Andre
Có lẽ càng văn minh, tỷ lệ nói dối càng lớn khi cuộc sống ngày càng phụ thuộc vào đồng tiền - thứ đại diện chung cho vật chất hay gián tiếp đại diện cho lối sống, văn hoá, chính trị thậm chí cả tình cảm...
Nói dối có nhiều thể loại: Nói dối do hoàn cảnh bắt buộc, nói dối để nói giảm nói tránh mất lòng người khác, nói dối để được việc, nói dối để bao biện, để đùa cợt hay bất cứ đâu nói dối đôi khi là phương pháp cai trị và đa phần nói dối để tôn cái tôi của mình lên.
Ở Việt Nam do đặc thù văn hoá phương Đông nên nhiều khi nói dối ở nhiều hoàn cảnh được người ta chấp nhận vì đó là nếp sống, nếp nghĩ hay nói cách khác là: nói sao cho phải phép. Người ta quy nói dối vào nhiều cấu trúc ngữ pháp. Người ta không gọi đó là nói dối nữa mà là nói khéo, nói khéo để được lòng người khác, nói khéo để phù hợp với văn hoá sống, nói khéo để biết người biết ta, nói khéo để thể hiện cái vốn sống mình đang có. Và có thể coi đây là nói dối tích cực?
Ngoài cái nói dối dễ chấp nhận ở trên là những cái nói dối lộ liễu khó chấp nhận. Nói dối khó chấp nhận có nhiều loại: nói dối khó chấp nhận nhưng nghe "vào tai" và nói nói khó chấp nhận nghe không vào tai.
Ví dụ ở loại thứ nhất đó là những lời tán hươu tán vượn từ nhũng quảng cáo chúng ta xem trên ti-vi hàng ngày, nghe rất lọt tai, xem rất bắt mắt nhưng khó chấp nhận bởi nó nhiều khi là không thực tế: Dầu gội siêu mượt, siêu bóng trong khi bạn có dùng cả nghìn chai thì cũng chẳng mượt được như thế. Bên cạnh đó, khẩu hiểu ở nhiều quảng cáo: Khách hàng là thượng đế thì xem ra đôi khi nên cần xem lại.
Tiếp đến là dẫn chứng về nói dối khó chấp nhận bởi tính vô lý của nó: Cách đây không lâu trên một tờ báo lớn có đưa một tin rất giật gân: Tinh trùng đàn ông đẹp trai khoẻ hơn đàn ông xấu trai. Đọc xong không ít người không khỏi thắc mắc: Ơ, thế sao ngày xưa nhiều cụ xấu trai mà đẻ khoẻ thế nhở? Chưa dừng lại ở đó có một phóng viên viết về đề tài ăn chơi của lớp trẻ, ngay sau khi bài được đăng ngay lập tức nhận được rất nhiều bất đồng bởi các chi tiết đề cập trong bài viết quá vô lý, thiếu logic và mang nặng phần hoang tưởng. Và rồi bằng chứng đâu ra cho nhiều nghi vấn: Tên nhân vật đã được thay đổi?
Nói dối để người ta tin và tôn bản thân lên là một nghệ thuật. Người nói dối khéo ngoài khả năng "thêm mắm thêm muối" phải có một tinh thần thép, (mặt tái mét, nói phét thành thần) tự tin, luôn chủ động cộng với khả năng ngôn ngữ cũng như truyền đạt tốt và vốn hiểu biết rộng. Hiểu biết cái gì? Xin trả lời là hiểu biết những cái người nghe chưa biết hay chưa nghe tới bao giờ.
Càng nói cao siêu với dẫn chứng logic, cụ thể thì độ tung hoả mù càng lớn. Về một câu chuyện chính trị người có hiểu biết về nó bao giờ cũng chủ động, bao giờ cũng dễ ba hoa chích choè hơn người không biết bởi ngoài những thông tin căn bản họ nắm đưa ra làm dẫn chứng thì những cái họ ba hoa chích choè thêm càng làm người nghe thêm kinh ngạc.
Bên cạnh đó là những người nói dối vụng về do thiếu hiểu biết, những người này độ trơ và chai mặt hơi bị lớn. Họ bất chấp không cần người nghe có tin hay không, cứ nói lấy được, càng nói càng thể hiện cái sự quá đà cũng như sự ngu dốt của mình: Mày biết không, hôm qua tao thấy một cái xe limousine 6 cửa màu trắng chạy ngoài đường, con đấy giá hơn 2 tỷ USD. Họ nói mà không hề biết đến các siêu phi thuyền sang trọng của các nhà đại tỷ phú cũng chỉ đến giá vài trăm triệu.
Chưa hết, một lần tôi có vinh dự được nói chuyện với một tay chơi Hà Thành. Vừa gặp đã bị anh quăng bom phủ đầu, đỡ không kịp từ chuyện ăn chơi, kinh tế doanh nghiệp rồi kết thúc bằng mấy quả lựu đạn cối đang ngậm sẵn trong miệng: Mày biết cây xăng ở chỗ đầu Kim Giang chứ, chỗ đấy nhiều xe lắm, một ngày tiền lãi nó hơn 500 triệu. Nghe xong đúng là gục luôn tại trận. Không hiểu một ngày cây xăng đó phải tiếp bao nhiêu nhiêu lượt xe mới được số tiền lãi như vậy.
Ví dụ khác, một tay biết lái xe nói chuyện với người không biết lái xe như thế này: Lái xe là cả một nghệ thuật và tôi là người nghệ sĩ. Đi trên đường nhiều thằng cứ muốn đâm vào tôi mà không được bởi vô lăng như là cánh tay của tôi rồi, tôi không phải lái nữa mà tôi múa... Thật phản cảm và khó vào tai.
Nói dối không phải là cái xấu, áp dụng sao cho phải, tuỳ trường hợp, đúng lúc đúng chỗ thì đôi khi nói dối lại "tạo" niềm tin. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng nhiều sự thật là vậy: Tớ yêu anh ấy bởi sự thông minh, hài hước trong ngôn ngữ của anh ấy, tự sự của một bạn gái. Nói dối đôi khi cũng là "lời nói dối chân thật" tuỳ khả năng biến tấu ngôn ngữ từng người. Ví dụ như: Tớ đi học có tài xế riêng, xe 2 cửa tớ dài ngoằng, dài hơn cả limousine. Người nghe trong trường hợp này sẽ nghi người nói là nói dối nhưng đó là sự thật vì người nói đang kể cậu ta đi học bằng... xe buýt hay:
Tớ không nói dối,
tớ không bịa đặt,
tớ không nói phét,
tớ không nói dóc,
tớ không ba hoa chích choè
...
...
...
tớ chỉ nói xạo thôi mà thôi...
|
Vài nét về blogger
The game of life simply got 3 rules: You cant win . You cant break even . You cant get out of it - Andre, đơn giản , dễ gần ... yêu thích cái đẹp của tạo hoá nhất là phụ nữ. Bài đã đăng: Tản mạn xã hội blog, Sự kiện nổi bật thế giới blog, 360 và điều nên cải thiện, Y!Mash, người anh em của Y!360, Lễ hội hoa anh đào, Thành phố người đã khuất, Một thoáng New Zealand, Bóng hồng blog, Oan quá 8X, 9X, Kỷ lục của các blogger, Công nghệ lăng xê blog, Lễ hội hoa anh đào.