Hồ Tịnh Thủy
(Truyện ngắn của tôi)
Chiều ngủ muộn, mấy vạt nắng còn sót lại lon ton trên đám cây dại mọc lan bên mé hồ. Cạnh đó, cuối góc vườn, mẹ tôi đang ngồi nhóm lửa (đoạn cuối này là của khu vườn ngày cũ chứ bây giờ nó cũng là đầu luôn rồi). Nơi này, đã lâu không còn sự sum suê của cây trái. Trước kia, nào ổi, nào mận, nhãn, vú sữa... hay mấy đọt đu đủ trái vừa ươm ươm chín là đã bị rinh xuống cho khỏi bị úng khi mùa mưa tới cứ chen nhau mà ăn đất, uống khí trời nên xanh mởn.
Hồi còn khu vườn rộng, tôi chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Sau lớn lên thì da mẹ tôi cũng theo đó mà nhăn lại. Bờ gai gầy hủm, rung đều theo từng nhịp phẩy của chiếc quạt làm bằng giấy xi măng đã cũ. Hai nồi nước khói bốc nghi ngút. Mùi lá chè rã ra thơm lừng. Phía dưới cái bếp được kê bằng hai viên gạch và hai thanh sắt dài, đám trấu chen nhau cháy, lửa phừng phừng nóng ran mặt mũi. Chút hiu hiu gió của mùa thu như hòa vào mùa hạ rồi mất hút. Tôi ngồi sau cánh cửa hậu hướng ra phía bờ hồ, ngó mông lung miếng vườn giờ bé tí bé teo, hít hà cái mùi khói, mùi trấu, mùi lá mà thấy lòng nao nao.
Tôi có cảm giác như mình đang gặp lại một người bạn thiết vì nhiều lý do mà lâu rồi không ngó ngàng được nhau nữa, còn cái thương, cái nhớ thì vẫn đó. Thế nên, nửa thì muốn nắm níu tay bạn hỏi han, trò chuyện thật lâu cho đã cái cơn cũ rơ cũ rích, nửa lại muốn quay ngoắt đi tránh mặt, sợ gặp rồi mà bạn bây giờ khác bạn của ngày xưa quá thì cũng dở. Thành ra cái bếp lửa và dáng mẹ làm tôi thẫn thờ một lúc, nửa muốn nhớ, nửa sợ quên. Lòng vòng mãi sau mới tỉnh táo, đó là thứ tài sản quý giá mà tôi đã giữ gìn và cất giấu, sợ bọn thời gian bạc bẽo nó ăn mòn đi, hoặc sợ trí nhớ của tôi bị đời sống hiện đại làm đầy rồi đào thải bớt. Khi đó, chắc lòng trống rỗng và nhạt nhẽo lắm.
Hồi tôi còn nhỏ, nhà tôi hay nấu nướng bằng bếp củi, có khi là lá khô. Thời đó chẳng phải nhà tôi mà hình như nhà nào cũng vậy. Mọi thứ đều thô sơ mộc mạc chứ chưa nhuốm màu kỹ thuật, công nghệ tiên tiến như bây giờ.
![]() |
Ảnh: VnExpress. |
Đun bếp củi nhìn có vẻ đơn giản nhưng cũng cần biết cách. Không phải cứ thế bỏ củi vào, bật lửa lên là cháy, đợi cơm sôi là xong. Nhớ bữa nào không chạy chơi với đám bạn trong xóm là tôi cũng lẽo đẽo theo mẹ ra vườn nhìn mẹ nấu cơm. Nhìn thế thôi, chứ không chú ý lắm. Con nít mà, mới dăm tuổi nên chưa biết gì. Có bữa vừa bắc nồi cơm lên cái kiềng ba chân rồi lấy mấy que củi ra khỏi bao để sẵn, mẹ tôi tất tả đi đâu đó. Đang ngồi vọc đất dưới gốc cây vú sữa, tôi liền mò sang và cứ thế quẹt diêm cho đỏ rồi hơ vào que củi cho đến khi sạch hết bao diêm mà củi vẫn cứ trơ trơ.
Khi mẹ tôi về, nhìn mớ diêm củi ngổn ngang rồi lắc đầu cười hiền từ nói: "Không làm được mà còn phá của mẹ nữa hả con gái, coi học nấu cơm sau còn phụ mẹ nghe không". Rồi mẹ loay hoay một lúc là lửa đã cháy phờn phờn nhìn đã con mắt. Mẹ bảo, phải mớm củi cho giòn tan khi đó lửa mới bắt. Vừa nói, mẹ vừa lấy một thanh cây nhỏ khèo dưới kiềng ba chân lòi ra mấy cục than đỏ ong, tro cháy lập lòe. Củi mới lấy ra còn tươi, mồi cho than cháy trước, đun củi vào cho nóng, một lúc sau lửa mới bắt vào, và nhớ để ý đun củi đều tay tránh tắt lửa, giọng mẹ tôi chậm rãi, nhỏ nhẹ như lá.
