Hằng năm cứ gần trung thu, fan TVB lại rủ nhau xem lại Gia Hảo Nguyệt Viên. Đây là phần phim thành công nhất trong Sóng gió gia tộc - series ba phần về chủ đề gia đình và các nghề truyền thống Hong Kong. Nhờ tập cuối của phim, TVB lần đầu có tác phẩm tự sản xuất chạm mốc rating 50 điểm.
Câu chuyện của Gia Hảo Nguyệt Viên xoay quanh xung đột giữa hai gia đình họ Cam - họ Chung. Năm 1978, Cam Thái Tổ (Hạ Vũ đóng) từ quê lên Hong Kong, được ông chủ tiệm bánh Gia Hảo Nguyệt Viên truyền dạy nghề làm bánh trung thu và gả con gái lớn Chung Tiếu Hà (Lý Tư Kỳ đóng).
Năm 1996, Thái Tổ sa vào bẫy tình của Ân Hồng (Mễ Tuyết đóng), ruồng rẫy vợ và lừa thương hiệu của bố vợ. Những đứa trẻ chịu nỗi đau phân ly, ba đứa theo mẹ về sống ở nhà ông ngoại, ba đứa cùng bố ở với bà nội và mẹ kế. Hơn 10 năm, hai gia đình không ngừng tranh chấp về biển hiệu, cãi vã về chuyện các con ăn cơm trung thu với đằng nội hay đằng ngoại.
Trung thu đoàn viên
Khi phát hành ở Việt Nam, series của TVB được đặt tựa đề Sức mạnh tình thân. Tuy nhiên, người hâm mộ ưa chuộng tên gốc hơn, bởi bốn chữ Gia Hảo Nguyệt Viên có âm sắc bắt tai, lại gói trọn hàm ý về ngày lễ cổ truyền. Trong phim, tên của những người con lần lượt là Gia, Hảo, Nguyệt, Viên, Khánh, Trung, Thu, ghép lại nghĩa là gia đình vui vẻ đoàn viên dưới trăng đón trung thu.
Không khí trung thu phủ ngập phim với loạt cảnh cả nhà làm bánh, ngắm trăng. Thú vị nhất là trường đoạn ông Cam Thái Tổ cùng các con tạo nên chiếc bánh trung thu khổng lồ. Hai ca khúc 'Mong lòng người trường cửu' của Vương Phi và 'Ánh trăng nói hộ lòng tôi' của Đặng Lệ Quân nhiều lần vang lên, nâng đỡ cảm xúc cho khung cảnh sum họp.
Theo quan niệm Á Đông, ngoài Tết Nguyên đán, trung thu cũng là ngày Tết đoàn viên quan trọng. Điều này được tôn vinh trong 40 tập Gia Hảo Nguyệt Viên. Mấy chục năm, ông ngoại chưa từng hết tủi thân vì phải nhường nhà thông gia ăn cơm cùng các cháu đúng rằm tháng 8, còn nhà mình ăn cơm đoàn viên muộn một ngày. Với má Hà, nỗi day dứt lớn nhất cuộc đời là không giữ được chồng, khiến các con cốt nhục phân ly. Hai gia đình họ Chung, họ Cam đều sống theo kiểu tam đại đồng đường. Chẳng cần đến lễ, bữa cơm thường ngày cũng quây quần đông đủ thành viên.
Trang Weekend HK nhận xét Gia Hảo Nguyệt Viên hội tụ tinh hoa của phim dành cho các bà nội trợ: khai thác chuyện gia đình, tập trung vào các nhân vật nữ, đề cao tình mẹ và tình thân. Phim ngập tràn drama nhưng không thiếu tình huống gây cười.
Dàn sao nhiều thế hệ
Một yếu tố khiến Gia Hảo Nguyệt Viên trở thành ký ức đẹp là dàn diễn viên ngôi sao nay đã vắng bóng nhiều, từ lão làng như Lý Hương Cầm, Châu Thông; kỳ cựu như Lý Tư Kỳ, Hạ Vũ, Quan Cúc Anh, Mễ Tuyết tới những gương mặt trẻ được lăng xê đương thời gồm Trần Hào, Lâm Phong, Dương Di, Chung Gia Hân, Huỳnh Tông Trạch...
