Nguyễn Thị Quỳnh
(Truyện ngắn của tôi)
Người dân ở đây còn làm mắm tôm và nước mắm để bán. Lúc trời nắng lên, những chiếc phồn đựng đầy cá mắm đang thì chĩn nhuyễn dậy mùi thơm phức. Chỉ cần cách làng vài cây số cũng có thể ngửi thấy mùi vị đặc trưng đó. Bố nó và những người đàn ông ở đây suốt năm tháng lênh đênh trên biển, mình trần, da đỏ như màu nước mắm cốt, thứ nước mắm được rút lần đầu tiên. Chắc nịch và khỏe mạnh. Họ là những con rái cá đích thực.
Các cậu bé ở đây vừa lên tám lên mười đã được theo cha làm quen với biển nên tài bơi lội không kém gì một vận đông viên mà trên tivi họ hay gọi là "kình ngư". Mùa đông, trước khi đánh một mẻ cá nào đó họ thường uống vào một bát mắm cốt để cho ấm người sau đó nhảy xuống biển lần chì, lần phao dồn đàn cá vào rồi kéo lên từng mẻ đầy ắp cá.
Đêm khuya, bố bế cu Tiến từ giường của bà nội vào căn buồng của hai cha con. Nó đang mê man thì tỉnh giấc nghe thấy bà nội bảo bố: "Mai dẫn nó đi mua vài bộ quần áo để ngày kia mặc cho tươm tất!" - Nó biết là sắp có quần áo mới vào nay mai.
Cu Tiến thấy mọi người mang đến nhà nó nhiều thứ lắm, có người mang gà, vịt, có người mang măng khô, bí đao, có người thì mang gạo nếp và hôm nay họ mang đến những thanh sắt rồi dựng lên thành cái rạp. Mấy đứa hàng xóm thường ngày đánh cu Tiến hôm nay cũng lân la: "Mai mi cho... cho choa ăn cỗ với na?"
Bà nội thì đếm đi đếm lại chồng bát đũa, lỉnh kỉnh xoong nồi, mâm bàn, lọ cắm hoa ghi ghi chép chép chẳng để ý đến nó như mọi hôm. Nó quẩn quanh trong nhà chán chê rồi lại ra ngoài ngõ, nghịch đất rồi nghịch cát. Nó mang những thứ đó ném xuống con sông chảỵ men sau nhà. Bà nội không hề hay biết điều mà từ trước đến nay bà luôn phải canh chừng máy đứa cháu nhỏ. Cách đây hai năm, cu Tiến và cu Khang con bác Ba ra chơi ở đó, cả hai trêu đùa nhau rồi cùng ngủm xuống sông. May hôm đó biển động nên cánh trai làng ở nhà nhảy xuống kịp vớt hai đứa lên trước khi uống căng bụng nước.
Thím Ba đang ngồi giặt quần áo ngay giếng, cu Tiến mon men lại gần hỏi:
- Thím ơi! Nhà mình mắc rạp... mần chi đó? Cái giọng miền biển nằng nặng cất lên từ miệng cu Tiến.
- Rạp để đám cưới đó, đám cưới bố cu đó. Thím vừa giặt đồ vừa trả lời cu Tiến, bọt xà phòng trắng trong chiếc chậu nhựa màu đỏ xủi lên vui mắt. Tiến lại hỏi:
- Bố... bố em... sắp lấy vợ... răng thím?
- Ừ! Bố cu sắp lấy vợ mới. Cu sắp có mẹ mới rồi.
- Mẹ... mẹ mới na?
Thấy cu Tiến ngồi xổm hẳn xuống hai tay giấu vào trong bụng tròn xoe mắt chờ câu trả lời từ mình, thím Ba ngừng tay nhìn Tiến. Đứa trẻ vắng mẹ từ năm 2 tuổi nay đã lên 5, khuôn mặt lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, bộ quần áo mặc hai hôm nay đã ngả màu cháo lòng. Đôi bàn chân bám đầy bụi bẩn, móng chân đã dài mà chưa được cắt còn bộ móng tay thì bị cu cậu gặm nham nhở. Từ ngày mẹ nó bỏ đi, nó được bà nội nuôi nấng, các thím ở quanh đó không để mắt được thường xuyên vì ai cũng còn phải lo cho gia đình riêng.
Bà nội một mình xoay xở công việc nhà rồi đi chợ bán nước mắm đã hết thời gian nên cu Tiến cứ một mình lầm lũi lớn lên. Trừ những lúc có các anh, các chị ở nhà chơi cùng nó nếu không thì nó lên nhà trên xuống nhà dưới rồi lại lang thang đi ăn hàng bằng tiền lẻ mà bà hoặc bố cho. Nó hay ngồi ở đầu ngõ mỗi chiều để đợi bà nội đi chợ về có khi nó ra con lạch gần đó ngồi ngóng những con thuyền nơi mà bố và các bác sẽ trở về sau một chuyến ra khơi.
