
Tết đến lại là dịp để gia đình chị Jenny cùng quây quần, gắn kết và trang trí tổ ấm nhỏ.
Kết hôn đã 10 năm nên mỗi dịp Tết, chị Jenny Phan (làm marketing, đồ handmade) không còn bối rối mà đã quen với việc lên kế hoạch chi tiêu, mua sắm từ sớm. Khoảng nửa tháng hoặc một tháng trước Tết, chị đều viết các việc cần chuẩn bị cho Tết thành các đầu mục cụ thể và thực hiện dần. Năm nay, vợ chồng chị sẽ dự kiến chi khoảng 20 triệu đồng, sắm đồ thực sự thiết yếu, đúng nhu cầu của mọi người, phù hợp lối sống thời bình thường mới.
"Tôi nghĩ tuỳ theo hoàn cảnh và các mức kinh tế, chúng ta có các cách vun vén cho Tết khác nhau, chứ không hẳn là phải có nhiêu tiền mới sắm sửa được mọi thứ. Mua đồ biếu, tặng người thân cần sự thành tâm là đủ và bạn có thể tận dụng những thứ sẵn có để làm mới không gian", chị cho hay.
Với số tiền khoảng 20 triệu đồng, chị Jenny chia thành các khoản chi cụ thể sau:
1. Quà biếu ông bà nội, ngoại: 6 - 7 triệu đồng
Chị Jenny mua quần áo cho bố mẹ khoảng 1 triệu đồng, biếu tiền mặt khoảng 3 triệu đồng, tặng ông bà hoa đào và hoa Tết 2 - 3 triệu đồng. "Ngoài ra, gia đình tôi nếu thấy thứ gì hay sẽ mua tặng bố mẹ đôi bên trong năm chứ không chỉ hiếu kính, tặng quà mỗi dịp Tết. Nếu mua quà biếu, mọi người cân nhắc mua gói quà sẵn ở nhiều cửa hàng, siêu thị hoặc tự mua về đóng sao cho phù hợp ngân sách đang có", chị cho hay.
2. Mừng tuổi: 5 triệu đồng
Khoản này chiếm chi phí không nhỏ vì vợ chồng chị Jenny có nhiều anh em, họ hàng nên có đông cháu. Chị sẽ liệt kê danh sách các cháu bên họ nội, ngoại, bạn bè, hàng xóm để lì xì không sót một ai. "Năm nay dịch bệnh, mọi người hạn chế gặp gỡ nhưng tôi vẫn dự trù mức tối thiểu này cho các cháu. Tôi chuẩn bị tiền lì xì theo nhiều mệnh giá để phù hợp với hoàn cảnh. Thi thoảng, tôi cũng đổi tiền sang 1-2 USD để lì xì lấy may cho bé. Tôi còn mừng tuổi sách cho các bạn nhỏ để thêm nhiều giá trị và ý nghĩa, cái nhìn khác biệt cho phong tục lì xì đầu năm, mong các con sẽ có niềm yêu thích với sách", chị nói.
Khi nhà chị Jenny mừng tuổi các cháu nhỏ bằng sách, đa phần bố mẹ, các con đều thấy thú vị và mới lạ. Nhận sách mới, các bé đều đọc say mê trong những ngày Tết.

Những năm trước, chị Jenny bày các đầu sách để lì xì và cho các cháu tự chọn cuốn yêu thích.
3. Mua sắm: 7 - 8 triệu đồng
- Bà mẹ Hà Nội chi khoảng 500.000 đồng cho hoa Tết, bao gồm hai cành đào mini khoảng 100.000 đồng mua từ ngày 23 Tết (khi tàn mới mua thêm cành thứ hai), củ hoa thuỷ tiên: 200.000 đồng, hoa cắm khác và cây quất mini: 200.000 đồng. Chị Jenny chọn mua các loại cây, hoa mini thay vì dáng cây to như các năm trước vì hướng tới mục tiêu tiết kiệm trong tình hình khó khăn chung do dịch. Đồng thời, khi đi mua cây, hoa, hai vợ chồng chị vừa được hưởng không khí Tết, vừa có thêm cơ hội gắn kết tình cảm.
