Chị Trần Quỳnh hiện sống tại tiểu bang North Carolina thuộc xứ lạnh ở bờ Đông nước Mỹ cùng chồng và hai con nhỏ. Ở Mỹ gần 10 năm nay, chị cảm thấy cuộc sống thật dễ chịu khi "làm bao nhiêu tiêu hết bấy nhiêu" và không đau đầu lo tích cóp về già vì đã có lương hưu cao ngất ngưởng.
Chồng chị là kỹ sư viết phần mềm của hãng IBM với mức thu nhập khá cao một tháng. Hiện, chị ở nhà chăm hai con nhỏ, nội trợ và đi làm hai ngày cuối tuần với mức lương 500 USD. Bà mẹ hai con cho biết thu nhập cao nhưng mỗi tháng, ông xã phải đóng thuế một nửa. Trong gia đình, chồng là người lo trả tiền nhà, bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khỏe cho bốn người, còn thu nhập của chị dành để chi tiêu ăn uống, xăng xe, điện nước.
Ăn uống
Ngày mới sang Mỹ, chưa biết cân đối nên chị thường vung tiền mua sắm vì "thấy gì cũng rẻ, cũng thích" nhưng sau điều tiết lại nhờ học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè sống ở đây lâu năm. Giờ có con nhỏ, chị ưu tiên cho việc ăn uống, sau đó là du lịch.
"Tiền đi chợ một tuần là 150 USD cho bốn người ăn, thức ăn cho hai chú chó khoảng gần 100 USD rồi xăng xe, chi phí lặt vặt trong nhà, mua tã, đồ chơi cho con. Nhà tôi hay ăn đồ Việt trong khi khu gần nhà lại hiếm thành ra phải mua giá cao", chị Quỳnh chia sẻ.
Chị Quỳnh cho biết đồ ăn bình thường bên Mỹ không đắt và chỉ tốn tiền khi muốn mua đồ Việt. Trong vườn nhà, chị trồng đủ loại rau và tự nấu ăn để tiết kiệm. Chị chia sẻ thực đơn của gia đình: hai quả trứng (giá 50 xu) đánh ra làm chả trứng, mua trái bầu 1 USD, tôm 1 USD, và 2 pounds mực (khoảng 9 lạng) 4 USD, thêm chút dứa, rau củ (1,5 USD), tính ra là 8 USD nhưng nấu được một món canh, hai món xào ăn. Hôm sau, chị đổi món bằng cách mua 2 USD tiền thịt kho với trứng, 50 xu cà chua, một quả dứa, đầu cá bông lau là có nồi canh chua ăn bổ dưỡng. Còn không, chị mua gà free range (gà đi bộ) về luộc, nấu cháo hoặc xôi là ăn no nê cả ngày.
Sống ở Mỹ lâu nên chị học được tính tiết kiệm của người dân ở đây. Theo chị, cần phân biệt được khi nào thích và thật sự muốn món đồ nào đó. Trước khi có ý định mua gì, hãy khoan và đừng sợ hết vì hàng hoá ở đây không bao giờ cạn. Nên về nhà xem bạn có món tương tự có thể thay thế không. "Tôi bảo đảm trên 70 % là có. Ở Mỹ có cách trưng bày và cách bán khiến bạn cực kỳ thích mua dù đã có hoặc không cần", chị Quỳnh nói.
Ngoài đi làm, chị còn kinh doanh qua mạng. Thu nhập từ nguồn này giúp vợ chồng chị đủ trang trải chi phí đi du lịch và về Việt Nam mỗi năm.
Mua sắm
Với quần áo, chị thường không chọn trung tâm thương mại hoành tráng. Khi muốn mua, chị Quỳnh vào những thương hiệu lớn vì đồ của mấy hãng này thường lỗi mất một năm. Thay vì mua áo len của các thương hiệu bình dân mỗi cái 10 USD, chị mua một chiếc xịn giá 60 USD để có thể mặc được 4-6 năm. Túi xách cũng vậy, chị sắm túi thật đắt để không tha mấy thứ rẻ rẻ về. Đó cũng là cách tiết kiệm tiền bạc và thời gian hữu hiệu.
Ở Mỹ, hàng năm từ ngày 31/1 đến 15/2, một số hãng hay có đợt xả hàng giảm giá đến 95%. Đây là dịp để mua được quần áo siêu rẻ. Có những chiếc áo giá 3-5 USD, áo len từ 100 USD giảm còn 5-7 USD.
Đồ gia dụng
Từ đồ gia dụng, máy hút bụi đến tivi, chị đều lên eBay mua. Tìm người bán thật uy tín nhưng khoan hãy mua mà đặt mục tiêu trước. Ví dụ, tivi ở ngoài giá 700 USD, trên eBay người bán uy tín lâu năm chỉ rao 500 USD. Chị đợi ngày có eBay bucks (tiền của eBay) cho lại 8 %-10 %. Tivi 500 USD, chị Quỳnh được 10 % tiền eBay là 50 USD. Ngoài ra, tránh được thuế mua hàng 10 % giúp chị Quỳnh tiết kiệm khối tiền.
Đối với xe cộ, những lỗi nhỏ như cháy bóng đèn, bộ lọc không khí bị hỏng, chị chỉ cần bỏ ra 5 phút lên Youtube để xem hướng dẫn. Cách này giúp chị đỡ tốn 100 USD. Mọi việc chị cần làm là đánh tên xe như Toyota camry 2012 và vấn đề xảy ra. Nếu thấy không ổn, chị kiếm một chỗ sửa xe có phản hồi tốt và rẻ.
Lương hưu
"Lúc còn đi làm bị đánh thuế nhưng khi về già, vợ chồng tôi có lương hưu cao. Lúc ấy, tiền nhà đã trả hết nên chúng tôi có tiền đi khắp thế gian và hưởng thụ cuộc sống. Với tiền hưu cao, nếu yếu quá, tôi có thể kiếm được viện dưỡng lão tốt " chị Quỳnh cho hay.
Chị quan niệm không nhất thiết phải "cày ngày cày đêm" để dành tiền cho con sau này bởi "ở Mỹ nếu bệnh đã có bảo hiểm, học đại học không tiền có thể kiếm học bổng hay mượn tiền chính phủ". Khi con đủ 18 tuổi, vợ chồng chị sẽ cho chúng tự lập.
Hà Phương
* Chia sẻ về cuộc sống, cách chi tiêu, vườn nhà và nhà đẹp của bạn tại địa chỉ: giadinh@ngoisao.vnexpress.net.