Tôi còn nhớ, có nhiều đợt mưa lớn, củi để trong kho bị thấm nước, phơi nắng không kịp, mẹ tôi phải têm tí dầu hỏa để củi cháy cho lửa kịp cơm. Đun lửa nhỏ và lâu cơm dễ bị sượng, khó ăn, mẹ hay nhắc đi nhắc lại câu này. Mẹ nói từng nào, tôi gật gật đầu tới đấy ra vẻ chăm chú. Nhưng gật xong rồi... để đó luôn, mấy lần sau bắt chước cũng không ra cơm cháo gì. Tôi cứ lo củi lâu cháy, cơm hỏng thì dễ bị ăn mắng.
Tôi lớn thêm chút nữa thì nhà tôi chuyển qua nấu nướng bằng bếp dầu, tôi hay gọi theo mẹ là bếp lò xô. Bếp củi vẫn còn nhưng chỉ dùng đun ấm chè hay khi nào nhà có việc lớn mới phải nấu nhiều. Cái kiềng ba chân trở nên sần sùi, khô đeo. Nếu lỡ chạm tay vào rồi dính lên áo là coi như xong, như kiểu bắt vạ vì đã bỏ bê nó. Dùng bếp dầu thì có sạch sẽ và tiện lợi hơn chút nhưng ngược lại, nó không được thơm tho như bếp củi. Lửa bắt từ dầu sộc vô mũi ngửi lợm lợm. Nhiều khi hôi rình. Nên tôi vẫn thích nhìn những lúc mẹ tôi đun bếp củi hơn, thơm thời nhỏ dại.
Rồi đời sống người dân được nâng cao dần, nhà này, nhà nọ rục rịch cập nhật công nghệ, bếp gas cứ thế lên đời. Mẹ tôi nghe bà thím kể khoe cái bếp gas mới dùng đã lắm, ưng ngay, nín lắm nhưng thỉnh thoảng vẫn buột miệng, biết khi nào nhà mình mới có bếp gas cho bằng xóm bằng giềng, bằng anh bằng em. Ba tôi nghe được, gạt phắt ngay. Ông nói, không gas không ghiếc gì hết, đó là thứ nguy hiểm chết người, có tiền cũng không mua (ba tôi có người bạn chết vợ vì nổ bình gas). Mẹ tôi buồn xo im lặng.
![]() |
Ảnh: VnExpress. |
Tôi nhìn thấy thương và nghĩ xã hội ngày một đi lên, không lẽ đời mẹ tôi cứ ôm riết cái gian bếp chật vật hoài như vậy. Ờ, ôm hoài sao được. Rồi mẹ tôi cũng bòn mót mua được cái bếp gas như ao ước, sau rất nhiều lần năn ni và bị ba tôi cản trở quyết liệt. Khi đó, bếp gas của hàng xóm đã lên lão làng hết rồi, có nhà còn dùng bếp từ, bếp điện, lò vi sóng, máy rửa chén... Nhưng mà mặc kệ hàng xóm, mẹ tôi vui hết biết, như thể một hôm nào đó nhà gần hết gạo, lấy cái lon sữa bò cào cào, quét quét đáy thùng thì phát hiện ra dưới đáy ba tôi giấu vài trăm ngàn từ lâu bỏ quên. Có bếp mới, mẹ tôi đỡ nhọc. Tôi thì mừng trong bụng, lỡ bạn bè về nhà, cũng bớt đỏ mặt vì cái bếp dầu gỉ sét, lắm lúc dở chứng lửa không đỏ, bèn tháo ra, lấy miếng giẻ vừa chùi vừa thổi thổi như bùa phép. Vậy mà nhiều khi nó đỏ, thấy mắc cười.
