![]() |
Để vào được trường điểm, cha mẹ HS phải đau đầu. |
Hàng năm, thời gian tuyển sinh đầu cấp cho các trường phổ thông công lập trên địa bàn TP Hà Nội được Sở GD và ĐT quy định là từ 1/7 đến 30/7. Trong đó, 1-15/7 là thời gian phát và nhận đơn tuyển sinh diện đúng tuyến.
Từ 15/7 trở đi mới là thời gian giải quyết những trường hợp trái tuyến. Nhưng mới sau Tết Âm lịch, một số phụ huynh (PH) có nhu cầu xin học (trái tuyến) cho con trong năm học tới đã mếu máo rằng, “người ta” sắp chỗ đâu vào đấy hết rồi.
Thực tế đó có thể xuất phát từ nỗi lo lắng thái quá của một số PH. Tuy nhiên, một thực tế khác cũng cho thấy, bắt đầu từ tháng 3, tháng 4 hàng năm, nhiều PH đã phải đôn đáo tìm cách “chạy trường” cho con em mình.
Chị Hằng có cậu con trai đầu lòng sinh năm 1999, tháng 9 tới, cháu mới bắt đầu vào học lớp 1. Học trường nào thì “hạ hồi phân giải” vì mẹ cháu đang phải “chạy”. Công cuộc “chạy” của chị Hằng được khởi động từ hè năm ngoái, nghĩa là khi chưa bắt đầu thời gian chính thức tuyển sinh đầu cấp cho năm học 2004-2005.
Qua giới thiệu của một người họ hàng, chị làm quen với chị Đức, một người mà nhờ đặc thù công việc nên quen biết rộng trong ngành GD&ĐT. Oái oăm thay, mục tiêu chị Hằng hướng tới lại là một trường “đắt giá” thuộc loại nhất quận Hoàn Kiếm. Kể từ khi được giới thiệu, hầu như tháng nào chị Hằng cũng gọi điện hoặc đến thăm chị Đức và “chăm sóc” chị Đức một cách kỹ lưỡng.
“Chạy trường” sớm như thế chẳng riêng gì chị Hằng. Hiệu trưởng một trường phổ thông cho biết, có những vị PH con đang rất nhỏ (khoảng 2-3 tuổi) đã đánh tiếng “bác chuẩn bị mấy năm nữa cho em một suất”. Kèm theo sự đánh tiếng ấy là sự “chăm sóc” cho mối quan hệ giữa PH và hiệu trưởng. Tết rồi các ngày lễ hiệu trưởng có quà đã đành. Ngay cả “gia đình em đi nghỉ về” hoặc “nhà em đi công tác nước ngoài về” cũng có của ngon vật lạ hoặc món quà đắt tiền “biếu bác”. Nhiều PH “chạy trường” được cho con do nhờ mối quan hệ thường không xác định được mức độ “tốn kém” cụ thể thường là vì “đầu tư dài hơi” như thế.
Cái khó trong tuyển sinh lớp 1 là các trường không biết dựa vào tiêu chí nào để xét tuyển khi mà Luật Giáo dục quy định mọi trẻ em 6 tuổi đều được quyền đến trường. Tiêu chí ưu tiên hàng đầu của các trường là HS “đúng tuyến”. Số chỉ tiêu còn lại dành để tuyển HS “trái tuyến”.
Tuy nhiên, một số trường có tiếng là “điểm” lại bị sức ép căng thẳng giữa cung cầu diện “trái tuyến”. Với những trường này, tiêu chí để tuyển sinh trái tuyến là mối quan hệ. Người không có mối quan hệ thì “chạy” để có mối quan hệ.
Theo dư luận xã hội, giá để vào trường này trường kia là số lượng “vé” khác nhau. Thực chất, đó là các mối quan hệ đã được “lượng hoá” thành tiền. Một PH khẳng định, con họ (đang là HS lớp 1) được vào học trường danh giá là nhờ “mua suất” (3 triệu đồng) của một cán bộ làm ở UBND quận Đống Đa.
Có những PH tỏ ra sẵn sàng “chi” rất nhiều tiền nhưng lại không tìm được “dây” (mối quan hệ). Vì thế, “mối quan hệ” để vào một số trường càng trở nên đắt giá, thậm chí thành... vô giá!
Tuy nhiên, vẫn có một “mặt bằng” giá cả tuỳ theo trường được các PH kháo với nhau rằng đắt giá nhất là một số trường thuộc quận Hoàn Kiếm như Tràng An, Trần Quốc Toản, Thăng Long... Giá một suất để “chạy” vào những trường này nghe nói nhiều trăm USD. Thậm chí, có trường hợp PH “khoe” rằng họ chạy trường cho con hết gần 1.000 USD".
Theo Tiền Phong, không chỉ là nhu cầu cần được chọn trường tốt mà các PH sống ở HN còn có một nhu cầu khác: sắp xếp việc học của con thuận lợi với hoàn cảnh gia đình. Có nhiều PH muốn xin cho con học ở trường gần nơi mình công tác, đương nhiên là trái tuyến. Hơn nữa, việc người sống một nơi hộ khẩu một nơi là hiện tượng khá phổ biến đối với các hộ dân trên địa bàn Thủ đô.