Chung kết Miss Hong Kong 2021 diễn ra đêm 12/9, với phần thắng thuộc về cô gái mang hai dòng máu Bồ Đào Nha và Trung Quốc Tống Uyển Dĩnh. Trong khi kết quả chung cuộc không gây được ồn ào, quan tâm, khán giả lại nhắc nhiều đến màn biểu diễn của nam ca sĩ gạo cội Trương Học Hữu.
Anh xuất hiện trên sân khấu theo lời mời từ ông Tăng Chí Vỹ - phó tổng giám đốc đài. Trên sân khấu, Trương Học Hữu hát một ca khúc kinh điển, hâm nóng bầu không khí. Một độc giả tờ 163 bình luận: "Ngay khi Trương Học Hữu lên sân khấu, vòng chung kết Miss Hong Kong lập tức trở thành đêm nhạc solo của anh ấy, khiến người ta cảm động khi nhớ về những kỷ niệm đẹp".
Một số khán giả Hong Kong còn đặt câu hỏi bông đùa trên mạng xã hội: "Miss Hong Kong vẫn diễn ra ư?". Điều này cho thấy vài năm trở lại đây, cuộc thi không còn tạo nhiều sức hút trong lòng người xem xứ cảng thơm.
Miss Hong Kong - biểu tượng một thời
Không phải ánh đèn rực rỡ của cảng Victoria và Tsim Sha Tsui hay sự hối hả lẫn nhộn nhịp của những con phố ở Mong Kok, khi nhắc đến Hong Kong những năm 1970 -1980, điều mà dân chúng quan tâm nhất là cuộc thi hoa hậu. Người ta nhắc đến Lý Lan - một mỹ nhân gốc Quảng Châu - đã vượt qua 11 người đẹp khác giành ngôi vị cao nhất tại cuộc thi nhan sắc xứ hương cảng. Từ một cô gái bình thường, Lý Lan dùng bàn đạp này để đóng vai chính trong nhiều phim điện ảnh như Tình Diễm, Hoàng Phi Hồng, sau đó lấy một ông chủ sòng bài, cuộc đời sang trang.
Mặc dù Lý Lan biến mất và mờ nhạt khỏi làng giải trí ngay sau khi kết hôn, sự đổi đời của cô khiến nhiều cô gái xuất thân bình thường bắt đầu khao khát bước lên bục vinh quang. Trong những năm sau đó, ngày càng nhiều phụ nữ trẻ đăng ký tham gia cuộc thi nhan sắc.
Năm 1973, lần đầu tiên Miss Hong Kong được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm những gương mặt sáng giá cho màn ảnh TVB. Khẩu hiệu của cuộc thi là: "Sắc đẹp và trí tuệ cũng quan trọng như nhau". Đây được coi là sự kiện "đinh" của đài gần hai chục năm sau đó và luôn thu hút đông đảo khán giả theo dõi ngay từ những vòng đầu.
Vào những năm này, cứ tới đầu mùa hè là mọi sự quan tâm của cả Hong Kong đều tập trung về cuộc thi, các ứng viên trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên đường phố, ngõ hẻm sau bữa trà chiều và bữa tối. Đêm chung kết, thậm chí hầu hết người dân Hong Kong sẽ đứng trước tivi và chờ đợi kết quả.
Qua 48 năm, TVB đã gieo vào lòng khán giả những tài năng và nhan sắc nổi trội, có thể kể đến Xa Thi Mạn, Trương Mạn Ngọc, Lý Gia Hân, Hồ Hạnh Nhi, Quách Thiện Ni... Sohu lấy dẫn chứng Trương Mạn Ngọc, một tài năng của màn ảnh bước ra từ Miss Hong Kong. Chỉ bước chân vào giới giải trí một giai đoạn ngắn, cô đã khiến người xem đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác, khi hóa thân từ cô gái thuần chất, hồn nhiên trong Vượng giác ca môn tới nữ nhân sắc sảo trong Thanh Xà, rồi trở thành cô gái Lý Kiều dám yêu, dám hận trong Điềm Mật Mật...
Giai đoạn trầm lắng
Năm 1993, Quách Khả Doanh trượt vị trí hoa hậu, người đăng quang là Mạc Khả Hân - cô gái được người dân cảng thơm gọi là "Hoa hậu xấu nhất". Có lẽ là trùng hợp, từ năm sau đó, các hoa hậu đăng quang đều có sự nghiệp trắc trở, khiến người ta cho rằng kết quả bầu chọn năm 1993 đã... phá vỡ phong thủy của Miss Hong Kong. Cũng từ thời điểm ấy trở đi, cuộc thi có lượng khán giả ngày càng thấp.
Không đi theo cái nhìn "phong thủy", những người có con mắt chuyên môn chỉ ra, Miss Hong Kong đã thực sự bước vào đáy, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, ngành giải trí bị ảnh hưởng, tỷ lệ khán giả theo dõi vòng chung kết Miss Hong Kong năm nào cũng tụt xuống khoảng 20%.
Cũng chính từ thời điểm này, sự chú ý của mọi người dành cho Miss Hong Kong dần không còn tập trung vào ngoại hình và các tác phẩm nữa mà chuyển sang những lời đàm tiếu và tai tiếng. Người ta quan tâm đến các câu chuyện bên lề như giật chồng, giành bạn trai đại gia, kiện tụng..., khiến hình ảnh các cô gái bước ra từ Miss Hong Kong tổn hại nặng nề.
