![]() |
Hàng thuốc tân dược mọc lên ngày càng nhiều. |
Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 1.000 cửa hàng kinh doanh thuốc tư nhân, trong đó có 367 cửa hàng người đứng tên là dược sĩ đương chức, 704 người là dược sĩ đã về hưu hoặc không còn công tác tại cơ quan nhà nước. Trên những con phố có nhiều bệnh viện, phòng khám như Kim Liên, Giải Phóng... mật độ hiệu thuốc tương đối cao. Biển hiệu cửa hàng nào cũng ghi rõ số giấy phép, tên dược sĩ và cả giờ mở cửa. Tuy nhiên, có đến hàng trăm cửa hàng đăng ký mở cửa ngoài giờ hành chính mà vẫn hoạt động từ sáng tới tối.
VnExpress đến 5 hiệu thuốc ghi giờ mở cửa là 17h-21h, thì có tới 3 cửa hàng trên phố Tây Sơn, Đội Cấn vẫn mở cửa hoạt động ngay từ sáng. Đứng bán hàng tại hiệu thuốc trên đường Đội Cấn là một học sinh chưa tốt nghiệp trường Trung học Y tế. Người này cho biết: "Ngày nào cửa hàng cũng mở cửa từ 7-8h sáng đến tối. Chủ cửa hàng là một người, nhưng đứng tên trên giấy phép lại là người khác. Chủ cửa hàng thuê tôi bán hàng từ sáng đến 2h chiều".
Chánh thanh tra Sở Y tế Lê Nhân Tuấn, cho biết, theo quy định của Pháp lệnh về hành nghề y dược tư nhân, thì những dược sĩ đứng tên xin giấy phép phải có mặt tại nơi kinh doanh, người đang làm việc trong các cơ sở y, dược Nhà nước chỉ được hành nghề dược ngoài giờ khi có sự đồng ý bằng văn bản của thủ trưởng cơ quan. Ông Tuấn cũng thừa nhận, có nhiều cửa hàng mở cửa bán hàng không đúng quy định: "Chúng tôi biết là nhiều cửa hàng vi phạm, nhưng đặc thù của nghề dược sĩ phải làm ca nên có trường hợp họ tranh thủ những lúc nghỉ bù hoặc sau ca làm việc để mở cửa bán hàng. Vì vậy cũng có những trường hợp phải nương tay trong xử lý".
![]() |
Cửa hàng có biển hiệu giờ mở cửa từ 17h đến 21h nhưng đã mở cửa từ 8h sáng. |
Một chủ hiệu thuốc trên đường Phương Mai cho biết thực tế khác, đó là nhiều dược sĩ trên giấy đăng ký không phải là người của cửa hàng. Có điểm tên dược sĩ là nam giới nhưng chủ hàng cũng như nhân viên đều là nữ.
"Để có tên dược sĩ trong giấy đăng ký kinh doanh, các cửa hàng phải đi thuê với giá 1-1,5 triệu đồng một tháng. Nếu cửa hàng nào chơi xịn thì thuê luôn dược sĩ ấy bán hàng, mức lương trả là 2-2,5 triệu đồng, còn không thì thuê các dược tá, dược sĩ trung cấp đứng bán với mức lương 500-700 nghìn đồng", một người trong nghề thuốc, chuyên làm trung gian thuê bằng, tiết lộ. Để có mặt tại nơi kinh doanh theo đúng quy định của pháp lệnh, các dược sĩ đứng tên thường đảo qua cửa hàng "của mình". Khi có đợt kiểm tra, nhân viên cửa hàng sẽ nói với đoàn kiểm tra là chủ cửa hàng vừa chạy ra ngoài, và gọi điện báo, lập tức các dược sĩ đứng tên sẽ có mặt.
Một đại lý chuyên cung cấp thuốc tân dược tại Hà Nội tên Trường cho VnExpress biết, trước đây, việc thuê danh này khá dễ dàng, nhưng hiện nay bằng dược sĩ đã trở nên hiếm hoi hơn bởi số dược sĩ có hạn (ở Hà Nội chỉ có ĐH Dược đào tạo dược sĩ) mà hàng thuốc thì ngày càng nhiều. Theo dược sĩ Điệp, nhân viên một công ty cung ứng thuốc, chỉ có người trong nghề mới có thể tìm được mối "thuê bằng" và nếu người quen biết mới thuê được giá rẻ. "Thuê bằng dược sĩ không dễ mà cũng không khó, cái chính là phải có kinh nghiệm và có mối quan hệ", Điệp tỏ vẻ bí hiểm.
