Bài viết nói về mặt trái của mạng xã hội do Facebooker Hồng Hải đăng tải trên trang cá nhân hiện nhận về hơn 10.000 lượt like, cùng nhiều bình luận có nội dung ủng hộ, đồng tình với quan điểm của chủ nhân.

"Một cô gái kém xinh kiếm sống bằng nghề đưa rước con nít đi học. Một ngày đẹp trời nọ, người ta quăng hình cô lên Facebook và dựng nên câu chuyện dàn cảnh cướp xe. Trong một chớp mắt, cô biến thành Hương mắt lồi. Hậu quả là cô không dám bước ra đường, bụng mang dạ chửa không biết lấy tiền đâu đi sanh nở.
Hai dì hàng nước ở quận 10 kiểu giang hồ bỗ bã, phì phèo thuốc lá. Một ngày trời cũng đẹp, được quăng hình lên, cũng Facebook, ngay sau đó, hai dì hoá thành hai mụ Trung Quốc chuyên bắt cóc trẻ con. Hậu quả: dẹp tiệm.
Mấy cô mấy chú ngoài Quảng vô Nam mưu sinh bằng nghề hủ tíu gõ, chịu thương chịu khó, hiền lành lam lũ bỗng một hôm biến thành những kẻ gian ác vô lương khi đem trùn, chỉ, chuột cống nấu nước lèo. Hậu quả: ngồi bó gối thẫn thờ 'Tụi tui có làm gì nên tội mà ai cũng sợ vầy nè Trời?'.
Một cô gái bán hàng online tử tế một chiều kia bị đối thủ lên mạng biến mình thành con kẻ giật chồng người. Hậu quả: ba má cô nhục nhã đóng cửa ở trong nhà, cô tự vẫn.
Mấy nông dân trồng xoài bị đem sản phẩm của mình lên mạng, biến thành xoài giả Trung Quốc. Hậu quả: xoài chín không ai mua, vừa hốt đổ, vừa khóc ròng.
Một anh thầy giáo đã nghỉ dạy vài năm bỗng bàng hoàng nhận ra mình là kẻ hiếp dâm con nít, cái đứa con nít mình chưa hề gặp. Hậu quả: cả họ hàng nhà anh bị đem ra làm nhục, con cái anh bị nguyền rủa, bị đe doạ.
Và tất cả họ, đau đớn thay lại không thể nào có một lời biện minh cho mình. Họ sụp đổ trước cơn cuồng nộ của cộng đồng mạng - những người đã tin, đã kết tội, đã phát tán cho cả nước biết rằng họ là những tội đồ. Tai hoạ bỗng từ đâu đổ ập xuống bản thân và gia đình. Họ ngơ ngác kêu Trời 'Tôi đã làm gì nên tội vầy nè?'.
Cho dù bao biện bằng bất cứ điều gì, tôi vẫn cho rằng kết tội một ai đó khi chưa nắm được rõ ràng những chứng cứ là một việc làm độc ác, hết sức độc ác.
Tôi cho rằng điều không hay nhất của mạng xã hội là làm cho con người ta trở nên độc ác hơn mà không hề hay biết. Ở đó, người ta hồn nhiên để bản năng dẫn dắt mình, để cảm xúc lấn át lý trí. Có lẽ vì chúng ta tự huyễn hoặc rằng quá dễ dàng để trở nên đạo đức và cao quý bằng một cách thật đơn giản: hạ thấp, phán xét và kết tội kẻ khác. Những điều này, ngoài đời thực, đôi khi bị những chuẩn mực hoặc thể diện neo lại, ta không dám làm.
Một lần nữa, tôi cầu xin tất cả chúng ta hãy thật tỉnh táo trước khi ấn nút share một thông tin gì đó, nhất là những thứ liên quan đến sức khoẻ, miếng cơm manh áo hay phẩm giá một con người. Bởi, mạng là ảo nhưng tổn thương, đau đớn hay thậm chí cả những cái chết, là rất thật".

"Tôi cho rằng điều không hay nhất của mạng xã hội là làm cho con người ta trở nên độc ác hơn mà không hề hay biết". Ảnh minh họa.
Bài viết đã nhận được khá nhiều ý kiến ủng hộ: “Mình không bao giờ chia sẻ thông tin khi nó chưa được xác thực. Có người coi mạng xã hội như một chỗ để giải trí nhưng cũng có người không nghĩ thế, việc tiếp nhận thông tin một cách quá dễ dãi hoàn toàn có thể làm hại người khác và biến chúng ta trở nên độc ác, vô tâm mà chúng ta không hề hay biết”, Facebooker Khánh Dung chia sẻ.
Tài khoản Lê Trần Đức Lộc góp ý: “Có thể những ví dụ mà tác giả đưa ra có phần hơi quá nhưng đúng là cái gì cũng đều có 2 mặt, mạng xã hội cũng không nằm ngoài quy luật đấy. Vậy nên trước khi quyết định công khai thông tin của mình hay của bất kỳ ai lên Facebook xin hãy cân nhắc thật kỹ, đặc biệt những việc liên quan đến danh dự của người khác. Sau khi mọi việc sáng tỏ, bạn có thể tặc lưỡi và xóa bài đi nhưng danh dự, cuộc sống của một con người, một gia đình có thể bị hủy hoại bởi bạn. Ngày xưa ông bà ta có câu: ‘Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói’, còn trong thời đại này chúng ta cũng nên nghĩ 7 giờ trước khi click chuột chia sẻ thông tin”.
Maruko Chan