Hàng ăn uống lộn xộn ngay cổng chùa Thiên Trù. |
5h sáng 16/2, có mặt tại bến xe Hà Đông, nhớ lời chị hàng nước dặn: "Phải chọn kỹ xe thì mới về được thẳng chùa Hương, nếu không sẽ bị bán giữa đường" nên giữa cả chục chiếc xe đang thi nhau nhả khói, tôi mới chọn được một chiếc.
Chiếc xe cứ rung lên bần bật khi đi vào đoạn đường xóc. Vì là xe hàng "chợ" nên chủ xe nhận chở bất cứ thứ gì, hàng chục con người đứng, ngồi chật ních xe đã ngột ngạt hơi người lại cứ phải một tay bịt mũi bởi cuối xe là thùng hàng chất đầy nước mắm và cá biển. Thế mà, khách còn bị nhà xe thu gấp đôi mức giá vé quy định của Nhà nước.
Sau hơn 2 giờ liên tục dừng để đón, trả khách, chiếc xe chở cũng "bò" đến được chùa Hương. Người phụ nữ chạc 50 tuổi, tự xưng là Hảo bám riết từ bến xe, lôi xềnh xệch khách về phía đám lái xe ôm, ra hiệu chở về bến đò.
Trước khi ấn khách xuống đò của một người phụ nữ chờ sẵn, chị ta không quên ra giá: mỗi người 35.000 đồng tiền đò, ngoài ra phải "boa" cho người lái đò 30.000 đồng.
Chị này còn nói thêm: "Hôm nay là ngày thường, vắng khách nên các em đi được giá "mềm". Bọn chị thu của các em như vậy có được hưởng tất đâu, còn phải "làm luật" mất gần hai phần ba mới "lọt" được đấy chứ".
Hàng trăm hàng quán, dịch vụ ăn theo mùa lễ hội chùa Hương, khiến ngay từ cổng chùa Thiên Trù trở nên lộn xộn, nhốn nháo. Tiếng loa mời chào vào ăn uống xen lẫn tiếng nhạc chế, băng hài rẻ tiền... khiến khuôn viên sân chùa như một cái chợ thu nhỏ. Mặc dù đã được thông báo về những dịch vụ “chặt chém” ở chùa Hương, nhất là dịch vụ ăn uống nhưng tôi vẫn bị "sốc" khi thanh toán hai đĩa mỳ xào có lèo tèo vài cọng rau cải và một nhúm thịt bò để lâu ngày, mùi ngai ngái, được chủ quán hét giá 150.000 đồng.
Khi yêu cầu gặp Ban quản lý di tích để trình bày thì ngay lập tức bị chủ quán chặn lại và gọi người nhà đến dằn mặt, nếu không trả sẽ không được bước chân ra khỏi quán. Cùng chung cảnh ngộ là hai mẹ con chị Huyền ở Hưng Yên khi trả tiền cho một cốc nước dừa tươi, chủ quán đòi đúng 70.000 đồng. Mặc dù chị đã năn nỉ van nài nhà hàng giảm giá vì hai mẹ con không còn đủ tiền để bắt xe về nhà nhưng chủ quán kiên quyết không "nương tay".
Tới chùa Hương, có cảm giác tất cả các dịch vụ đều tranh thủ "rút tiền" ở ví khách càng nhiều tiền càng tốt. Ngồi nghỉ trên chiếu: mất tiền, đi vệ sinh ở những khu quây tạm bợ và bẩn thỉu: mất tiền...
Ban quản lý di tích quy định các dịch vụ ăn uống phải niêm yết giá công khai nhưng không hiểu sao, năm nay, tôi cố gắng tìm mà tuyệt nhiên không thấy một bảng giá niêm yết nào. Qua tìm hiểu mới biết, giá của tất cả các mặt hàng được bày bán ở chùa Hương đều cao hơn giá thị trường ít nhất 3-5 lần, chưa kể thái độ "coi trời bằng vung" của một số chủ hàng.
Điều ngạc nhiên là các dịch vụ ngang nhiên làm "giá" mà không gặp bất kỳ sự can thiệp nào của Ban quản lý di tích. Tìm gặp đại diện Ban quản lý quả còn khó hơn việc leo bộ lên động Hương Tích nên chỉ biết nhắn lại lời dặn của một người lái đò với du khách về trẩy hội chùa Hương, rằng hãy hỏi giá và mặc cả trước khi quyết định mua hay ăn uống bất cứ thứ gì ở đây.
Theo ghi nhận của người dân sống gần chùa Hương, lượng khách đi lễ chùa năm nay đã thưa hơn nhiều những năm trước, một phần do cách tổ chức không có gì mới, phần vì các dịch vụ "chặt chém" khách hàng vẫn tiếp diễn.
(Theo Công An Nhân Dân)