Thời tiết lạnh làm số trẻ em nhập viện tăng cao. |
Bằng chứng đầu tiên của mùa đông giá lạnh năm nay là, sau đợt gió mùa kéo dài bất thường cuối tháng 11, đợt gió mùa hiện nay dài không kém và có thể lạnh hơn. Đáng chú ý, gió lạnh tràn vào hầu hết lãnh thổ nước ta vốn trải dài trên vĩ độ rộng.
Sau khi tăng cường mạnh vào đêm mùng 3, ngày mùng 4/12, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, lưỡi cao lạnh có cường độ mạnh còn tăng cường thêm trong 6-7 ngày tới.
Các tỉnh thuộc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nằm sâu trong lưỡi cao lạnh này sẽ rét đến hết tuần. Các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ sẽ có nhiều ngày mưa.
Trong dài hạn, cho cả khoảng thời gian còn lại của mùa đông năm nay đáng lo ngại là nền nhiệt độ ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Hai khu vực này có nhiệt độ phổ biến ở mức thấp hơn giá trị trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Nói cách khác, mùa đông năm nay được dự đoán rét hơn so với mức trung bình trong vòng 30 năm qua.
Về mưa, Nam Bộ và Tây Nguyên có lượng mưa ở mức xấp xỉ TBNN, Trung và Nam Trung Bộ có lượng mưa cao hơn TBNN, và Bắc Trung Bộ có lượng mưa xấp xỉ TBNN. Riêng vùng Bắc Bộ lại có lượng mưa phổ biến xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN.
Như vậy, bất chấp xu thế khí hậu khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 3 tháng tới được dự báo vẫn ở trạng thái trung gian là chính, mùa khô năm nay, khu vực phía Bắc nước ta vẫn có diễn biến bất thường dù không phải nhiều. Đó là trời lạnh hơn và ít mưa hơn so với TBNN. Nhiệt độ có khả năng hụt chuẩn 0 - 1 độ C từ Thừa Thiên Huế trở ra.
Đông về, theo các chuyên gia đông y, cả khí và huyết đều có nguy cơ tổn thương, nhất là với người cao tuổi và trẻ em, những người mẫn cảm với thời tiết và người có tâm lý không ổn định.
Rét và rét kéo dài dễ khiến các bệnh viêm đường hô hấp, tắc nghẽn phổi mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi diễn tiến nặng và nhanh. Không chữa trị kịp thời, có thể bị áp xe phổi.
Nguy cơ bệnh tật tấn công nhiều nhất những ngày đông giá lại rơi vào các đô thị lớn.
Mấy ngày qua, các bệnh viện đều ghi nhận hiện tượng gia tăng bệnh nhân viêm phổi, bệnh đặc trưng của mùa lạnh và ô nhiễm không khí. Viện Y học Lâm sàng các Bệnh Nhiệt đới, mặc dù cảnh báo nhiều, vẫn nhận nhiều ca nghi nhiễm virus H5N1 mà cuối cùng lại không phải. Một số bệnh nhân có biểu hiện tiến triển nhanh, chỉ từ sáng đến chiều phổi đã bị tổn thương nặng, dù không có sự “can thiệp” của virus H5N1.
PGS.TS Ngô Quý Châu, Trưởng khoa Hô hấp BV Bạch Mai cũng khuyên nên tiêm vaccine phòng cúm, nhất là bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim, tiểu đường, gan hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch khác.
Một quan chức ở Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) thừa nhận tuần này NIHE hầu như cạn kho vaccine cúm. Đơn đặt hàng của NIHE mua 10.000 liều vaccine trong tháng 11 chưa được thực hiện. Nguyên nhân chính là do nhà cung cấp và là nhà sản xuất Aventis Pasteur không đủ hàng phân phối khi đông về.
(Theo Tiền Phong)