Không khó để tìm một ngôi chợ giữa Sài Gòn, từ siêu thị cho đến các ngôi chợ lớn ai cũng biết như chợ Bến Thành, chợ Lớn… hay những chợ cóc trong các con đường, hẻm phố. Vậy mà vẫn còn bắt gặp hình ảnh những người bán dạo rong ruổi qua các ngõ ngách, chỉ với một chiếc xe đạp họ có thể "chở" cả một cái chợ đến với tất cả mọi người.
5h sáng, những người bán hàng rong tập trung lấy hàng tại các chợ đầu mối. Khi mà trong hai chiếc giỏ sắt đã đầy đủ các mặt hàng từ bầu, bí, các loại rau, cà chua, cà tím, cá, thịt… cũng là lúc họ bắt đầu cho một ngày mưu sinh.
![]() |
Chỉ với một chiếc xe đạp nhưng chở đủ loại hàng hóa. |
Dừng xe bắt chuyện với một chị bán hàng rong, vừa xếp hàng hóa lên xe, chị vừa nói chuyện bằng giọng đặc trưng của người miền Trung. Chị cho biết vào Sài Gòn được gần mười năm, buổi sáng đi bán hàng dạo, từ chiều đến tối chị đi mua ve chai kiếm thêm thu nhập. Với những người bán hàng rong như chị, về thăm quê là một điều gì đó rất xa vời. Chị nói: "Gần mười năm chưa về thăm nhà, nhớ quê lắm. Nhưng có tiền gửi về lo cho con ăn học là thấy vui rồi".
Trên chiếc xe của chị đầy đủ tất cả các nguyên liệu cho một bữa ăn, chiếc giỏ bên trái là mấy cân thịt bò, thịt heo, bên chiếc giỏ còn lại là các loại cá biển, cá đồng, tôm, mực… còn không gian ở giữa là vô số các loại rau và một vật dụng không thể thiếu là cái cân đồng hồ loại 5 kg được treo phía trước ghi-đông. Trò chuyện dăm ba câu, chị lại tất tả đạp xe đi cho kịp buổi chợ. Nhìn theo chiếc xe đạp cà tàng mà cõng được cả một ngôi chợ, chỉ còn biết lắc đầu thán phục.
![]() |
Khách hàng là những người dân trong các con hẻm, không có thời gian đi chợ. |
Cô Lan (đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh) cho biết: “Mua hàng của những người bán rong thì mắc hơn ở ngoài chợ. Nhưng biết làm sao, mình không có thời gian đi chợ, họ tìm đến với mình thì coi như giúp đỡ nhau, vậy là công bằng”. Còn bà Năm nói: “Những người này vừa siêng, vừa hiền, mình muốn ăn gì chỉ cần dặn bọn họ là ngày mai sẽ mang đến, tiện lắm”.
Những người buôn bán hàng rong đa phần là người dân miền Trung, miền Bắc kéo nhau vào đây mưu sinh, nam có, nữ có, mỗi người tự chọn cho mình một địa bàn, một con phố. Anh Hoàng vừa cho các loại rau vào chiếc xe tự chế vừa nói: "Quê tôi ở Ninh Bình, nhà nghèo không có ruộng làm nên phải lang thang vào đây mưu sinh, chịu khó tiết kiệm thì ngày cũng kiếm được dăm bảy mươi ngàn, cuối tháng có tiền gửi về cho ông bà ở quê".
![]() |
Hiện đại hơn thì đi bán bắng xe gắn máy. |
Tìm đến với những ngôi chợ rong này, bạn có thề hỏi mua bất cứ điều gì, kể cả những món quà quê mà bạn và gia đình muốn ăn, chỉ cần dặn trước. Hình ảnh chiếc xe đạp cà tàng, áo bộ đội bạc màu, nón lá và khẩu trang che kín mặt rong ruổi qua các ngỏ hẻm, con phố đã trở nên quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người dân nơi thành phố xa hoa này. Trong thời buổi siêu thị, chợ mọc lên như nấm, vậy mà với ngôi chợ di động của mình họ vẫn mưu sinh được thì thật là đáng phục.
Tiêu Phong