Công nghệ có khác, dùng bếp gas tiện hẳn, mẹ tôi vô bếp làm một nhoắng là cơm canh thơm lừng, chân tay sạch sẽ, bếp núc gọn gàng. Hoặc đôi khi đêm hôm khuya khoắt nhỡ đói bụng, mày mò dăm ba phút là đã có miếng ăn bỏ bụng (trừ phi hết gas mà không biết). Bữa bếp gas về, bếp dầu được dùng để nấu nước, kiềng ba chân chính thức bị bỏ rơi, mưa gió rồi hỏng hóc từ đời nảo, đời nào chẳng hay bởi mọi người còn bận lăn tăn về thành viên mới. Chỉ ba tôi là còn dè chừng. Ông bảo: "Mẹ bây thảnh thơi chút thì tao vui nhưng mà nhớ là phải luôn cẩn thận, dùng xong nhớ tắt van, nó sinh ra để phục vụ mình chứ không phải mình phục vụ nó". Rồi ông hoài niệm chuyện xưa lắc, ngó ra chùm nắng đậu trên cây trứng cá ngoài cửa sổ, mắt mơ màng nói tiếp: “Ngày xưa đúng cực, mẹ bây toàn nấu nướng bằng kiềng, tao đi gánh củi cũng có gì sung sướng, nhưng mà thoải mái, tao ưa. Cái đám đồ công nghệ nó đúng là xạo, cho mình thảnh thơi rồi lại cho mình bận lòng vì cảnh giác”.
Mẹ tôi chen vào: "Người ta lên mặt trăng xây cầu nối với trái đất đến nơi rồi ba mi còn ngồi đó kể chuyện Chử Đồng Tử với Tiên Dung tắm tiên". Tôi nghe đến đó bỗng dưng nghĩ, rồi chừng nào "anh công nghệ" sáng chế ra máy nhặt rau, máy làm cá, máy vo gạo, máy cắt móng tay, máy lau mặt... rẻ như bèo thì ít bữa ba mẹ tôi già, chắc chỉ còn mỗi việc ngồi ngó ra đường hóng lá rơi chơi. Một thú vui đúng tao nhã.
Bữa đó đúng nghĩ vậy nhưng sau này nhiều năm cho đến khi ba tôi mất, dù những cái máy tào lao ấy (là tôi nghĩ thế) chưa được phát minh (hoặc có khi đâu đó bên nước Mỹ người ta phát minh rồi mà tôi không biết) thì mẹ tôi cũng đã nhàn hạ hơn nhiều. Mẹ tôi không phải dậy sớm đun nước, pha ấm trà cho chồng rồi lóc cóc đạp xe ra chợ bán hàng mỗi sớm. Không phải quá chăm chút bữa ăn cho ba tôi những tháng ngày bệnh tật triền miên. Và thời gian bông đẫm ra thừa thải. Cái bếp gas nấu nướng nhanh chín quá cũng thành ra dở hơi. Nhiều khi mẹ tôi cứ nhìn ra trời, nghĩ gì tôi chẳng hay mà gọi mãi không thấy lên tiếng. Như lúc này, tôi ngồi ngay sau lưng, thỏ thẻ dăm câu mẹ vẫn cứ vui vầy với trời trăng mây gió.
Bếp lửa chiều nay hình như nhiều khói lắm thì phải, mắt tôi cứ cay xè, nghe nồng nồng đến mệt. Đang dụi mắt thì mấy con gió rượt nhau chạy tới, mây trên trời đổi màu xám xịt, đám khói đổi hướng, góc vườn nhỏ bỗng âm u buồn hiu. Tôi đâm khó tính, mưa làm gì lúc này nhỉ, chẳng phải là mẹ tôi đang nhóm bếp rất ngon lành đó sao.
Vài nét về tác giả:
Mặt hồ gợn sóng nhưng lòng thì lặng và sâu - Hồ Tịnh Thủy.
Bài đã đăng: Đâu mới là người phụ nữ hạnh phúc?, Mẹ, Không đề thu, Xúc cảm bằng thơ, Hạ vắng, Em về gom lại ngày xưa; Phương trời xa anh nhớ giữ niềm tin; Gửi lại môi thơm ngọt ngào phai dấu , Con đường nay vắng anh, Những nụ hôn không ngọt ,Tết xưa và kho báu tuổi thơ, Những cảm xúc đan chéo, Ký ức mùa lũ,Cứ ghét tôi nếu bạn muốn, Bao nhiêu tuổi cho vừa 'cái gật đầu', Về làm chi cho tuổi thơ bớt tròn, Vị Tết xưa, 'Độc thân' thì đã sao, Nói chuyện với chính mình, Người mẹ giản dị, Ký ức bếp lửa hồng, Góp nhặt yêu thương, Thành công đến muộn, Hạ trong lòng Huế, Cảm ơn cuộc sống, Tôi có 'người thầy trong mơ', Mưa và em, Gửi tình yêu vào hạ, Sắc đẹp đàn bà tuổi 30, Cha và con gái.