Công trái là loại giấy tờ có ghi mệnh giá, được Nhà nước ưu tiên bảo đảm trong khâu thanh toán cả gốc lẫn lãi nên đã được giới kinh doanh tiền tệ (các ngân hàng thương mại) đặc biệt chú ý. Mỗi nơi đều đưa ra những chính sách về tỷ giá, thưởng, hỗ trợ... nhằm tăng sức hấp dẫn đối với người có nhu cầu bán công trái mà họ đang sở hữu. So sánh giữa 3 "đại gia": Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thì Techcombank có phần thông thoáng, cởi mở hơn. Techcombank đã mở thêm dịch vụ mua lại công trái giáo dục (cả 2 đợt) trên toàn hệ thống của mình tại các thành phố lớn. Mức chiết khấu khởi điểm là trên 92% mệnh giá công trái và sẽ duy trì tỷ lệ chiết khấu cao nhằm cạnh tranh với các ngân hàng hiện đang chiết khấu trên thị trường và điều chỉnh tỷ lệ chiết khấu tăng dần tùy theo thời gian nắm giữ công trái đã mua... Tuy nhiên, ở những nơi mà Techcombank mở "thị trường", chỉ sau một thời gian ngắn, giới kinh doanh tự do tỏ ra thính nhạy, nhìn thấy mối lợi lớn từ những tờ công trái. Lúc đầu chỉ lác đác vài điểm, cửa hàng kinh doanh vàng bạc trương thêm biển phụ: "Điểm thu mua công trái". Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, hầu như tất cả các hiệu vàng đều mở thêm dịch vụ thu mua công trái. Theo Công An Nhân Dân, tại các hiệu vàng khu vực Hải Phòng, giá mua công trái giáo dục khoảng 83-85% so với mệnh giá thực của tờ công trái. Riêng công trái năm 1999, vì đang trong thời kỳ được Nhà nước thanh toán nên tư nhân sẵn sàng mua theo kiểu thỏa thuận, mức khởi điểm là 87%. Nếu so sánh tỷ lệ chiết khấu, giá thu mua của tư nhân không thể hấp dẫn hơn các ngân hàng. Song, mua bán trao tay ngay, không cần thủ tục và tiền "tươi" đếm đủ, lại là những thế mạnh của họ. Xét về mặt lý thuyết, với các mức tỷ lệ chiết khấu đã nêu, ngoài phần lãi chênh lệch trước mắt, người mua lại công trái còn được hưởng phần lãi suất mức cao (10%/năm và 50%/5 năm) khi thanh toán trước hạn và đến hạn với Nhà nước. |