Thịt trâu gác bếp: Đây là món nhất định bạn phải nếm thử một lần đến Tây Bắc. Miếng thịt mang hương vị đậm đà nhờ kỹ thuật ướp gia vị cầu kỳ và tinh tế. Thịt săn lại và có màu đen óng sau thời gian gác bếp hun khói đủ độ. Miếng thịt ám khói bếp lâu ngày có vỏ khô, bên trong còn hơi ướt mềm và mang đậm phong vị núi rừng. Khi thưởng thức, bạn nên nướng qua, sau đó dùng chày đập giập, xé nhỏ và chấm cùng tương ớt, hoặc ớt cay trộn muối hạt giã nhỏ. Cá chép nướng: Nhắc đến các món nướng nổi tiếng của người Thái ở Tây Bắc, không thể bỏ qua cá chép nướng. Đồng bào vùng cao thường chọn cá chép đực, để nguyên vảy, mổ bụng bỏ ruột, bỏ mang lọc xương giữa để dễ gập cá khi kẹp tre. Ướp cá với hạt mắc khén, muối hạt, ớt tươi rồi kẹp tre tươi, sau đó nướng trên than hoa cháy hồng 30 phút. Cá nướng thơm, thịt mềm ăn ngọt bùi, quyện lẫn với vị cay của ớt và mắc khén. Gà nướng mọi: Món ăn có mùi thơm ngậy, màu sắc cuốn hút. Gà sơ chế sạch, mổ phanh, bẻ ngửa để mở cánh hai bên, kẹp vào vỉ nướng trên than hoa cách mặt lửa 15-20 cm cho đến khi săn lại, da vàng đậm là có thể ăn được. Miếng thịt ngọt chấm cùng gia vị đơn giản chỉ gồm muối hạt giã trộn ớt cay hấp dẫn. Lợn bản hấp lá chuối: Thịt lợn phổ biến ở mọi vùng miền. Tuy nhiên, qua bàn tay của người Thái, món ăn từ thịt lợn bản hấp lá chuối lại có vị lạ ấn tượng. Người Thái chọn miếng thịt ba chỉ tươi có cả mỡ cả nạc, bỏ bì, dùng giấy ăn thấm khô, băm nhỏ, ướp gia vị,sau đó gói bằng lá chuối theo miếng vừa ăn. Miếng thịt hấp nóng hổi quyện với mùi thơm của mùi tàu, húng chó, hạt mắc khén, hạt tiêu khiến ai cũng phải xuýt xoa. Chân giò hầm rượu táo mèo: Không chỉ là thức uống đặc sản của Tây Bắc, rượu táo mèo còn là nguyên liệu đặc biệt trong món ăn của người dân vùng đất này. Rượu táo mèo ninh với xuyên khung, hạt tiêu, hoa hồi, thảo quả chừng một tiếng, sau đó lấy nước hầm chân giò sẽ tạo nên thức ăn bổ dưỡng. Miếng chân giò ninh có màu nâu cánh gián ngon mắt, thịt dẻo giòn, vừa thơm vừa béo ngậy. Rau dớn xào tỏi mẻ: Loại rau chỉ trên rừng mới có này rất dễ chế biến, có thể luộc chấm nước tương, xào với tỏi, nấu canh, ngâm chua, nhưng được yêu thích nhất vẫn là xào tỏi mẻ. Rau dớn mới hái về còn nhựa, xào cùng tỏi và một chút mẻ có vị bùi, ăn giòn như ngọn su su mà lại rất thơm và mềm, màu xanh đẹp mắt. Măng rừng luộc chấm chẳm chéo: Chẳm chéo là nước chấm đặc trưng của núi rừng, được dùng để ăn kèm nhiều món trong đó có măng rừng luộc. Miếng măng non còn nguyên vị đăng đắng ăn cùng chẳm chéo sẽ tròn vị khi quyện với vị cay của ớt và hạt tiêu, vị cay tê của mắc khén, hương thơm nồng hạt dổi cùng mùi thơm từ rau mùi. Xôi tím: Ai từng thưởng thức món ăn của đồng dào dân tộc Thái ở Tây Bắc chắc hẳn không quên món xôi tím vừa dẻo thơm vừa đẹp mắt. Người ta chọn gạo nếp hạt to và mẩy đều, vo sạch, ngâm kỹ rồi nhuộm màu bằng loại lá tím chỉ có ở vùng cao. Hạt xôi chín mềm, dẻo nhưng không dính tay, ánh lên màu tím tươi rói và bóng mẩy, chấm cùng muối vừng rất ngon miệng. Xôi chim: Gạo để đồ xôi cũng là gạo nếp nương. Món xôi dẻo thơm nhờ hạt nếp nương sau hai lần đồ bằng chõ gỗ và béo ngọt nhờ vị thịt chim câu. Xôi chim được đựng trong ếp tre có nắp đậy để giữ ấm và mềm. Hương vị xôi chim sẽ hoàn chỉnh khi được rắc thêm tép hành khô chiên vàng. Ngày 12/3 hàng năm, Tập đoàn Mường Thanh tổ chức ngày Tết dành cho nhân viên tận hưởng ngày đầu tiên của năm mới theo cách riêng và đặt tên là Tết Mường Thanh. Ngày này, các nhân viên Mường Thanh sẽ cùng nhau đón năm mới bằng những hoạt động truyền thống. Trong đó, mâm cơm cũng không thể thiếu các món ăn đặc trưng, đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc. Khách hàng có thể thử những món ngon Tây Bắc trên các khách sạn Mường Thanh trên toàn quốc. Tết Mường Thanh diễn ra vào thời điểm đẹp nhất ở Tây Bắc khi hoa ban núi rừng nở rộ, gọi mùa xuân về trên những lộc non của núi rừng. Nhân dịp Tết Mường Thanh 2018, hàng trăm cây hoa ban đã được trồng trên toàn bộ hệ thống 53 khách sạn Mường Thanh với mong muốn mang bản sắc văn hóa Tây Bắc tới đông đảo khách hàng. (Nguồn: Mường Thanh)