Cảnh xin số. |
Mặt sông tĩnh mịch, nước đang lên. Con đò chòng chành với gần chục người nam nữ, chừng độ 25-30 tuổi, rẽ nước tiến sâu vào miếu Ông Hổ. Trời chuyển mưa, gió nhè nhẹ, hơi lạnh từ mặt sông phả lên khiến ai cũng thấy ơn ớn nhưng đều phải cố căng mắt trước bóng đêm. Tiếng máy tành tạch, tành tạch... vang vọng trong đêm, xuôi con nước hai chiếc đò đầy kín người tiến về phía trước.
Mười phút nặng nề lênh đênh trên mặt nước kênh Bà Tàng (quận 8, TP HCM) lúc nửa đêm thế này cuối cùng cũng trôi qua. Con đò tắt máy, cặp bờ. Dưới ánh sáng lù mù, men theo con đường đất, dòng người nối đuôi nhau, khệ nệ xách những bao giấy tiền vàng bạc, trứng gà, hũ xăm từng bước tiến vào miếu. Khu miếu nằm trên một mô đất cao, rộng rãi, nền được lát gạch tàu hẳn hoi, phía trên có hẳn một khung mái che sắt được dựng rất bài bản.
Khi đặt chân đến đã có mười mấy người đang dâng hương, hành lễ cầu khấn, tổng cộng cũng gần bốn, năm chục người. Bà chủ đò bấm tay, cho hay: "Hôm nay 28 cúng Mẫu mẹ nên linh lắm, mấy cô mấy cậu dễ về. Trước đây hễ mùng 1, 14, 16 mỗi đêm có đến vài trăm người đến cúng lận".
Hòa theo nhóm thanh niên từ Vĩnh Long mới lên, lom khom chui vào trong miếu chính đốt nhang, rồi đem cắm đều vào những lư hương xung quanh trong tiếng chuông vang vọng.
Bà chủ đò kể: "Cô, cậu là hai anh em ruột, vì chuyện gia đình mà cùng quyên sinh, được đưa về đây an nghỉ. Nhiều người nghe tội nghiệp, thắp nhang không ngờ được phù hộ, linh lắm, xin số nào là trúng số đó". Hành lễ phía trước xong, PV Thanh Niên theo chân đoàn người dò dẫm theo con đường đất tiến ra những ngôi mộ nằm lạnh lẽo phía sau. Đây chính mộ phần của cậu Hai, cô Ba mà bà chủ đò vừa nói; xung quanh đấy, nhiều hũ cốt không biết của ai nằm trơ trọi giữa cánh đồng hoang.
| ||
|
Cắm xong mấy cây nhang lên ngôi mộ, Tài, đi cùng nhóm Vĩnh Long nói: "Mấy ông cảm thấy hợp với ai thì đến mà xin, khấn tên tuổi, ngày giờ, đài nào xổ, đánh mấy con thì xin mấy con, hai con, ba con rồi thành tâm cúng".
Một người khách trong đoàn năn nỉ: "Tụi em mới đi lần đầu, chưa biết gì, anh làm sao thì em ké vậy, biết đâu anh em mình hên".
Nhóm Tài không xin trứng gà, không xin xăm cũng không đốt giấy mà ngồi đồng, gọi cô cậu nhập xác để xin số. Tài kể lúc trước cũng hay xin theo kiểu "trứng gà" nhưng không tin lắm, trứng gà sống đặt dựng đứng lên mấy ô số vẽ bằng phấn, trứng đứng được ở ô nào thì cô cậu cho số đó. Nhóm của Tài chỉ xin số ở ngoài mộ. "Càng gần người chết càng linh!", Tài đúc kết kinh nghiệm.
Bửu bối mà nhóm Tài trải ra là một "bàn cờ" có 30 chữ cái, 10 con số, 4 ô chữ Ma, Quỷ, Thánh, Thần, hai bên Tả, Hữu. Cả nhóm ngồi vòng tròn, Tài khều nhỏ: "Ông còn con trai không, vào ngồi cúng mới dễ lên. Ngồi đồng cầu hồn kiểu này chỉ những ai thân thể trong trắng thì cô, cậu mới dễ nhập xác". Tài quay sang bảo Huy vào giữa đội trên đầu miếng vải đỏ đốt 3 cây nhang miệng lẩm bẩm khấn rồi ngồi gật gù chờ đợi. Ngồi gần 10 phút, không được ai nhập, Tài lại đổi người.
| ||
|
Quay trở vào trong "học hỏi" những cách xin số lạ thường khác. Có một nhóm chừng mười người phụ nữ sồn sồn nghe đâu ở quận 1 đang rất thành tâm quây quần dưới gốc đa trước miếu cô Chín. Người phụ nữ tên Mai đại diện cả nhóm khấn vái một hồi rồi xé một miếng giấy nhỏ thấm nhẹ vào bình rượu. Sau đó, Mai dán miếng giấy lên ngôi miếu cô Chín, ít phút sau Mai gỡ xuống dùng quẹt lửa hơ nhẹ miếng giấy.