Theo ông Lê Nhân Tuấn, Sở Y tế thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh của các hiệu thuốc. Ngay các địa phương cũng đã có những cơ quan có thể kiểm tra giám sát như tổ quản lý y tế xã hội của xã, phường. Đội ngũ này sẽ kiểm tra sự có mặt của dược sĩ cũng như giờ mở cửa hàng. Hằng tháng, hằng quý, đơn vị này sẽ báo cáo lại với Sở Y tế. "Ngoài ra, đoàn thanh tra của chúng tôi cũng kiểm tra đột xuất các cơ sở và xử lý những vi phạm. Phạm vi kiểm tra không chỉ là lỗi dược sĩ vắng mặt, mở cửa sai giờ mà còn tập trung vào kiểm tra chất lượng thuốc, giá thuốc... ", ông Tuấn cho hay.
Từ năm 2004 đến ngày 15/3, thanh tra các đơn vị đã tiến hành kiểm tra 107 lượt nhà thuốc và xử lý 109 trường hợp vi phạm. Theo đó, đoàn đã phạt tiền 75 điểm, trong đó có tới 54 cơ sở (60%) bị phạt do dược sĩ vắng mặt. Với lỗi này, các cửa hàng sẽ bị phạt từ 1 đến 3 triệu đồng. |
Đề cập đến việc thuê bằng dược sĩ mở cửa hàng bán thuốc, Phó phòng Quản lý hành nghề Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Thị Khánh Vân cho rằng, việc phát hiện cửa hàng thuê dược sĩ rất khó. Bởi việc thuê bằng chỉ là thỏa thuận giữa nhà thuốc và các dược sĩ, cơ quan chức trách khó có thể tìm được những bằng chứng cụ thể mà chỉ có thể dựa vào số lần vắng mặt của dược sĩ. "Nếu trong 3 lần kiểm tra liên tiếp mà dược sĩ vắng mặt thì người đó sẽ bị rút giấy phép kinh doanh", bà Vân nói. Khi được hỏi Sở đã rút giấy phép bao nhiêu trường hợp vì lỗi vi phạm này, ông Tuấn cho hay: "Trong 3 năm gần đây, Sở Y tế đã xử lý rút giấy phép 4 trường hợp".
Chủ nhân những tấm bằng cho hay, cuộc sống quá khó khăn là lý do chính khiến các dược sĩ phải cho thuê bằng. "Lương của dược sĩ chúng tôi rất thấp, chỉ từ hơn 500 nghìn đến 1 triệu đồng. Nếu mở cửa hàng riêng thì chúng tôi không có khả năng vì mức đầu tư cơ sở cho hiệu thuốc cũng phải đến trăm triệu đồng", một dược sĩ tâm sự.
Việc cho thuê bằng hoặc để người không có trình độ bán thuốc có thể dẫn tới những hệ lụy tiêu cực đối với người tiêu dùng. Đó là bán thuốc không theo toa, bán quá giá quy định, thậm chí nguy hiểm hơn là bán nhầm thuốc. "Điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Bởi nhiều người không để ý tới việc người bán thuốc có phải là dược sĩ hay dược tá không. Cứ thấy khoác áo trắng là họ yên tâm", một cán bộ y tế thừa nhận.
Theo Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, đến 31/12/2010 sẽ không cấp phép cho các dược sĩ đang đương chức đứng tên hàng thuốc. Việc này nhằm ngăn chặn tình trạng cho thuê bằng cũng như các tiêu cực khác nảy sinh. Tuy nhiên, "điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà tôi sẽ bớt một suất cơm" một dược sĩ than thở.
Sở Y tế Hà Nội đang kiến nghị Bộ Y tế xem xét lại quy chế hành nghề của các dược sĩ và có thể học tập mô hình của Thái Lan. Theo đó, thay vì bắt buộc dược sĩ phải có mặt tại cửa hàng thì nên buộc họ phải có trách nhiệm với mọi hoạt động của cửa hàng.
"Như vậy dược sĩ sẽ có điều kiện cải thiện cuộc sống mà vẫn đảm bảo ràng buộc về trách nhiệm pháp lý của họ", chánh thanh tra Tuấn bày tỏ hy vọng. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những kiến nghị của ngành y tế Hà Nội.