Cát Tuyền (bên trái) và Chinh Nhân. |
G., K., M., P... là những người thật sự đáng thương, khi đã trải qua nỗi đau thân xác để chuyển đổi giới tính vẫn không được gia đình người yêu chấp nhận. G., một người đã chuyển đổi giới tính, vừa bị chồng chia tay, nói trong nước mắt: “Dù sao em cũng may mắn là có một đám cưới, được mặc áo cô dâu. Cứ nghĩ đến lúc mình nhắm mắt xuôi tay, bên quan tài sẽ là hình một phụ nữ chứ không phải một người đàn ông, em đã mãn nguyện, không cần gì hơn”. G. và nhiều người cùng cảnh ngộ chỉ biết lao vào công việc từ thiện. Họ quy tụ bạn bè, người thân tổ chức nhiều chuyến đi cứu trợ, giúp đỡ người nghèo và trẻ em tàn tật.
Không phải ai cũng tìm được hạnh phúc như Cát Tuyền, Ái Xuân, Thái Tài..., dù đã trải qua biết bao sóng gió. Trong live show Tiếng hát hai cuộc đời mà ca sĩ Cát Tuyền tổ chức gần đây ở TP HCM, cô không ngần ngại tâm sự với công chúng ước mơ lớn nhất cuộc đời mình: “Em mong được xã hội công nhận, được làm nghề một cách chuyên nghiệp và được khoác áo cô dâu”.
Cát Tuyền kể về cuộc sống tuổi thơ của cô với giọng thoáng buồn. Cô tên thật là Vân, sinh năm 1974, tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang trong một gia đình nông dân có 5 anh chị em. Cậu bé Vân được gia đình yêu thương không chỉ vì là con trai út mà còn bởi cá tính nhu mì, nhút nhát giống hệt con gái. Có cha mẹ đều là nghệ sĩ, từ năm lên 4 tuổi, Vân đã bắt đầu vào hậu trường Đoàn Cải lương Văn công Tiền Giang sống cuộc đời gạo chợ nước sông.
Năm 16 tuổi, Vân xin cha mẹ theo Đoàn Văn công tỉnh Long An. Cậu được đoàn cử theo học lớp thanh nhạc tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Long An. Từ lớp học căn bản này, Vân đã đoạt hai HC vàng tại Liên hoan Tiếng hát ĐBSCL và hội thi đơn ca lực lượng vũ trang tỉnh Tiền Giang. Một năm sau, Vân đoạt giải A cuộc thi đơn ca “Mùa xuân” của tỉnh Tiền Giang.
Dù sống trong gia đình nghèo khó nhưng Vân vẫn được cha mẹ và các anh chị khuyến khích vào ĐH. Song, do quá mê nghề ca hát, năm 1995, khi thi rớt ĐH Kinh tế TP HCM, Vân liền đăng ký thi vào Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP HCM), khoa diễn viên cải lương. Chỉ học được một năm thì gia đình gặp khó khăn, phải dọn nhà đi nơi khác, Vân xin nghỉ học ra Vũng Tàu tìm cách làm ăn cùng với một số bạn thân. Không chỉ khốn khó trong cuộc sống, Ngô Thanh Vân cũng như Ái Xuân, Thái Tài và biết bao số phận “thân sâu, hồn bướm” khác, luôn mặc cảm nặng nề bởi cái vỏ bọc đàn ông của mình. Cát Tuyền bồi hồi: “Tôi khao khát được sống đúng bản năng của mình. Mấy ai biết đã có lúc tôi định tự vẫn vì đau đớn do bị kỳ thị”.
Sâu xa trong quyết định đi Vũng Tàu làm ăn của Vân có lẽ là mong muốn kiếm một khoản tiền để đi nước ngoài phẫu thuật chuyển đổi giới tính, vĩnh viễn thoát khỏi cái vỏ bọc khó chịu, nặng nề đeo đẳng lâu nay và được sống như một cô gái bình dị.
