Hầu hết các dân tộc đều cho rằng, món canh (súp) giúp bảo vệ, duy trì và tăng cường sức khỏe. Theo ghi chép, trong thế vận hội Olympic của Hy Lạp cổ đại, mỗi vận động viên tham gia cuộc thi đều mang theo một con dê hoặc con bê đến miếu thần Zeus. Đầu tiên họ để con vật lên miếu tế thần, tiếp đó theo nghi lễ truyền thống, họ mang nó đi giết thịt. Con vật được cho vào một cái nồi to, phần thịt đun chín chia cho những người không tham gia cuộc thi, còn phần canh phân phát cho các vận động viên để tăng cường thể lực. Khi đó, mọi người mới biết dinh dưỡng có nhiều ở nước canh.
Mỹ được coi là đất nước đầu tiên ăn nhiều súp nhất, đặc biệt là món súp gà. Tương tự, ở Nga có các loại súp Nga, Tây Ban Nha ăn súp lạnh, Anh và Ấn Độ ăn súp cà ri. Canh (súp) dường như trở thành món ăn văn hóa điển hình cho mỗi quốc gia. Ở nước ta, món canh cũng là món ăn không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, có tác dụng vô cùng quan trọng. Món canh dùng trước bữa ăn để làm dịu cổ họng và đường ruột, kích thích ăn uống. Món canh ăn sau bữa ăn, giúp dễ tiêu hóa các loại thức ăn khác. Còn đông y cho rằng canh có tác dụng kiện tỳ, khai vị, lợi họng nhuận hầu, ôn trung tán hàn, bổ ích cường thân. Món canh có tác dụng rất quan trọng như: phòng bệnh, dưỡng sinh, bảo vệ sức khỏe, làm đẹp.
Cho dù ăn ở nhà hay ăn ngoài nhà hàng thì món đầu tiên đặt trên bàn phải là món canh (súp). Nhưng làm thế nào để có được một món canh đầy đủ dinh dưỡng hợp lý và đủ lượng? Cần phải có một quá trình học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, phối hợp đúng các nguyên liệu, điều chỉnh lửa, thời gian nấu, gia vị... Căn cứ vào nhu cầu của cơ thể và khí hậu khác nhau để chế biến những món canh khác nhau.
Món canh vừa có hình thức đẹp mắt, vừa có giá trị dinh dưỡng cao, thơm ngon hấp dẫn. Nguyên liệu để nấu canh phải tùy theo sự thay đổi của thời tiết từng mùa, tùy theo từng vùng. Ví dụ miền Bắc ăn vừa hoặc hơi mặn; miền Nam ăn ngọt; miền Trung ăn cay... Thực phẩm chế biến món canh và các mùa liên quan mật thiết với nhau. Một năm bốn mùa khí hậu khác nhau: mùa xuân ấm áp; mùa hạ nóng nực, ẩm thấp; mùa thu mát mẻ, khô hanh; mùa đông rét mướt. Vì thế sinh lý, bệnh lý của con người cũng chịu ảnh hưởng của sự thay đổi của khí hậu. Do vậy, dù ở trạng thái sức khỏe dồi dào hay đau yếu, đều cần chú ý chọn lựa những thực phẩm thích hợp với bốn mùa.
Y học cho rằng mùa xuân dưỡng gan, mùa hạ dưỡng tâm, mùa thu dưỡng phổi, mùa đông dưỡng thận. Vì thế, dưỡng sinh bốn mùa dựa trên nguyên tắc: mùa xuân bình bổ, dưỡng gan trợ dương, tránh phong hàn, tránh dịch bệnh; mùa hạ thanh bổ, tránh nóng, dưỡng tâm phổi; mùa thu bổ âm, dưỡng phổi, chống tiêu tán tân dịch; mùa đông ôn bổ, dưỡng dương phòng hàn, bổ thận ích tinh.
Tuyển tập Món canh bốn mùa chính là cuốn sổ tay dành cho các bà nội trợ để bồi bổ sức khỏe theo từng mùa. Bộ sách chia làm bốn cuốn: Món canh bốn mùa - Mùa xuân, Món canh bốn mùa - Mùa hạ, Món canh bốn mùa - Mùa thu và Món canh bốn mùa - Mùa đông. Mỗi cuốn sách đều chia làm ba phần theo sự thay đổi thời tiết từng mùa. Mỗi món canh đều được chọn lựa từ những nguyên liệu phổ biến. Cách chế biến, công dụng dinh dưỡng được giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ kèm theo hình minh họa, lôi cuốn và hấp dẫn.
Thục Yên