Tại TP Huế, từ 7h sáng 16/10, nước sông Hương dâng cao 3m, đạt mức báo động 3, nhưng liền theo đó là đợt nước dâng lên một cách nhanh chóng. Đến 11h trưa đã lên 3,6m và 16h chiều đạt gần 3,9m khiến hàng chục nghìn hộ dân và hàng trăm tuyến đường ở TP Huế bị ngập sâu trong nước.
![]() |
Tổ 6, khu vực 6, phường Phú Hiệp (TP Huế) với 51 căn nhà nước lũ chấm mái. Nhưng phần lớn người dân không chịu di dời vì sợ mất tài sản. |
Tại phường Thuận Lộc, đường Thánh Gióng, Trần Nhật Duật nước có nơi sâu đến hơn 1,5m; phường Kim Long, Phú Nhuận, Vỹ Dạ..., hàng chục tuyến đường ngập sâu hơn 1m. Ngay cả khu trung tâm TP Huế như đường Phạm Ngũ Lão, Trần Cao Vân, Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Hùng Vương, Nguyễn Huệ... nước lũ cũng cao từ 0,5m đến gần 1m, giao thông gần như tê liệt.
Nhiều tuyến đường tại khu vực phường Vỹ Dạ, Phú Cát, Phú Hậu, Phú Hiệp, Kim Long... biến thành các tuyến đò dọc để vận chuyển người và phương tiện. Cụm dân cư tổ 6, khu vực 6, phường Phú Hiệp là nơi thấp trũng nhất của TP Huế với mực nước cao hơn 2m, những ngôi nhà của 51 hộ dân ở đây phần lớn nước gần chạm mái. Người dẫn đường cho hay có ít nhất hai căn nhà trong khu vực đã đổ sụp.
Chủ tịch UBND TP Huế Nguyễn Văn Cao cho biết việc sơ tán dân sống hai bên bờ sông Hương đang được triển khai, huy động lực lượng tại chỗ của các phường để giúp dân và vận động dân đi sơ tán. Đến 19g đã có 6.500 người (1.560 hộ dân) sơ tán đến các nơi an toàn.
Dù trời đã ngừng mưa nhưng đến chiều tối 16/10 vẫn còn hơn 400 hộ dân các xã Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Liên... thuộc huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) bị ngập sâu trong nước, có nơi ngập gần 2m. Một số khu dân cư do nằm sát với bờ sông Túy Loan (Hòa Nhơn) nên khi nước dâng quá nhanh đã bị cô lập.
Lũ lụt đã khiến việc học hành của hơn 10.000 học sinh tại các địa phương trên bị gián đoạn. Tại tổ 3, thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, đến chiều 16/10 nước vẫn còn sâu hơn 1m khiến nhiều hộ dân phải sơ tán. Theo ông Nguyễn Đăng Dự, Chủ tịch xã Hòa Nhơn, tuyến đường từ Túy Loan đi Đông Giang (Quảng Nam) bị lũ chia cắt nên xã Hòa Phú nằm trên tuyến đường này bị cô lập.
Tại các huyện miền núi Nam Giang, Tây Giang (Quảng Nam) nằm trên đường Hồ Chí Minh bị cô lập hoàn toàn trong ngày 16/10. Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở phía taluy dương, hàng trăm khối đất đá chắn ngang đường làm tuyến thông thương giữa các huyện miền núi bị tắc nghẽn.
Sáng 16/10, nước lũ quá lớn đã khiến hai công nhân (chưa xác định được tên tuổi) đang thi công tại công trình thủy điện Jơ Hung bị lũ cuốn trôi, hiện chưa tìm được thi thể. Tại Hội An, mưa lũ đã khiến nhiều tuyến đường trong phố cổ như Bạch Đằng, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Trần Phú... bị ngập. Điều đáng lo ngại là nếu lũ tiếp tục dâng có thể làm sạt lở nghiêm trọng đường phố và di tích cổ do nhiều đoạn đang thi công công trình điện ngầm JBIC.
Nước ở thượng nguồn đổ về cộng với triều cường dâng cao đã cuốn trôi hai cầu phao bắc qua sông Hiếu và Thạch Hãn ở các địa phương Triệu Độ và Triệu Thuận của huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Cụm dân cư ven sông Hiếu trên địa bàn huyện Cam Lộ bị ngập lũ cục bộ, có nơi lên tới 1m. Tại huyện Hải Lăng, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, đã có bảy xã thuộc vùng trũng bị ngập với mức cao trên 1m và một số xã khác bị ngập cục bộ, ách tắc giao thông đường bộ. Tại huyện Triệu Phong, nước lũ làm ngập 13 xã vùng đồng bằng.
Tại Quảng Bình, đến chiều 16/10, nước lũ đã làm ngập nhiều nhà dân ở các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh. Tại huyện Quảng Ninh, nước lũ chia cắt hoàn toàn các tuyến đường những xã phía nam, đặc biệt là tuyến đường nối quốc lộ 1A với các xã Duy Ninh, Tân Ninh, Vạn Ninh, Hiền Ninh... Trên 30 hộ ở thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh bị ngập sâu hơn 1m nước. Đến chiều 16/10, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 2.500 nhà bị ngập, trong đó gần 1.100 nhà ngập sâu trên 1m.
(Theo Tuổi Trẻ)