, thưởng trăng, đàm đạo thi ca.
Chiếm thời lượng chính của tập 28 là khung cảnh trung thu rộn ràng nhất phim, phản ánh giai đoạn phồn thịnh của nhà họ Giả. Sau khi cả gia đình cúng bái trời đất dưới trăng, Giả mẫu cho đàn ông trong nhà lui trước rồi cùng các nữ nhân của gia đình và các tì nữ lên Đột Bích sơn trang thưởng rượu, ngắm trăng, kể chuyện cười.
Trăng tròn trên cao, bóng soi dưới nước, cảnh vật nên thơ, êm đềm. Bàn tiệc đầy ắp các loại bánh trái đẹp mắt. Giả mẫu phấn khởi, giữ con cháu ở bên tới khi trời sắp sáng mà vẫn không ngớt chuyện. Cảm thấy lạc lõng, Lâm Đại Ngọc và Tương Vân lặng lẽ rời chỗ ngồi, ra Ao Tinh quán đối thơ.
Cảnh trung thu thứ ba diễn ra vào thời điểm suy thoái của nhà họ Giả, các thành viên tan tác mỗi người mỗi ngả, chẳng còn quy tụ như xưa.
Cảnh trung thu xa hoa và phù phiếm của Hồng lâu mộng
Lễ vật trung thu độc nhất vô nhị của 'Tể tướng Lưu gù'
Trong phim Tể tướng Lưu gù, vua Càn Long (Trương Quốc Lập) mở đại tiệc trung thu, văn võ bá quan đều dâng lễ vật quý giá. Riêng tuần phủ Quảng Tây Lưu Dung (Lý Bảo Điền) tới trễ, còn thong thả xách một xô sắt đựng gừng tươi, vừa đi vừa gõ dùi leng keng. Nhìn lễ vật đặc biệt này, ai nấy tròn mắt ngạc nhiên, Hoà Thân buông lời chế giễu.
Nhưng khi Lưu Dung giải thích, hoàng thượng vô cùng hài lòng và thích thú. Trong tiếng Hán, chữ "gừng" đồng âm với chữ "giang", chữ "sống" gần âm với chữ "sơn", chữ "sắt" gần âm với chữ "thể". Lưu Dung bảo gừng tươi xếp trong thùng sắt trông giống núi non trùng điệp, ngụ ý giang sơn Đại Thanh nhất thể, quy về một mối trong tay Càn Long.
Lưu Dung mang xô gừng dâng tặng vua Càn Long vào ngày rằm trung thu
Trung thu hàn gắn của 'Như Ý truyện'
Thực tế, trung thu không được diễn tả một cách chính thức trong Như Ý truyện, mà chỉ được nhắc đến trong cuộc hội thoại giữa Như Ý (Châu Tấn) và vua Càn Long (Hoắc Kiến Hoa). Dạo ấy, Như Ý bị kẻ xấu vu cho tội tư tình với một đại sư. Nàng càng phiền lòng hơn vì cách xử lý không thỏa đáng của Càn Long. Khi chuyện sáng tỏ, họ đã bỏ lỡ dịp bên nhau vào đúng ngày trung thu đoàn viên. Càn Long cho Như Ý xem rất nhiều lễ vật quý giá mà các vương phủ gửi đến, bảo nàng chọn một món để tặng lại nàng.
Câu chuyện của Như Ý truyện đi qua nhiều ngày lễ trong năm như thanh minh, đoan ngọ, thất tịch, trung thu, trùng dương... Trang Sohu đánh giá Như Ý truyện dàn dựng rất đặc sắc các ngày lễ cổ truyền này. Lễ trùng dương ở tập 26, thái hậu, hoàng thượng, hoàng hậu cùng các phi tần dự đại yến, xem ca vũ và ngắm pháo hoa. Sinh thần của vua Càn Long là 13 tháng 9 âm lịch, trước trung thu hai ngày, cũng được bày biện nhiều cao lương mỹ vị.
Cảnh phim Càn Long tặng lễ vật cho Như Ý sau trung thu
Đêm trung thu nước mắt của nàng Chân Hoàn
Đêm rằm tháng 8 của Hậu cung Chân Hoàn truyện, vua Ung Chính (Trần Kiến Bân) mở tiệc cùng hậu cung. Quả Quân Vương (Lý Đông Học) từ xa trở về khiến Chân Hoàn (Tôn Lệ) bối rối. Thấy nàng viện cớ ngọc thể bất an để cáo lui, Quả Quân Vương bèn đi theo để lén gặp mặt nàng. Hội ngộ người mình yêu thương nhất, Chân Hoàn nước mắt lưng tròng, lòng đau như cắt.