Năm 2001, vòng chung kết chỉ có tỷ lệ theo dõi 19% - là mức thấp nhất kể từ khi TVB đăng cai tổ chức cuộc thi hoa hậu. Năm 2003, sau khi ba cái tên quan trọng nhất được xướng lên, người ta lại chỉ thấy truyền thông "bao vây" các khách mời Tạ Đình Phong, Trần Dịch Tấn... để phỏng vấn, còn các cô gái vừa đăng quang lại chẳng mấy ai chú ý.
Vì sao Miss Hong Kong không còn sức hút?
Năm 2017, Sina đưa ra nhận định, hào quang mà Miss Hong Kong từng mang lại giờ đã không còn, dần giống như một "ly rượu nhạt" khiến người xem mất hứng thú thưởng thức.
Về yếu tố khách quan, sự nổi tiếng của Miss Hong Kong lên đến đỉnh cao vào đầu những năm 1990 rồi dần xuống dốc do tác động của làn sóng nội dung và tư tưởng thời đại mới. Sự sụt giảm của phim truyền hình, điện ảnh Hong Kong có mối tương quan thuận với việc Miss Hong Kong giảm sức hút. Trong giai đoạn đỉnh cao của phim ảnh Hong Kong, nếu có cơ hội xuất hiện trên sân khấu cuộc thi Miss Hong Kong, mỹ nhân dễ dàng trở nên nổi tiếng và có tiền. Hong Kong những năm đó cũng đang trong thời kỳ phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, đặc biệt cần đến một sân khấu thi hoa hậu để hình thành biểu tượng của riêng mình. Đó là một mối quan hệ tương hỗ: kinh tế lớn mạnh hơn thì chính nền công nghiệp giải trí cũng bùng nổ.
Giai đoạn này, ở Hong Kong, thẩm mỹ của phương Đông và phương Tây hòa quyện, một loại hình thẩm mỹ được gọi là "phong cách Hong Kong" đã xuất hiện, nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả châu Á. Trong suốt những năm 1980, sản lượng phim Hong Kong hàng năm từng đạt hơn 200, tổng giá trị sản lượng phim từng đứng đầu châu Á và thứ hai thế giới (sau Mỹ). Không chỉ vậy, với vai trò là trung tâm của phim châu Á, phim Hong Kong còn nắm chắc thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đông Nam Á và các khu vực khác. Phim Hong Kong chiếm lĩnh thị trường ở Đài Loan, có thời điểm thị phần lên tới hơn 40%. Điều này lý giải, từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1990 là thời kỳ thịnh vượng nhất của Hoa hậu Hong Kong. Sự nổi tiếng của họ đương nhiên gắn liền với màn ảnh: "Khi nhắc đến những nghệ sĩ này, hình ảnh hiện lên trong tâm khán giả là những cảnh phim kinh điển chứ không phải là hình ảnh họ đăng quang trên sân khấu của một cuộc thi sắc đẹp".
Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của dòng phim thương mại khoa học viễn tưởng Mỹ, ngành giải trí Hong Kong dần suy sụp. Với sự suy thoái của thị trường TVB, một số lượng lớn các nhà làm phim và truyền hình Hong Kong hiện hướng tới Đại lục để phát triển. Thị phần phim TVB tại các nước giảm sút nghiêm trọng, sức hút của phim Hong Kong tụt hạng. Điều dễ hiểu, đất diễn của các cô gái cũng giảm dần.
Tờ Sohu cũng chỉ ra, sức hút Miss Hong Kong giảm sút liên quan nhiều tới tình trạng trì trệ của đài TVB trong những năm gần đây. Mặc dù đài đã ra sức xoay xở bằng cách mời Tăng Chí Vỹ về làm phó tổng giám đốc của TVB và trực tiếp chỉ đạo cuộc thi Miss Hong Kong với kỳ vọng đem đến những hiệu ứng tốt nhất và hấp dẫn nhất, về cơ bản, cuộc thi vẫn bị đánh giá không cao về thẩm mỹ, trang phục màu mè, kém tinh tế, không bắt nhịp với tốc độ hiện đại của các cuộc thi quốc tế.
Có ý kiến cho rằng nhan sắc bước ra từ Miss Hong Kong ngày càng xấu đi. Một tác giả có bài viết trên Sina cho rằng điều này không đúng. "Xấu, đẹp là do đánh giá của từng người, nhưng không thể có chuyện các cô gái Hong Kong thời nay dần xấu đi như vậy. Vấn đề chỉ là, dưới tác động của làn sóng nội dung và tư tưởng thời đại mới, nhiều cô gái Hong Kong không còn quan tâm đến cuộc thi này nữa".
Những năm gần đây, tiêu chí lựa chọn của Miss Hong Kong cũng không chỉ là nhan sắc. Gia thế và trình độ học vấn cũng là điểm cộng. Nhiều cô gái còn tốt nghiệp các trường đại học thuộc khối Ivy League của Mỹ. Với trình độ cao, các cô gái đa phần coi Miss Hong Kong là một cuộc chơi, không ít trong số đó nhanh chóng trở lại với nghề nghiệp chính thay vì hoạt động trong showbiz. Đơn cử Lôi Trang Nhi (năm 2017), sau khi thi đã về Canada phát triển sự nghiệp.
Nguyễn Hương (Theo Sohu&Sina)