Từ cuối năm 2004, thị trường lãi suất ngân hàng định hình ở hướng vận động khá ổn định: lãi suất huy động và cho vay cùng tăng; chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay (nguồn thu chính của các ngân hàng) ít thay đổi. Còn nay, lãi suất trên thị trường bắt đầu có những hướng vận động mới, khi Quyết định 1141/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các tổ chức tín dụng bắt đầu có hiệu lực. Cụ thể, theo Quyết định 1141, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng VND đối với ngân hàng quốc doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính tăng từ 5% lên 10%; riêng đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tỷ lệ trên là 8% tính trên tổng số dư tiền gửi phải dự trữ bắt buộc. Đối với tiền gửi VND kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng tăng từ 2% lên 4%. Đối với tiền gửi ngoại tệ kỳ hạn dưới 12 tháng tăng từ 8% lên 10%; với kỳ hạn từ 12 tháng đến dưới 24 tháng tăng từ 2% lên 4%. Như vậy, tròn 3 năm, Ngân hàng Nhà nước áp dụng một tỷ lệ dự trữ bắt buộc mới. Trước đó, trong tháng 7/2004, tỷ lệ này cũng đã được tăng phổ biến từ 2% lên 5% và riêng Agribank là 4%. Nói một cách hình ảnh, việc thay đổi tỷ lệ này được ví như Ngân hàng Nhà nước thay một “má phanh” mới cho cỗ xe tín dụng trên những đoạn đường khác nhau, tạo một khả năng kiểm soát tốc độ tốt hơn khi nhận thấy con đường phía trước không còn bằng phẳng. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy, đây là một biện pháp hành chính nhằm đảm bảo an toàn hệ thống và vì mục tiêu kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng, phục vụ mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Có thể hiểu cụ thể hơn là tốc độ tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay đã chạm ngưỡng yêu cầu, thường ở mức 25% trong những năm gần đây, trong khi lạm phát đang có dấu hiệu tăng mạnh. Má phanh mới sẽ hạn chế cung tiền, tạo sức ép giảm lãi suất, từ đó hạn chế khả năng lạm phát tăng cao. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy lạm phát 6 tháng đầu năm đã tăng 5,2%, gần chạm tới mức kiềm chế được mong đợi cho năm nay là 6%. Từ nay đến cuối năm, mức dưới 6% khó đảm bảo; nhiệm vụ kiềm chế lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng cũng khó khăn. Trong bối cảnh này, sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc là cần thiết. Tuy nhiên, khi lắp má phanh mới, các cỗ xe ngân hàng thương mại cần có một lộ trình thích ứng và điều chỉnh lại tốc độ. Và đây là khởi đầu cho những diễn biến mới trên thị trường lãi suất ngân hàng từ nay đến cuối năm. Có thể hình dung là từ việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 5% lên 10%, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 90% lượng vốn huy động thay vì 95% trước đây để cho vay. 5% bị “đóng băng” khi cất vào kho theo yêu cầu trong khi vẫn phải trả lãi suất cho người gửi tiền. Lượng vốn cho vay cũng bị giảm 5%, ngân hàng mất một phần thu. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng từ hoạt động tín dụng đứng trước khả năng bị thu hẹp. Khắc phục tình trạng này, thứ nhất, các ngân hàng phải tìm được một nguồn vốn rẻ hơn, cách này rất khó trong bối cảnh đồng vốn ngày càng đòi hỏi chi phí cao như hiện nay; thứ hai, ngân hàng phải giảm lãi suất huy động và tăng lãi suất cho vay để đảm bảo doanh thu. Cách thứ hai đang được nhiều ngân hàng tính đến. Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, bước đầu một số ngân hàng đã đi theo cách thứ hai. Theo đó, lãi suất trên thị trường đã có những diễn biến mới, khá đặc biệt trong khoảng 3 năm qua: Lãi suất huy động và cho vay chuyển động ngược chiều. Nhưng cái giá phải trả cho con đường thứ hai cũng không nhỏ. Giảm lãi suất huy động là giảm lợi ích của người gửi tiền - người nuôi sống và đồng hành cùng ngân hàng trong thời gian qua. Trong khi lạm phát đang và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, lãi suất huy động giảm thì lãi suất thực của người gửi tiền càng bị rút ngắn. Hiện tại, nguồn vốn khả dụng của nhiều ngân hàng vẫn khá chủ động, nhưng nhu cầu vốn cho dài hạn là một áp lực. Lãi suất huy động giảm, giữ chân người gửi tiền đã khó, kêu gọi huy động càng khó hơn; tăng hấp dẫn bằng khuyến mại lại càng tăng thêm chi phí. Ở khía cạnh khác, tăng lãi suất cho vay lại càng tạo áp lực đội chi phí cho nguồn vốn vào doanh nghiệp, vào nền kinh tế và là một đầu vào quan trọng của giá hàng hoá, dịch vụ… Với Quyết định 1141, các ngân hàng đang ở thế khó khăn. Dự kiến trong tuần này các ngân hàng sẽ ngồi lại với nhau để cùng tháo gỡ khó khăn này. (Theo VnEconomy) |