Đa số các cặp vợ chồng đều cảm thấy khó khăn và căng thẳng khi nói về vấn đề tiền bạc. Ngoài ra, theo các chuyên gia tâm lý, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn. Những lời khuyên dưới đây có thể giúp bạn dễ dàng thảo luận với người ấy về các vấn đề liên quan đến quản lý tài chính, chi tiêu và đóng góp tiền bạc trong gia đình.
1. Xác định rõ ràng giữa "cần" và "muốn"
Sự xung đột xảy ra khi giữa hai người có sự khác biệt về cách sử dụng tài chính. Trong khi người chồng dành tiền để mua những thứ cần thiết nhiều hơn thì người vợ lại thường "thích là mua". Điều này hoàn toàn đúng với gia đình anh Vinh, chị Hoa ở Bạch Mai, Hà Nội.
Anh Vinh thì luôn miệng ca thán: "Cô ấy đã có cả một tủ giày mà vẫn cứ mua sắm đều. Cái đống giày đó, có những đôi cô ấy chưa xỏ chân đến một lần". Còn chị Hoa lại biện hộ: "Mỗi một đôi giày của tôi giá chỉ 200.000 đồng - 300.000 đồng. Trong khi đôi nào của ông ý cũng tiền triệu". Trên thực tế, so với các chị em thì cánh đàn ông thường mạnh tay hơn trong việc chi tiêu nhưng vấn đề không nằm ở chỗ tiêu nhiều hay tiêu ít. Mấu chốt ở chỗ bạn chi dùng cho việc gì. Nếu là một việc cần thiết thì không nên tiếc. Nhưng nếu cứ tiêu dùng theo kiểu "thích là nhích" thì tưởng là ít, hóa ra lại nhiều.
2. Tiết kiệm từng đồng
Chị Mai Anh, 35 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội trước đây thường đưa ra lý do kinh tế chưa có để trì hoãn việc lấy chồng. Nhưng sau khi được mẹ tâm sự, chị đã thay đổi suy nghĩ. Chị kể: "Mẹ tôi bảo hồi bố mẹ cưới nhau, tài sản duy nhất chỉ là một chiếc xe đạp và 3.000 đồng. Tất cả mọi thứ đều đi mượn, kể cả chiếc chăn cưới. Nhưng sau này, bố mẹ bảo ban nhau làm ăn, tiết kiệm và nuôi chúng tôi khôn lớn, đứa nào cũng học đến đại học".
Nhờ câu chuyện đó của mẹ, chị Mai Anh bây giờ đã tự tin với vai trò "tay hòm chìa khóa" của chồng. Mỗi tháng, chị đều chia ra cụ thể từng khoản tiền: khoản học phí cho con, khoản chi tiêu, khoản tiết kiệm... Với cách này, đồng tiền chi tiêu không bị lãng phí và vợ chồng vẫn có của ăn của để.
3. Xây dựng nguyên tắc chi tiêu trong gia đình
Nói thì có vẻ to tát và cứng nhắc nhưng đây cũng là kinh nghiệm của nhiều gia đình, chẳng hạn như nhà anh Chính, chị Vân ở Minh Khai, Hà Nội. Chị Vân chia sẻ: "Ở nhà tôi, chồng sẽ lo phần nhiều trong khoản đóng học phí cho con, mua sắm đồ đạc trong gia đình. Còn tôi thì chịu trách nhiệm mua thức ăn, trả tiền các hóa đơn... Chúng tôi vẫn góp một khoản chung để khi nào có việc cần lấy ra dùng. Làm như vậy, không phải là rạch ròi chuyện nào của ai mà cái chính là chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình. Việc chồng trang trải phần lớn chi phí cho gia đình cũng giúp tôi không bị áp lực nhiều về vấn đề tiền bạc".
Tường Vi