Ngày nó 2 tuổi, mẹ bỏ rơi nó. Người mẹ 19 tuổi đã bỏ hai bố con mang theo tất cả đồ đạc cùng chiếc hòm tôn về nhà bà ngoại. Nhà ngoại nó ở ngay làng trên, chỉ cách nhà nó bây giờ khoảng hai cây số nhưng họ không làm nghề đi biển mà làm nông nghiệp. Cả nhà trồng lúa và trồng thêm cả cây thuốc lào nữa.
Mẹ lấy bố Tiến năm 17 tuổi, vì chưa đủ tuổi kết hôn nên chưa làm giấy đăng ký. Hai bên gia đình nhất trí với nhau rằng sẽ đăng ký sau khi đủ tuổi. Mẹ Tiến tròn lẳn, làn da ngăm ngăm khỏe mạnh, người làng ai cũng bì với bà nội Tiến là khéo chọn con dâu: "Người như thế làm ăn giỏi phải biết". Mẹ Tiến khỏe thât, khỏe ăn, khỏe nói, khỏe ngủ. Sau một thời gian ngắn về làm vợ bố Tiến, cả nhà được một trận cười vì chuyện Mẹ Tiến đang đêm khuya khóc bù lu bù loa với bà nội việc bố Tiến "không để yên cho ngủ".
Bà nội phải nhờ các thím "giảng giải" cho mẹ Tiến hiểu. Cũng từ bận đấy, mọi người trong nhà ngầm hiểu với nhau rằng không phải chỉ vì tính nết trẻ con mà mẹ Tiến ứng xử như vậy. Những điều mẹ Tiến nói, những việc mẹ Tiến làm sau này đều chứng tỏ một điều rằng mẹ Tiến "không bình thường". Mọi người cũng chỉ biết vậy, không ai thắc mắc nhiều bởi "tiền nào của nấy" - mẹ Tiến có như vậy mới lấy bố Tiến.
Ai cũng biết bố Tiến tuy không lanh lợi, hoạt ngôn như người ta nhưng cũng là người tỉnh táo, khỏe mạnh, chăm chỉ lại được cái không rượu chè, cờ bạc gì cả. Chỉ tội anh ta thật thà quá, mà ở đời thật thà quá thì người ta cho rằng đần. Giọng nói thì cứ ngòng ngọng, lắp ba lắp bắp... Ấy vậy mà chuyện động trời xảy ra khi bố cu Tiến dám giang cánh "bớp" mẹ nổ đom đóm mắt, khi Thím Ba bắt gặp mẹ xúc trộm gạo của mình.
Chả là, người miền biển quê Tiến vì không làm nông nghiệp nên tất cả gạo phải đi mua hoặc đi bán nước mắm ở các làng khác để lấy gạo... Mà Mẹ Tiến thì lại ưa ăn nhác làm. Mẹ Tiến bỏ về nhà bà ngoại, bà nội dẫn bố lên đón về nhưng mẹ đang ngồi liền đứng phắt dậy phủi đít quần vùng vằng: "Tôi với anh đã đăng ký kết hôn đâu việc gì tôi phải về". Mọi người lắc đầu. Chịu. Vì mẹ Tiến nói đúng mà, hai người đã có giấy tờ ràng buộc nhau đâu.
Ngày đó, chính hai bên gia đình cũng vun vén, dồn hai người cho nhau nhưng ai ngờ được sự việc ngày hôm nay. Cứ như là họ vội vàng vậy, vì... mấy khi có người đồng ý lấy con mình? Như bây giờ người ta vẫn nói "thanh lý hàng tồn" hay "tháo bom nổ chậm". Duy chỉ có cu Tiến là sợi dây ràng buộc hai vợ chồng, là mối dây tình cảm để níu giữ mẹ Tiến trở về nhưng điều đó đã không xảy ra. Tình mẫu tử cũng không khiến mẹ Tiến trở về với bố con Tiến.
Chỉ vài tháng sau, mẹ Tiến cùng người làng vào Nam làm ăn. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng Tiến được các cậu, các dì bên ngoại mang cho khi thì chiếc bánh, khi thì bộ quần áo bảo là quà của mẹ ở trong Nam gửi về. Bố thì đi vắng lại thiếu mẹ nên cu Tiến thiệt thòi đủ đường, chơi với các anh em, lũ bạn hàng xóm toàn bị chúng nó bắt nạt, Tiến bị đánh suốt ngày. Những lúc như thế, Tiến chỉ biết chạy về áo vào lòng bà nội mà nức nở. Tiến mang khuôn mặt, dáng dấp, nước da của người mẹ vô tâm...