- Khoản trang trí khác: Chị mua vải hoạ tiết chim công hết 70.000 đồng, giấy bìa màu khoảng 20.000 đồng để làm mô hình bánh chưng, giò. Chị còn tận dụng lại các hoa lá và các thứ sẵn trong nhà để làm đồ tái chế trang trí các góc nhỏ trong nhà.
- Mua quần áo cho con gái: 1 triệu đồng, đồ con trai: 1 triệu đồng, đồ cho bố: 1 triệu đồng, đồ cho mẹ: 1 triệu đồng. Chị Jenny thường mua quần áo mới cho gia đình dịp cuối năm vì đây là thời điểm thích hợp để săn sale từ các thương hiệu lớn uy tín.
- Thực phẩm Tết: 3-4 triệu đồng. Vì nhà ngoại hay gửi cho gia đình chị các loại thịt, rau, trứng nên chị Jenny tiết kiệm được kha khá và mua thêm các nguyên liệu cần thiết dịp Tết. Chị thường mua sẵn đồ khô rồi mới mua thực phẩm tươi khi cận Tết. Trong đó, nguyên liệu để gói bánh chưng khoảng 300.000 đồng; bánh kẹo, hoa quả tiếp khách và ban thờ: 2-3 triệu đồng. Khi sắm đồ ăn, chị ưu tiên mua đồ tươi như hoa quả, hạt và chỉ tập trung mua 3- 4 món sao cho nhanh chóng và tiết kiệm. Đồ ăn chín: 1 triệu đồng. Chị dự định mua thêm thịt bò, các nguyên liệu nấu sẵn làm phở bò để tiện nấu nướng dịp Tết hoặc khi có khách đột xuất. Đồng thời, chị thấy không cần thiết phải tích trữ nhiều đồ ăn cho Tết vì sau ngày mùng 1 Tết hàng năm, các chợ đã mở cửa trở lại, buôn bán bình thường.

Con trai phụ vợ chồng chị Jenny dọn dẹp nhà cửa ngày cận Tết.
Chị Jenny cho hay: "Hầu như năm nào tôi cũng áng chừng các đầu mục mua sắm như vậy. Tuy nhiên, đại dịch khiến chúng ta bớt đi nhiều thứ rườm rà và mọi người biết thông cảm hơn cho nhau. Bản thân tôi cũng muốn tạo ra những ngày Tết thật đặc biệt và giản dị nhất theo những thứ mình có. Vì vậy, tôi luân chuyển giữa các mục chi phí, đánh giá thứ gì cần hơn, hợp lý hơn để tăng chi và cắt giảm những thứ không cần thiết. Đó cũng là tinh thần chung của hai bên nội, ngoại nhà tôi về cái Tết không cầu kỳ. Đôi khi Tết cũng chỉ là dịp để mọi người có cớ quan tâm, gần gũi nhau hơn mà thôi".
Lịch trình chuẩn bị Tết của gia đình chị Jenny:
- Ngày 24-25 Tết: Dọn nhà.
- Ngày 26 Tết: Mua sắm bánh kẹo, đồ ăn dịp Tết và bày mâm ngũ quả.
- Ngày 27 Tết: Gói bánh chưng.
Còn lại là các thời gian xen kẽ để cả nhà đi du xuân, gặp gỡ họ hàng, mua sách mới đầu năm...
Đến hôm nay, 23 Tết, chị Jenny đã chuẩn bị xong các loại quà biếu bố mẹ, mua sắm quần áo. Chỉ có một số thứ cận Tết chị mới làm như gói bánh chưng để bánh tươi mới và cả gia đình được sống trong không khí Tết, mua hoa tươi, trang trí nốt các góc nhà.
Hằng Trần