8h20 ở thành phố Isehara thuộc tỉnh Kanagawa, bé Gấu, 6 tuổi, trong trang phục váy caro và áo khoác tím than đến dự lễ khai giảng. Đây là buổi tựu trường đầu đời của Gấu nên vợ chồng chị Minh Phương thu xếp công việc đi cùng con. Trước đó một ngày, bà mẹ Việt tại Nhật dành hai buổi đi siêu thị sắm gần 30 món đồ dùng học tập cho con theo yêu cầu của nhà trường. Chị cho biết mọi thứ phải sẵn sàng trước thềm khai giảng để bé Gấu có điều kiện sinh hoạt tốt suốt năm học.
Chị Minh Phương quê ở Hưng Yên, sang Nhật sinh sống được 4 năm. Chị từng gửi con tại trường mẫu giáo tư thục trước khi bé trở thành học sinh lớp một của trường tiểu học gần nhà. Khi bé Gấu tròn 6 tuổi, chị nhận thư mời từ quận thông báo việc nhập học kèm danh sách những đồ dùng cần chuẩn bị. Các món đồ yêu cầu đúng kích thước, chủng loại, kiểu dáng... theo tiêu chuẩn của nhà trường.
Đồ dùng cần sắm cho mỗi học sinh vào lớp một như bé Gấu gồm: balo chống gù; hai đôi giày màu xanh và đen, đôi đen đi hôm khai giảng, đi học còn đôi xanh đi trong lớp; bộ đồ thể thao với quần xanh tím than, áo phông trắng; mũ màu đỏ; hai mũ đội khi động đất; còi báo động; hộp bút có đủ bút chì, bút đỏ, tẩy và keo dán; túi đựng thìa, dĩa ăn cơm; các loại khăn lau; hộp đất sét... Mỗi món đồ, từ vật nhỏ nhất, đều phải ghi tên. Vở và sách giáo khoa để ở trường còn khăn ăn, khăn lau tay sáng mang đi, tối mang về để thay đổi.
Chi phí mua sắm đồ dùng hết hơn 38.000 ¥ (khoảng 8 triệu đồng) do địa phương hỗ trợ. Riêng balo chống gù (loại rẻ khoảng 5-7 triệu đồng, loại đắt khoảng 10-15 triệu đồng) được phụ huynh tự mua để phù hợp nhu cầu và tài chính của mỗi gia đình. Chị Minh Phương cho biết đồ dùng học tập ở Nhật có chất lượng tốt và giá cả phù hợp. Chiếc còi báo động để trẻ kêu gọi sự giúp đỡ khi xảy ra thiên tai giá 450 nghìn đồng, giày đi khai giảng giá 550 nghìn đồng, giày đi trong lớp giá 250 nghìn đồng, mũ đội khi động đất giá 300 nghìn đồng, những vật dụng còn lại dao động từ 200 - 220 nghìn đồng.
Gần 30 món đồ này, theo chị Phương, chỉ là cơ bản. Trong quá trình các bé đến trường, gia đình sẽ được thông báo mua bổ sung các đồ dùng cần thiết khác để phục vụ việc học tập của con.
Trước ngày vào lớp một, Gấu cùng các bạn được phát một số tờ rơi về an toàn giao thông. Phụ huynh có trách nhiệm hướng dẫn cho con bởi các bé sẽ tự đến trường và về nhà trong suốt năm học. Vợ chồng chị Minh Phương lập riêng một tài khoản ngân hàng để nhà trường trừ tiền ăn của Gấu hàng tháng. Bé ăn sáng tại nhà, dùng bữa trưa ở trường và mang theo cơm hộp do mẹ chuẩn bị trong các dịp ngoại khóa.
Bé Gấu được nhận sách giáo khoa, thời khóa biểu trong ngày nhập học. Vợ chồng chị Minh Phương dạo quanh trường một vòng; xem tủ đựng đồ, tủ giày của con và giúp bé làm quen các bạn. Gấu là học sinh nước ngoài duy nhất trong lớp nhưng may mắn có hai người bạn học cùng hồi mẫu giáo nên không bỡ ngỡ. Bé sẽ bắt đầu buổi học đầu tiên về bảng chữ cái, giáo dục thể chất và kỹ năng sống vào sáng thứ Hai tuần sau.
Kết thúc buổi khai giảng, chị Phương cùng chồng dắt con đi bộ trở về nhà để bé nhớ đường rồi ra nhà hàng ăn mừng sự kiện lớn trong đời Gấu. Bà mẹ Việt chia sẻ giáo dục bậc tiểu học tại Nhật không nhồi nhét kiến thức nên mong con có tuổi thơ nhiều niềm vui, học được những điều bổ ích trên nước bạn.
Lam Trà