Để thực hiện hoài bão của mình, Vân lao vào kiếm tiền. Ở Vũng Tàu, Vân cùng nhóm bạn hùn vốn buôn bán nón rơm cho khách du lịch, hát lót cho các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, phụ việc cho các nhà hàng... Rồi Vân quyết tâm làm ăn lớn để có tiền sang Thái Lan giải phẫu chuyển đổi giới tính. Năm 2001, được sự ủng hộ của bạn bè, Ngô Thanh Vân quyết định đứng ra làm bầu sô ca nhạc. Thế là Vân đi thuê âm thanh, ánh sáng, liên hệ sân bãi và tổ chức chương trình hội chợ lô tô có tăng cường các ca sĩ, nghệ sĩ ngôi sao. Không ngờ với mô hình này, Ngô Thanh Vân đã thành công, từ một bầu nhỏ phát triển thành nhà tổ chức với 3 đoàn hát bao trùm các sân bãi của tỉnh Long An, Tiền Giang với nhiều gian hàng hội chợ lớn có tổ chức biểu diễn văn nghệ. NSƯT Lệ Thủy khẳng định: “Cát Tuyền chính là người đầu tiên làm mô hình hội chợ có tăng cường nghệ sĩ tên tuổi, giúp cho bạn bè cùng cảnh ngộ được sống, ca hát và làm ăn lương thiện. Tuyệt nhiên các sô diễn của Cát Tuyền không lừa gạt khán giả”.
Vài năm sau, khi đã có trong tay 20.000 USD, Vân quyết định: “Đến lúc tôi phải sống đúng bản năng của mình. Thế là tôi cầm tiền sang Thái Lan.... Các bác sĩ đưa cho tôi một tờ cam kết, khi đọc tôi đã khóc rất nhiều, vì nếu quyết định chuyển đổi giới tính tôi sẽ bị giảm 20 năm tuổi thọ. Song, tôi chấp nhận để đánh đổi ước mơ được sống đúng bản năng của mình”. Cô nói về cuộc phẫu thuật với gương mặt đầy hãi hùng: “Không có gì đau đớn bằng cuộc giải phẫu đó. Tôi đã phải tiêm một liều thuốc gây mê đến 24 giờ. Nỗi đau thân xác hành hạ nhiều ngày sau đó. Các bác sĩ chỉ cho mỗi ngày 7 viên thuốc giảm đau nhưng tôi đã phải uống đến 20 viên mà vẫn nhức nhối”.
Sau đó về VN, Ngô Thanh Vân chính thức đổi tên thành Ngô Thị Cát Tuyền, được chính quyền địa phương chứng nhận đã chuyển đổi giới tính. Cát Tuyền không hề giấu giếm chuyện tình của mình với nghệ sĩ Chinh Nhân, con trai của nghệ sĩ Bạch Mai. Cả hai đã có cùng ý tưởng trong việc tổ chức những chương trình nghệ thuật cải lương từ thiện. Nghệ sĩ Chinh Nhân cho biết: “Nhiều lần Cát Tuyền dự định tổ chức đám cưới nhưng lại đụng lịch biểu diễn và tổ chức các chương trình ca nhạc lớn. Đối với tôi, khi gia đình, xã hội và bạn bè đã chấp nhận Cát Tuyền thì việc tổ chức đám cưới với người chuyển đổi giới tính không có gì là lạ. Tôi rất phục ý chí vượt khó của Cát Tuyền”.
Nói về chồng sắp cưới, Cát Tuyền không giấu niềm tự hào: “Nhiều lần chúng tôi bất đồng quan điểm, tranh cãi đến mức định bỏ nhau, nhưng rồi tất cả được xóa nhòa, bù vào đó là niềm hạnh phúc khi cùng nhìn về một hướng. Tôi yêu Chinh Nhân và sẽ tiếp tục gắn bó với anh trên con đường nghệ thuật cũng như đường đời”.
(Theo Người Lao Động)