Ngày 30/11, Cục cảnh sát hình sự (C45B) đã tạm giữ 4 nghi can là Nguyễn Thanh Tâm (22 tuổi), Nguyễn Tấn Thành (44 tuổi), Nguyễn Thọ Minh Cường và Dương Hữu Thành (45 tuổi) để điều tra về hành vi "chạy bảo lãnh" cho những người lang thang tại Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP HCM.
Trước đó, chiều 27/11, cảnh sát ập vào một quán cà phê trên đường Bình Lợi (phường 13, quận Bình Thạnh) bắt quả tang Tâm (nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP HCM) đang nhận 17 triệu đồng để bảo lãnh cho một trại viên tại đây. Mở rộng điều tra, cảnh sát bắt giữ 3 nghi can còn lại.
Cường khai vốn là chủ quán cà phê đối diện trung tâm, thường xuyên tiếp túc khách nên hiểu được hoàn cảnh của những người lang thang bị đưa vào trại. Nhiều gia đình muốn xin cho người thân được về nhà nhưng không biết quy định, lại bị Cường dụ dỗ, gợi ý chung chi để "lo thủ tục". Nếu người nào đồng ý, ông chủ quán kêu Hữu Thành làm hồ sơ giả rồi giao cho 2 nhân viên bảo vệ trung tâm để "lo" cho người thân họ ra ngoài.
![]() |
Nhiều người đến tố cáo hành vi ăn tiền của đường dây "chạy bảo lãnh" này. Ảnh: Kiến Tường |
Công an sau đó đã triệu tập hàng loạt cán bộ các phòng ban của trung tâm đến thẩm vấn. Cơ quan điều tra cũng khám xét phòng làm việc của ông Phan Ngọc Anh (49 tuổi, Trưởng phòng Phối hợp kiểm tra), niêm phong nhiều tài liệu, hồ sơ khả nghi. Ông này bị cấm rời khỏi nơi cư trú.
Ngay sau khi bị đường dây này bị triệt phá, nhiều nạn nhân đã đến công an tố cáo họ. Chiều 30/11, ông Na (55 tuổi) cùng người thân lặn lội từ Bến Tre lên TP HCM trình báo vừa đưa cho Tấn Thành 15 triệu đồng để "giải cứu" người nhà. Ông cho biết có người nhà là bà Thủy, bế cháu ngoại 1 tuổi bị bệnh não úng thủy lên thành phố, đi lang thang nên bị đưa vào trung tâm hôm 5/11.
Sau đó, Tấn Thành gợi ý với bà Thủy nếu muốn được bảo lãnh ra ngoài thì "bồi dưỡng chút ít". Tin lời, bà này cho số điện thoại ông Na để liên hệ. Gã bảo vệ trung tâm yêu cầu ông Na chi 15 triệu đồng và hứa trong một tuần người nhà sẽ được về. "Sợ người thân và cháu nhỏ bệnh tật phải chịu khổ, tôi đã cầm cố tivi, xe máy, điện thoại... để mong bảo lãnh người nhà ra sớm. Nhưng đưa đủ cho Thành 15 triệu đồng thì ông ta bị bắt, còn người nhà mình đã được chuyển đến trung tâm khác", ông Na rầu rĩ.
Cơ quan công an cho hay, đường dây "chạy bảo lãnh" có sự tham gia của người ngoài lẫn các cán bộ trung tâm. Bọn chúng lừa dối, hù dọa, dụ dỗ những người thiếu hiểu biết pháp luật để ép gia đình họ phải chung chi tiền.
Theo ông Nguyễn Trung Trực - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM, trung tâm này như một trạm trung chuyển người vô gia cư. Những trường hợp được đưa vào đây chủ yếu là những người già, trẻ em lang thang, ăn xin. Tại đây họ được liên lạc với người nhà đến bảo lãnh về. Trong vòng một tháng, nếu không có người bảo lãnh, trung tâm sẽ chuyển họ đến những nơi có chức năng quản lý lâu dài.
Muốn bảo lãnh cho trại viên phải là người có cùng hộ khẩu, có CMND, có đơn xin bảo lãnh trại viên được chính quyền địa phương xác nhận. Trường hợp không cùng hộ khẩu thì phải có giấy ủy quyền của người thân.
Kiến Tường