Cuối năm 2008, bước lên sân khấu lễ trao giải TVB nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc, Mễ Tuyết than thở: "Nằm mơ, tôi cũng không ngờ mình trở thành kẻ bị ghét nhất ở Hong Kong". Thực ra, người bị ghét không phải Mễ Tuyết, mà là nhân vật Ân Hồng. Nữ nghệ sĩ đã thể hiện quá xuất sắc hình ảnh người đàn bà mưu mô thủ đoạn, "miệng nam mô bụng một bồ dao găm".
Vai má Hà hóm hỉnh, tình cảm và nghị lực là một dấu ấn đẹp trong sự nghiệp của Lý Tư Kỳ. Bà có nhiều cảnh nóng giận, tranh cãi. Nữ nghệ sĩ cho biết lúc diễn bà không mệt, nhưng quay xong hay bị đau đầu. Bà tự thấy bất ngờ khi bị tăng huyết áp trên trường quay dù không có tiền sử bệnh này.
Á hậu Hoa kiều Trần Pháp Lai - ngôi sao của bom tấn Marvel Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings - biết ơn Gia Hảo Nguyệt Viên giúp cô lần đầu được công chúng yêu mến. Chuẩn bị cho vai cô gái câm, cô đã học thủ ngữ trong bốn tháng. Mỗi lần đến lớp, cô phải học thuộc lời thoại cho ba, bốn tập phim. Ngoài ra, cô cùng "má Hà" Lý Tư Kỳ và "anh trai" Lâm Phong tham gia lớp làm bánh trước ngày quay phim.
Ở Gia Hảo Nguyệt Viên, hoa hậu Chung Gia Hân đóng cặp với hai bạn diễn nam quen thuộc Lâm Phong và Huỳnh Tông Trạch. Năm ấy, cô và Lâm Phong là một trong các cặp đôi rất được chào đón trong showbiz và vướng tin đồn phim giả tình thật.
Tuyển tập tát và ngã
Weekend HK xếp Gia Hảo Nguyệt Viên vào top các phim nhiều cảnh tát và ngã nhất màn ảnh TVB, vài tập lại có một cảnh nhân vật tát nhau hoặc xô nhau ngã. Cụ thể, phim có 10 cảnh tát: mẹ chồng tát con dâu, mẹ tát con gái, "tiểu tam" tát bà cả, bà cả tát "tiểu tam"... Bốn nữ nghệ sĩ gạo cội của phim gồm "bà nội" Lý Hương Cầm, "má Hà" Lý Tư Kỳ, "dì Sa" Quan Cúc Anh và "dì Hồng" Mễ Tuyết đều từng bị xô ngã.
Đoàn phim làm náo loạn đường phố
Tiệm bánh của má Hà trong Gia Hảo Nguyệt Viên vốn là một tiệm bánh có thật, nằm trên đường Xuân Ương, quận Bắc Giác, Hong Kong. Hôm 24/3/2008, một nhóm diễn viên quay phim tại đây, thu hút rất đông người dân, gây ồn một góc đường phố khiến cảnh sát đến hỏi chuyện. "Một phụ nữ mắng chửi đoàn phim cản trở đi lại. Trần Hào, Lâm Phong và các diễn viên khác sợ hãi, trốn trong cửa tiệm không dám ra ngoài", trang Sina tường thuật vụ việc.
Được TVB đầu tư lớn, Gia Hảo Nguyệt Viên đóng máy ngày 1/7/2008, nhưng chỉ 27 ngày sau đã lên sóng tập đầu, chiếu xuyên qua mùa trung thu năm ấy và thắng nhiều giải thưởng. 13 năm qua đi, bộ phim vẫn được nhắc đến nhiều. Đầu năm nay, khi nghệ sĩ gạo cội Lý Hương Cầm (vai bà nội) qua đời, phim được chiếu lại để tưởng nhớ bà.
Phong Kiều (Theo Sina, Weekend HK, HK01, Sohu, KK News)