Phơi quần áo dưới nhiệt độ phù hợp
Nắng gắt vào mỗi trưa hè, có nơi nhiệt độ có thể lên tới 40oC. Nhiệt độ cao có thể giúp loại bỏ một số tác nhân gây hại trên quần áo. Nhưng nếu nắng quá nóng, tia cực tím nhiều khiến vải dễ bị co rút, lâu dần các phần khô cứng trở nên nhạy cảm dễ rách hơn hoặc khó giữ được phom dáng.
Một số loại vải thường dệt từ các loại sợi thực vật cellulose. Trong cấu trúc của cellulose tồn tại liên kết hydro - liên kết giữa các chuỗi polyme. Khi tiếp xúc với nước, liên kết hydro bị phá vỡ và các chuỗi polyme trượt lên nhau. Khi nước bắt đầu bay hơi, các liên kết hydro được tái tạo trở lại đưa cellulose quay trở lại trạng thái mạnh mẽ, chắc chắn hơn. Phơi ngoài trời là điều kiện thuận lợi để liên kết hydro được phục hồi nhanh chóng, vì thế sợi vải có thể trở nên thô cứng hơn.
Mùa hè là khoảng thời gian lượng tia UV nhiều, trong đó thời gian cao điểm có thể từ 10h đến 15h. Dưới tác động của tia cực tím chiếu trực tiếp, thuốc nhuộm vải có thể bị phân rã và gây nên tình trạng bạc màu trên quần áo, tạo ra các đốm màu loang lổ. Đây là một trong những lý do làm cho quần áo sau thời gian phơi ngoài trời dễ xuống tông màu hơn, nhất là chất liệu vải nhạy cảm hoặc các quần áo nhiều màu sắc.
Các chất liệu khác nhau khả năng chịu nhiệt sẽ khác nhau nên phơi dưới nhiệt độ phù hợp. Ví dụ một số chất liệu vải như lụa tơ tằm, satin... thường ít chịu đựng được nhiệt độ cao cần hạn chế phơi dưới nắng gắt của buổi trưa hè. Bạn có thể phơi chúng ở nơi có gió, ánh nắng dịu nhẹ. Các loại vải chịu đựng nhiệt độ tốt hơn có thể phơi dưới trời nắng nhưng khi gần khô hoặc vừa khô tới thì đem vào chỗ có gió thoáng mát. Tránh để chúng lâu dưới ánh nắng mặt trời, dễ bị xuống màu.
Tránh phơi quần áo nơi nhiều khói bụi
Quần áo rất dễ hấp thu các bụi bẩn, nhất là khi chúng còn ướt, ẩm. Bạn nên chọn nơi phơi quần áo thông thoáng, hạn chế những chỗ có nhiều khói, bụi bẩn. Những nơi có dòng xe cộ qua lại đông đúc cũng khiến các tác nhân gây hại dễ bám vào trang phục của cả nhà. Gia đình có trẻ nhỏ cũng lưu ý vì khói, bụi bẩn, virus, vi khuẩn... có thể ảnh hưởng đến bé, dễ gây ra các bệnh về hô hấp.
Gia đình thành thị có thể hạn chế phơi đồ dùng vào các giờ cao điểm lúc lượng xe lưu thông nhiều. Trước khi gấp gọn cho vào tủ để cất, bạn nên giũ sạch quần áo. Động tác này có thể phần nào loại bỏ một số bụi bẩn lưu lại trên đồ đạc.
Hạn chế phơi quần áo vào ban đêm
Công việc bận rộn khiến nhiều gia đình không có thời gian nên thường giặt đồ và phơi chúng vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu quần áo giặt chưa khô cùng độ ẩm không khí buổi tối tăng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus sinh sôi. Chúng còn dễ bị ám mùi hôi khó chịu, mau hư hỏng, ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình. Phơi quần áo vào ban ngày, nơi có ánh nắng phần nào hạn chế các tác nhân gây hại phát triển.
Để tiện lợi khi phơi quần áo, một số gia đình thành thị lựa chọn sấy quần áo thay cho phơi đồ truyền thống. Các dòng máy sấy với công nghệ tiên tiến hiện nay như LG Dual Inverter Heat Pump giúp quần áo ít bị tác động từ môi trường, sạch và loại bỏ vi khuẩn dễ dàng hơn.
Quần áo được loại bỏ bớt nước và đưa vào máy sấy bơm nhiệt (heat pump). Chuyển động xoay đều trong lồng sấy khiến các liên kết hydro khó có thể phụ hồi. Đồ lấy ra sau mỗi mẻ sấy mềm mại hơn. Bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ và thời gian sấy cho phù hợp. Một điểm cộng về chế độ sấy của máy LG Dual Inverter Heat Pump là cho phép sấy ở nhiệt độ thấp, nhờ đó không bị nhăn và giảm co rút đáng kể.
Máy sấy trang bị bộ lọc xơ vải kép và chức năng loại bỏ vi khuẩn giảm nỗi lo vi khuẩn, virus gây hại bám lại trên quần áo sau khi giặt sấy. Thiết bị còn giúp giảm 99,99% mạt bụi nhà theo chứng nhận của Allergy UK vào ngày 2/4/2021. Kết quả này dựa trên thử nghiệm khoa học độc lập do Intertek thực hiện đối với các quy trình để chứng minh hiệu quả trong việc giảm thiểu chất gây dị ứng.
Một số ý kiến cho rằng, mùa hè lượng tiêu thụ điện năng cao, dùng máy sấy thay vì phơi quần áo sẽ gây tốn điện. Đại diện LG cho biết, máy sấy thông thường dùng điện trở làm nóng, còn LG Dual Inverter Heat Pump trang bị 2 mô tơ máy nén sử dụng khí gas trong môi trường áp suất cao để tạo ra luồng khí nóng sấy khô quần nhanh hơn. Theo tính toán của hãng, khả năng tiết kiệm điện của thiết bị có thể đến 60%.
Bên cạnh việc phơi quần áo ngoài trời, chiếc máy sấy là một trong những gợi ý cho gia đình bảo quản quần áo sạch sẽ và bền màu hơn.
Ngọc An