Mê hồn trận của dầu gội đầu. |
Bắt đầu từ dầu gội đầu, bạn có thể lựa thỏa thích hàng trăm loại có tác dụng gần như kỳ diệu: không những ngăn rụng tóc, trị gàu, làm bóng mượt tạo “ấn tượng khó phai” mà đôi khi còn… biến không tóc thành có tóc! Phải chọn loại nào khi bản thân người sử dụng còn không biết tóc mình khô hay bết dầu?
Gọi thử cho bộ phận tư vấn, chăm sóc khách hàng của hãng Procter & Gamble ở tòa nhà sang trọng trên đường Lê Duẩn TP HCM, phóng viên Sài Gòn Giải Phóng bày tỏ muốn biết về loại “Pantene” mới quảng cáo trên tivi... “Ồ, đó là Pantene pro-vitamin B5 rất công hiệu…”, một cô gái giọng dễ thương bắt đầu kể ra những tính năng đa dạng của loại dầu gội này mà người không tóc cũng muốn mua. “… Dạ, tôi chỉ muốn biết chất pro-vitamin B5 là gì và chúng làm gì với tóc của tôi”. “Anh chờ một lát để em coi… À nó được lấy từ sữa và thực vật, là dưỡng chất dùng để bảo vệ tóc và nuôi dưỡng tóc. Tóc sẽ không bị hư hoặc bào mòn…".
Hình như có ít người đặt vấn đề chất “Pro-vitamin” được quảng cáo rầm rộ kia là cái gì, cũng như chất nhân sâm của dầu gội Sunsilk (hãng Unilever)... Một số người đã gõ vào hệ thống kiếm tìm trên Internet thì cũng chỉ biết đại khái: RJHP (Royal Jelly Hair Plus) sữa ong chúa dùng để hàn nối tóc bị gãy, hư; trị tóc bị khô giòn và dễ gãy do tác động của hóa chất và môi trường; phục hồi ngọn tóc bị chẻ. Và mức giá kèm theo chỉ có... 661.000 đồng.
Rồi thì loại VM (Vegetarian Miracle) là loại kem hấp tái tạo cấu trúc tóc, làm tăng độ ẩm cho tóc, nuôi dưỡng tóc từ gốc đến ngọn. Có thể hấp nóng hoặc lạnh, chai 200ml giá 158.000 đồng, chai 1.000ml giá 522.000 đồng. Và còn nước cất LEI “chữa trị và nối tóc tức thì” hoặc “thuốc kích thích mọc tóc” Serum Anti Chute” của Yves Roche giá 450.000 đồng/lọ…. Nhưng cốt lõi nhất là thành phần cấu tạo bên trong như chất Nutrileum hay Quaternium thì dù thời học sinh có nghiền ngẫm nát bét bảng tuần hoàn Mendeleev bạn cũng chỉ biết trách mình học không đến nơi đến chốn.
Và rốt cục pro-vitamin B5 là gì? Lại gõ vào công cụ tìm kiếm Google trên Internet mới vỡ lẽ: Pro-vitamin là tiền chất của vitamin, chúng biến đổi thành vitamin ở trong ruột hoặc trong máu. Còn trên đầu tóc của chúng ta thì quá trình chuyển hóa này không xảy ra. Tương tự như vậy, chúng ta có thể suy ra tác dụng với tóc của các tinh chất khác như nhân sâm, nha đam, hoa đậu bí, hoa hướng dương... Tất cả nói như tiến sĩ Hoài Anh (bộ môn Hóa, ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM) là “chỉ đánh vào tâm lý người tiêu dùng” hướng vào mục đích quảng cáo là chính.
Ngành kinh doanh nước gội đầu có những bước “đại nhảy vọt” kể từ những năm 80 thế kỷ trước khi các nhà khoa học của hãng “Procter & Gamble” sáng chế hỗn hợp vừa gội vừa xả được. Theo như tờ The Independent của Anh, tại đảo quốc này, doanh số bán các sản phẩm chăm sóc tóc hằng năm đạt con số khổng lồ: 1,6 tỷ bảng Anh. Từ đó mới thấy tại sao các hãng mỹ phẩm không tiếc tiền “lăng-xê” sản phẩm của mình ở mọi lúc mọi nơi.
Ở Việt Nam chưa có những con số thống kê như vậy song giá thành thì thấy rõ cách biệt nhau đến cả trăm lần: có loại chỉ vài nghìn, song có loại “siêu dưỡng chất” giá xấp xỉ bạc triệu. Tuy có hàng chục loại dầu gội đầu chen chúc trong các sạp hàng siêu thị nhưng nhìn chung chúng thuộc thương hiệu của vài hãng đa quốc gia như “Procter & Gamble”, hãng hóa chất đa ngành “Unilever”, hãng Pháp “L’Oréal” và kém nổi tiếng hơn là các sản phẩm của Nhật và Hàn Quốc. Thế nhưng liệu chúng có khác gì nhau?
Về pro-vitamin, một “cô gái Pantene” khác ngập ngừng giải thích: "Dù tóc có bị hư nhưng vẫn cần được chăm sóc. Pro-vitamin giúp làm sạch gàu, tóc sẽ bóng mượt, suôn thẳng". Thôi đành cảm ơn, gác máy để đi tìm lời giải từ phía các nhà khoa học.
Tại Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, các nhà khoa học hàng đầu cũng tròn xoe mắt không nghĩ nổi tại sao các biệt chất lại có sức quyến rũ đến vậy. Bà Đồng Thị Thanh Thu, tiến sĩ Sinh-Hóa trầm ngâm: "Thật ra, pro-vitamin B5 là dẫn xuất, tiền chất của vitamin B5 hay còn gọi là vitamin PP chống được bệnh da sần sùi, khô cứng. Thường thì chúng có tác dụng khi uống hoặc chích vào máu. Còn có thấm qua da, vào tóc hay không… chắc là phải kiểm nghiệm".
Bà Thu cẩn trọng nói thêm người ta đưa chất bổ hoặc độc dược vào cơ thể người qua nhiều đường, kể cả qua da và hiệu quả đến đâu còn tùy “ái lực” với da, tùy cơ địa từng người và điều kiện khí hậu mỗi vùng. Song nhìn chung cơ chế hoạt động “pro-vitamin trong dầu gội” còn là một ẩn số.
Cũng đồng quan điểm “phải kiểm định rất chặt chẽ các chất hoạt động bề mặt”, tiến sĩ Hoài Anh thừa nhận chúng ta chưa có một nghiên cứu cụ thể nào trong lĩnh vực hóa mỹ phẩm. "Riêng về dầu gội, nói thật chúng ta chỉ kiểm soát thành phần chính, còn dưỡng chất thế nào thì gần như không ai kiểm chứng", ông nói.
Dược sĩ Dũng, chuyên viên Phòng Quản lý dược Sở Y tế TP HCM cũng chỉ nói một cách mơ hồ: "Những quy định của chúng ta còn lỏng lẻo, không rõ ràng… Chẳng hạn Bộ Y tế coi sữa rửa mặt là loại hàng hóa mỹ phẩm bắt buộc phải đăng ký chất lượng, song sữa rửa toàn thân… thì lại giống với sữa thực phẩm không được coi là mỹ phẩm".
Vậy là trong khi khoa học còn đang mơ màng thì chỉ có người tiêu dùng là bị bưng tai, bịt mắt trong mê trận dược - mỹ phẩm làm đẹp của những nhà quảng cáo chuyên nghiệp.