Mì lạnh Bình Nhưỡng, món giải nhiệt mùa hè rất được ưa chuộng nhưng ít nơi bán. Muốn ăn món mì lạnh Triều Tiên chuẩn vị, thực khách có thể ghé qua nhà hàng tại quận 7, TP HCM.
Theo tài liệu, năm 1973, món ăn lần đầu xuất hiện ở Uiam-dong, thuộc khu vực sông Daedong, Bình Nhưỡng vào giữa thời Goryo. Thế nên nó có tên đầy đủ: ì lạnh Pyongyang (mì lạnh Bình Nhưỡng), được đặt theo tên thủ đô Triều Tiên, cũng là nơi món ăn ra đời. Nhìn qua, nhiều người nhầm món này với mì lạnh Hàn Quốc. Thế nhưng khi húp miếng nước dùng, thực khách ngay lập tức cảm nhận sự khác biệt. Topping trong mì lạnh Triều Tiên đơn giản và không có tương đậu như mì lạnh Hàn Quốc.
Sợi mì được làm từ kiều mạch, màu nâu sậm, mảnh mai, có độ dai. Kiều mạch được trồng chủ yếu vào mùa đông lạnh, có đặc tính là nhanh bay hết gluten, rất dễ gãy khi để trong nước nóng. Vì vậy, người Triều Tiên đã nghĩ ra cách cuộn mì trong nước súp lạnh để có thể giữ được hình dạng của mì. Khi ăn, thực khách phải dùng đũa tách mì ra. Nếu để mì quá lâu sẽ dễ bị dính chùm, khó ăn.
Đa phần món ăn Triều Tiên có hương vị tinh khiết, thanh ngọt. Nước súp mì lạnh cũng vậy. Nguyên gốc của nước dùng làm bằng nước hầm củ cải thanh mát. Nhưng vào mùa hè, củ cải thường bị đắng nên người ta hầm thêm thịt bò, gà, lợn... cho ngọt nước. Nước dùng trong veo, thêm vài loại topping như dưa leo, lê Hàn Quốc, trứng gà luộc...
Mì được đặt trong một bát kim loại lớn có khả năng giữ nhiệt tốt. Nước dùng cho ngập đá lạnh, chỉ nhìn đã thấy ê răng nhưng ăn vào rất mát và sảng khoái, đặc biệt trong ngày hè nóng nực. Khi ăn, thực khách trộn đều mì cho quyện với nước dùng, không cần thêm gia vị, thưởng thức vị ngọt, thanh từ lê, củ cải, dưa leo...
Bài và ảnh Vi Yến