Thím ba ngừng giặt bảo Tiến vào lấy bộ quần áo khác ra thím tắm cho. Thím Ba dội nước kỳ cọ, gội đầu cho Tiến, đánh lại đôi dép tổ ong, cọ cọ đôi bộ móng chân cáu bẩn lâu ngày. Thím kỳ vào cổ, vào nách vào đầu gối làm cu Tiến buồn quá bật lên cười khanh khách. Điệu cười giòn tan hiếm hoi của đứa trẻ có mẹ mà như mồ côi mẹ. Gáo nước mát lạnh dội lên đầu, cu Tiến thổi phì phì và nhảy lên đành đạch. Tắm xong cu Tiến sảng khoái chạy vào soi gương, với cái luợc ngay đó nó chải chải mái tóc vàng hoe cháy nắng vì những trưa trốn bà đi chơi cùng lũ bạn, vừa chải nó vừa cười, mái tóc bết sang một bên trán. Nó chạy ra khoe với thím Ba rằng nó chải theo kiểu của bác Ba. Rồi nó lại chạy đi chơi. Thím Ba nhìn theo nó, thở dài thầm hy vọng có "người mẹ mới" này cu Tiến sẽ không phải ngủ quên vì đói khi bà chưa về nữa, hay những chiều ra bờ lạch ngóng bố về. Đôi móng tay, móng chân sẽ được cắt gọt cẩn thận. Tối đến, Tiến sẽ có người ôm ấp và sẽ không có ai cạy thế bắt nạt nó nữa.
Vì tội nghiệp cảnh "gà trống nuôi con", mẹ nó bỏ đi cũng được 3 năm rồi mà không thấy có ý định trở về... thím Ba liền đánh tiếng mai mối bố Tiến cho cô Hiền là người cùng làng với thím. Cô Hiền nhỏ người, hơi gầy, nhiều hơn thím Ba năm tuổi, năm nay đã 34 rồi. Ngày còn thanh niên, cô Hiền cùng bạn bè vào Đồng Nai làm cho xí nghiệp Da giầy. Sau đó, bạn bè cùng trang lứa lần lượt lấy chồng, sinh con chỉ còn lại một mình cô.
Nghe đâu cô cũng từng có người yêu cùng làng, hai người yêu nhau từ thời còn học trung học nhưng sau đó anh chàng đã bỏ đi theo cô gái khác. Cô Hiền về quê học may, mở tiệm may cùng với người em dâu ở ngay chợ làng. Được cái cô hiền lành, nhỏ nhẹ lắm. Từ ngày kết thúc mối tình đầu không thấy cô yêu ai nữa. Các dì, các thím của cô cũng từng mai mối mấy đám trong làng, cũng có mấy mối tìm đến nhưng cô một mực không chịu ra tiếp chuyện chỉ ngồi trong buồng rấm rứt khóc một mình.
Có người dì phát hoảng nói cạnh khóe: "Băm đi băm lại rồi đấy, kén chọn cái nỗi gì nữa!". Nhưng từ khi thím Ba đánh tiếng, nói rõ gia cảnh nhà Tiến cho cô Hiền thì bỗng nhiên cô ưng thuận gặp mặt và trò chuyện. Cô Hiền vẫn e thẹn như con gái đôi mươi, mười tám. Dù sao cô cũng chưa một lần làm vợ, cảm giác lúc này của cô đâu có khác gì những cô gái trẻ tuổi. Chỉ khác là người mà đang tìm hiểu cô là một người kém cô bốn tuổi, đã có một đời vợ và một người con trai, người vợ ấy đã bỏ hai bố con họ...
Ngày thím Ba đưa bố Tiến và hai bác của Tiến vào thưa chuyện, bà nội ngậm ngùi nói: "Phải nói rõ hoàn cảnh, tính cách của mình cho người ta hiểu, kẻo sau này người ta lại oán trách mình... Tội cho người ta và tránh cảnh "Mẹ ghẻ con chồng!"...
Rồi đám cưới cô Hiền và bố Tiến cũng diễn ra. Tuy là lần thứ hai cưới vợ nhưng gia đình bố Tiến không để cho cô Hiền chịu thiệt thòi. Cũng xe hoa, cũng pháo giấy nổ rộn ràng. Người làng đến xem đám cưới đông hơn những đám bình thường khác. Họ hiếu kỳ đến xem chú rể người miền biển hay đến xem cô dâu - người mà cứ tưởng sẽ ế chồng hôm nay lên xe hoa như thế nào.
Trong đám cưới có một điều kỳ lạ là cô dâu, chú rể không dìu nhau như bình thường mà cô dâu nắm tay một cậu bé chừng năm tuổi suốt lễ cưới, chú rể đứng cạnh trao cho họ những ánh nhìn trìu mến.
Trên sân khấu, người tổ chức hôn lễ cất lên những giai điệu ngọt ngào: "Bằng lòng đi người yêu nhỏ bé, khúc dân ca bắc cầu anh tới...". Gió đưa vào vị mặn mòi của biển, vị mặn như mồ hôi của những ngư dân nghèo, vị mắm lại thoảng thoảng đâu đây. Cây phi lao ven bờ cát reo vui như mừng cho chút hạnh phúc chắp nối...
Chút hạnh phúc muộn màng.