Người Nhật luôn được ca ngợi với trí thông minh, sống thọ, lịch sự và thái độ sống tích cực. Nhưng tại sao đất nước này lại làm được những điều đáng ngưỡng mộ như vậy? Bright Side dường như đã tìm ra câu trả lời, đó chính là nhờ một nền giáo dục toàn diện.
Học làm người trước khi học chữ
Trong các trường học Nhật Bản, học sinh không phải tham gia bất kỳ một kỳ thi nào cho đến khi lên lớp 4 (10 tuổi). Các em chỉ phải làm bài kiểm tra nhỏ. Người Nhật tin rằng trong 3 năm đầu tiên, học sinh đến trường không phải để đánh giá kiến thức hoặc học thêm được nhiều bài toán, bài văn nhưng nhất định trẻ phải xây dựng được cách cư xử tốt và phát triển nhân cách toàn diện. Trẻ em được dạy để tôn trọng người khác và đối xử nhẹ nhàng với thiên nhiên, động vật. Các em cũng được học cách sống rộng lượng, từ bi và biết thông cảm bên cạnh những bài học về sự tự chủ, về công lý.
Năm học bắt đầu từ ngày 1/4
Trong khi hầu hết các trường phổ thông và đại học trên thế giới bắt đầu năm học vào tháng 9 hoặc tháng 10 thì trẻ em Nhật Bản lại đến lớp vào tháng 4. Những ngày đầu tiên đến trường thường trùng với thời điểm hoa anh đào nở, là lúc thiên nhiên tươi đẹp nhất. Một năm học được chia thành 3 kỳ: 1/4 - 20/7, 1/9 - 26/12 và 7/1 - 25/3. Học sinh Nhật được nghỉ hè 6 tuần, 2 tuần nghỉ xuân và đông.
Hầu hết các trường ở đất nước này không tuyển lao công hoặc bảo vệ, chính sinh viên sẽ đảm nhiệm việc làm sạch trường
Sinh viên, học sinh phải làm sạch lớp học, nhà ăn và thậm chí cả nhà vệ sinh của trường. Học sinh được chia thành các nhóm nhỏ và luân phiên trực nhật quanh năm. Đây là cách để học sinh tự dạy cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau khi cùng thực hiện công việc. Bên cạnh đó, khi các em phải đổ mồ hôi để quét dọn, lau nhà sẽ giúp các em biết tôn trọng công mình mình đang làm và công việc của người khác.
Bữa trưa được cung cấp với một thực đơn tiêu chuẩn và học sinh sẽ ăn tại lớp
Nền giáo dục Nhật Bản luôn làm hết sức mình để đảm bảo rằng học sinh được ăn những bữa ăn lành mạnh, cân bằng. Tại các trường tiểu học và trường công, bữa ăn luôn được chế biến theo một thực đơn chuẩn về dinh dưỡng bởi đầu bếp có trình độ cùng chuyên gia dinh dưỡng. Tất cả các em sẽ ăn trong lớp với giáo viên của mình để xây dựng mối quan hệ thầy trò khăng khít.
Các lớp học thêm rất phổ biến ở Nhật
Để được nhận vào một trường trung học cơ sở tốt, hầu hết học sinh Nhật Bản phải tham gia một lớp dự bị hoặc các buổi hội thảo. Các lớp học này được tổ chức vào buổi tối nên việc học sinh Nhật trở về nhà vào tối muộn là việc hoàn toàn bình thường. Ngoài việc học 8 tiếng trên lớp, học sinh sẽ học thêm bên ngoài, kể cả trong các kỳ nghỉ và cuối tuần.
Ngoài các môn học truyền thống, học Nhật Bản cũng học thư pháp và thơ ca
Thư pháp Nhật Bản hay còn gọi là Shodo gắn liền với hình ảnh cây bút tre, nghiên mực và chữ tượng hình trên giấy gạo. Đối với người Nhật, Shodo là cả một nghệ thuật nhưng ít phổ biến hơn hội họa truyền thống. Trong khi đó, Haiku thì khác, đó là một hình thức thơ ca có cách biển đạt đơn giản để truyền đạt những cảm xúc sâu sắc cho độc giả. Những bộ môn này dạy cho trẻ biết trân trọng nền văn hóa riêng và truyền thống hàng trăm năm tuổi.
Gần như tất cả học sinh phải mặc đồng phục đi học
Trong khi một số trường có đồng phục riêng thì mẫu đồng phục truyền thống phổ biến ở đất nước này áo kiểu quân đội cho nam và đồng phục thủy thủ cho nữ. Mặc đồng phục giúp xóa bỏ rào cản xã hội giữa các học sinh và nâng cao ý thức cộng đồng.
Tỷ lệ đi học đầy đủ ở Nhật Bản là khoảng 99,99%
Có lẽ tất cả chúng ta đều đã ít nhất một lần trốn học. Tuy nhiên, học sinh Nhật hầu như không bỏ học hay đến muộn. Hơn nữa, có khoảng 91% học sinh cho biết họ không bao giờ bỏ qua những điều giáo viên dạy trên lớp.
Học sinh phải tham dự một kỳ thi quan trọng quyết định tương lai
Cuối năm học trung học, học sinh Nhật Bản phải tham dự một kỳ thi có tính chất quyết định tương lai. Mỗi học sinh có thể chọn một trường đại học mà họ muốn tùy theo điểm số của từng trường. Nếu một học sinh không đạt điểm, họ sẽ không thể đi học đại học. Sự cạnh tranh rất khốc liệt, chỉ khoảng 76% học sinh tốt nghiệp trung học được tiếp tục lên đại học. Vì vậy, giai đoạn chuẩn bị cho bậc đại học được đặt tên là "kỳ kiểm tra địa ngục".
Những năm học đại học là 'kỳ nghỉ' tuyệt vời nhất trong cuộc đời
Sau khi đã vượt qua "kỳ kiểm tra địa ngục", học sinh sẽ được nghỉ ngơi một chút, Ở đất nước này, học đại học được xem là những năm tháng tuyệt nhất trong cuộc đời. Người Nhật vẫn xem đây là "kỳ nghỉ" cho học sinh trước khi bắt đầu công việc.
Song Giang