Một thanh niên có tên Bao Han vừa trở thành sinh viên tự kỷ đầu tiên đỗ đại học ở tỉnh Tứ Xuyên. Bao Han sẽ bắt đầu kỳ học đầu tiên tại ĐH Sự phạm Đặc biệt Nam Kinh, chuyên ngành Khoa học máy tính, tháng 9 tới, SCMP hôm nay đưa tin.
Bao Han cho biết rất vui khi đỗ vào ngôi trường đại học duy nhất ở Trung Quốc đào tạo giáo viên cho các học sinh có nhu cầu đặc biệt.
Theo giáo viên của Bao Han, mẹ của cậu, Pang Zhihua, đã làm tất cả những gì có thể để giúp con trai có cơ hội vào đại học. Pang đã phải bỏ nghề giáo cách đây hơn 10 năm để dành cả ngày ngồi bên con trai trong lớp học.
Bao Han được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ khi 3 tuổi và gặp nhiều trở ngại trong việc hòa nhập cùng các trẻ em khác tại trường mẫu giáo.
"Trong khi những đứa bé khác nô đùa cùng nhau trong sân chơi, con trai tôi luôn ngồi cạnh bức tường. Một số người đuổi nó và gọi thằng bé là 'kẻ ngốc'", Pang chia sẻ với West China City News.
Pang quyết định bỏ việc ở trường trung học để nộp đơn xin vào làm tại trường tiểu học với hy vọng được gần con. Nhưng vì trường không có vị trí giảng dạy nào phù hợp, Pang đành làm công việc dọn dẹp. Cô tranh thủ chơi với con trai và các bạn của cậu trong giờ giải lao.
"Nhìn thấy con trai chơi cùng bạn bè, tất cả bọn chúng đều rạng rỡ và cười tươi, tôi thực sự cảm thấy những nỗ lực của mình không uổng phí", Pang nói.
Tuy nhiên, Bao Han bắt đầu gặp khó khăn khi bước vào giai đoạn học chữ. Khi đấy, Pang đã đề nghị nhà trường cho phép cô ngồi cùng con trai trong lớp để giúp cậu bé chép bài và học bài.
Hơn 10 năm sau, mẹ con Bao Han đã sẵn sàng cho kỳ thi đại học của cậu bé. "Con trai tôi rất chăm chỉ chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Thằng bé thức dậy lúc 6h30 mỗi ngày và dành phần lớn thời gian để học từ vựng tiếng Anh, làm các bài thi thử".
Công sức của Pang đã được đền đáp. Sau khi vượt qua các bài kiểm tra tự luận và một cuộc phỏng vấn tại ĐH Nam Kinh, Bao Han được thử làm sinh viên năm nhất trong 2 tuần.
"Trường đại học muốn xem liệu con trai tôi có khả năng theo học cùng các sinh viên khác trên giảng đường và thằng bé có thể tự nộp bài nghiên cứu hay không. Cuối cùng, các giáo viên đều đánh giá rất tích cực về nó", Pang tự hào nói.
Với Pang và chồng, hạnh phúc lớn nhất là con trai có thể sống độc lập. Hai vợ chồng dự định chuyển đến Nam Kinh trong vài tuần tới và thuê một căn hộ gần trường đại học của Bao Han. Con trai họ sẽ một mình vào ở trong ký túc xá.
"Tôi đã già và không thể trả lời nhiều câu hỏi về chuyên ngành của thằng bé. Nhưng tôi vẫn muốn được ở gần để nếu có chuyện gì xảy ra cũng có thể lập tức có mặt".
Theo China News Service, chứng tự kỷ được ước tính ảnh hưởng đến hơn 10 triệu người ở Trung Quốc đại lục.