![Tôn Lệ và Lý Đông Học khắc họa chuyện tình bi thương trong Hậu cung Chân Hoàn truyện.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2021/09/20/chan-hoan-truyen-6015-1632073432.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Li-a2C29dQa1gYItdinfUA)
Tôn Lệ và Lý Đông Học khắc họa chuyện tình bi thương trong Hậu cung Chân Hoàn truyện.
Tết đoàn viên đầy ắp drama của 'Gia Hảo Nguyệt Viên'
Gia Hảo Nguyệt Viên (Sức mạnh tình thân) của TVB được người hâm mộ nhớ đễn mỗi dịp trung thu cận kề. Bộ phim khai thác mâu thuẫn gia đình gắn liền với nghề làm bánh trung thu truyền thống, tôn vinh quan niệm đoàn viên của ngày lễ. Phim có nhiều cảnh tượng liên quan đến trung thu như gia đình sum họp ngắm trăng trên đồi, cả nhà ăn cơm sum họp đêm rằm tháng 8, ba thế hệ gia đình nhiều lần thất bại mới làm thành hình chiếc bánh trung thu khổng lồ, cha mẹ con cái khoác vai nhau hát Ánh trăng nói hộ lòng tôi...
![Ba thế hệ của Gia Hảo Nguyệt Viên chung tay làm chiếc bánh trung thu cỡ đại.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2021/09/20/gia-hao-nguyet-viet-7807-1632073432.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KT-110aQNMrItgvdJlajzg)
Ba thế hệ của Gia Hảo Nguyệt Viên chung tay làm chiếc bánh trung thu cỡ đại.
Bánh trung thu xuyên không trong 'Thần thoại'
Series Thần thoại được làm lại từ phim điện ảnh cùng tên của Thành Long và Kim Hee Sun. Phim kể về thanh niên Dịch Tiểu Xuyên (Hồ Ca) từ thế kỷ 21 xuyên không về thời Tần. Đêm trung thu, Tiểu Xuyên tự tay làm bánh trung thu theo kiểu hiện đại mời tướng quân Hạng Vũ. Hạng Vũ kinh ngạc về thứ bánh ông chưa từng nhìn thấy có mùi vị rất ngon này. Cùng Hạng Vũ ngắm trăng và trò chuyện, Dịch Tiểu Xuyên buồn bã vì xa cách người thân.
![Món bánh trung thu kiểu hiện đại xuất hiện trong phim Thần thoại.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2021/09/20/than-thoai-6-9961-1632073432.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-dDDdPpKTz_QjbiabP779w)
Món bánh trung thu kiểu hiện đại xuất hiện trong phim Thần thoại.
Bánh trung thu của Khang Mẫn lẳng lơ
Bánh trung thu của Khang Mẫn là chi tiết nổi tiếng của Thiên long bát bộ từ tiểu thuyết đến các bản phim chuyển thể. Khi A Châu đóng giả Bạch Thế Kính tiếp cận Khang Mẫn, Khang Mẫn mang bánh trung thu ra mời và hỏi đối phương thích bánh vị mặn hay vị ngọt. Kiều Phong rất ngạc nhiên về chuyện này, cho rằng Khang Mẫn có âm mưu.
Thì ra, Khang Mẫn nghi ngờ Bạch Thế Kính là giả nên cố tình dùng bánh trung thu để thử lòng. Trước đó một năm, Khang Mẫn hỏi Bạch Thế Kính câu y hệt. Tên háo sắc Bạch Thế Kính khi ấy đáp: "Bánh trung thu trên người nàng chắc chắn ngọt hơn mật". Đây là tình huống duy nhất trong các bộ phim dùng bánh trung thu làm cái cớ để nhân vật buông lời ong bướm lả lơi.
![Tuyết Lê đóng vai Khang Mẫn trong Thiên long bát bộ năm 1997.](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2021/09/20/thien-long-bat-bo-1243-1632073432.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BefTfl3kVWB8bIV4x_7eZg)
Tuyết Lê đóng vai Khang Mẫn trong Thiên long bát bộ năm 1997.
Phong Kiều (Theo Sina, Sohu, KK News)