Hươu Ú
(Cuốn sách của tôi)
Cách viết và giọng văn của Yumoto vẫn vậy thôi - một chút gì đó giản đơn, trầm lặng, chậm rãi, tinh khiết, trong sáng và bình thản... Nhưng không như Mùa hạ, mình không đọc liền tù tì và cẩn thận nhấm nháp từng đoạn văn đẹp như một cốc kem chanh trong nắng hè tươi mới. Mình không thôi thúc phải đọc tiếp, đọc tiếp và rồi lại e dè vì sợ nếu đọc hết thì sẽ mất đi cảm giác đẹp đẽ này.
Có điều gì đó lắng lại, tĩnh lặng và êm đềm như một buổi chiều cuối thu khi cái se lạnh đầu đông bắt đầu lảng bảng lan tỏa trong không gian và cuộc sống đang trôi qua bình thản ngoài cửa sổ.
Mình đọc chậm rãi, rồi lại thêu một ít, làm việc này việc kia một ít, trong đầu không lưu lại nhiều dấu ấn của quyển sách đang đọc nhưng có một chút gì đó đủ để nhắc mình vẫn còn một quyển sách đang nằm lặng yên chờ đợi. Và tất cả những gì đã đọc trong những ngày trước sẽ chỉ là cảm nhận mơ hồ và không rõ nét nếu như thiếu đi vài chương sách cuối cùng này.
Mình không nghĩ rằng đây là một quyển sách nói về cái chết - dù đó là một chủ đề trùm bóng lên cả quyển Mùa hạ và Mùa thu của Yumoto. Nó là cách con người ta đi qua những mất mát của mình như thế nào?
Người ta có thể làm gì để bước qua những nỗi đau mà mình phải gánh chịu? Ba năm Chiaki sống ở trang viên cây Dương với bà cụ Popeye, với chiếc chăn bông nặng trịch, với con mèo béo ú tham ăn phì lộn., với cây dương tỏa bóng thản nhiên. Chiaki sống với những buổi chiều quét lá, với mùi khoai nướng trong lớp giấy báo và giấy bạc. Sống với mùi canh tương mặn chát, với mùi bánh đậu Đại Phúc, với mùi hương trầm trong căn phòng của bà cụ. Sống với những dòng chữ trẻ con ngô nghê, nghiêng ngả và hương vị bí mật của chiếc ngăn kéo...
Ba năm ấy là một dòng ký ức ngọt ngào mà cô bé Chiaki sẽ không nhớ lại nếu như không có chuyến bay quay trở về khu nhà ấy. Chia tay với bà cụ Popeye lần cuối cùng, gặp gỡ những con người cũng có "một vết xước" trong quá khứ đã được bà cụ giúp đỡ và tìm ra sự thật cho câu hỏi đã ám ảnh suốt cả quãng thời gian hình thành tính cách trong cô: "Bố ở đâu?"
Chiaki đã tìm được câu trả lời cho cuộc đời mình, tìm được một cái neo để giữ mình lại với cuộc sống nhưng... còn bà cụ Popeye? Bà đã chịu nỗi đau nào đến mức không thể vượt qua và tự trừng phạt mình bằng cách phải sống thật lâu, cho mọi người một điểm tựa khi họ rơi vào đáy sâu của tuyệt vọng. Còn bản thân mình thì không thể kể ra được sự thật? Giống như việc bà ru cho người khác ngủ còn bản thân mình thì thức.
Chiaki, thật là một cô bé may mắn! À mà không phải, thật ra ai cũng may mắn vậy thôi vì ai cũng có một đoạn ký ức đáng nhớ nào đó để an ủi mình.
Vài nét về tác giả bài viết:
Một chút mặt trời trong nước lạnh - Hươu Ú.
Bài đã đăng: Nơi trú ẩn, Niềm tin đích thực, Ba lần và một lần, Suối nguồn và con người, Vẻ đẹp của Toán học, Nơi cuối cầu vồng.