Tờ giấy ngả màu, xuất hiện những vằn đen, vàng lộn xộn. Mai quay lại bảo: "Số 2, cô Chín cho số 2!". Nhóm người chụm đầu vào, săm soi, một phụ nữ buột miệng: "Nhìn giống số 6 hơn, không phải số 2 đâu". Không biết cô Chín linh thiêng ban cho nhóm người ấy số 2, số 6, hay là số 3, số 8? Bởi lẽ do hơ nóng không đều nên tờ giấy xuất hiện vô số những lằn ngang dọc. Nếu "cô Chín" có thật, có lẽ cô cũng chưa chắc biết là con số mấy!
Quay sang miếu ông Hổ thì được ông Uăt, người coi miếu ở đây chỉ dẫn cách xin số bằng trứng gà. Sau khi đốt nhang, lấy ra 3 quả trứng mang theo rồi lần lượt dựng đứng trứng vào các ô số từ 0 đến 9 được vẽ bằng phấn trên một tấm đan bê tông. Theo hướng dẫn của ông Uăt, nếu trứng đứng ở ô nào là ông Hổ "cho" số ấy. Dựng từ số 0 đến số 3 quả trứng cứ ngã tới ngã lui, bất ngờ đến ô số 4 nó đứng thẳng thật, cố tình chạm vào quả trứng vẫn không ngã. Tiếp tục dựng quả thứ hai đứng được ở ô thứ 7. Ông Uăt bảo: "Mấy cậu hợp, mới dựng đã đứng, có người dựng cả giờ còn không được. Đánh số nào thì bốc trứng đó lên rồi đập vỡ ra".
Ở một góc khác, lại có nhóm xin số bằng hũ xăm của chủ đò cho mượn (được đánh từ số 0 - 99), xin được cây xăm nào rồi ghép nó lại mà đi đánh. Trong đêm khuya mà miếu nào cũng có nhiều đám đông tụ tập, người hợp chỗ này, người thích chỗ kia. Mỗi chỗ các cô các cậu đều "cho" những con số khác nhau.
Vừa định rút lui thì bất thần có tiếng la: "Cô Chín về, cô Chín về" của gã nhà đò. Tất cả mọi người chạy ra phía trước và thấy bà Mai đang nhảy múa bù lu bù loa. Vừa nhảy Mai vừa la hét: "Cô Chín về muộn vì hôm nay lễ thánh Mẫu. Kia kìa âm binh đứng đầy trên cây kìa, đòi bắt cô Chín đó".
Vài phút sau, bất ngờ Mai ngã quỵ xuống đất: "Cô Chín mượn cái xác này xấu quá, mấy con làm đẹp cho cô Chín đi", Mai yêu cầu. Nói thêm dăm ba câu thì Mai bình thường trở lại. Tiếp đó, một phụ nữ khác cũng "bị nhập" rồi bằng thứ giọng eo éo của một đứa trẻ, người phụ nữ này tự xưng là Vũ Sinh, chết oan, và khuyên cả đám đông: "Đừng nghe theo cô Chín nha!".
| ||
|
Gần 2 giờ sáng mà cả khu vực vẫn còn nhộn nhịp, nhang khói đầy trời. Theo nhóm người Vĩnh Long ra về khi trời bắt đầu mưa, con đò quay đầu ra chòng chành muốn lật. "Trước đây, mỗi đêm nơi này có đến hàng trăm lượt khách từ khắp nơi như Bình Trị Đông (quận Bình Tân); Bến Bình Đông (quận 8), quận 7, thậm chí tận Bến Tre, Vĩnh Long cũng đổ về", ông chủ đò nói. Rồi như để "tiếp thị" thêm cho công việc đưa khách của mình phát đạt, ông nhận xét: "Ở đây linh lắm, bất kể giờ nào cũng có khách đến xin, trừ duy nhất lúc xổ số. Bến đò hoạt động 24/24 giờ".
Lần khác, khi viện cớ đi trả lễ, nghe bà chủ đò kể: "Mấy em trúng vậy là ít, miếu này sạch sẽ và tươm tất vậy là nhờ một ông chủ áo cưới trên đường Trần Hưng Đạo đấy. Có lần ổng xin số về đánh trúng mấy tỉ nên quay lại sửa sang, thỉnh tượng Phật bà về thờ".
Cứ mỗi lần hành hương đến đây, những người đi xin số đều không phải hao tốn thứ gì ngoài thời gian và chút đỉnh lễ vật. Món tiền duy nhất mà những "ma đề" phải bỏ ra là 10.000 đồng/người, chi cho việc đi đò, giữ xe.
Ngày trước khu vực này luôn đông khách bến đò thi nhau đưa rước, nay lượng khách tuy có san sẻ bớt cho những khu vực khác, nhưng 24/24 trừ giờ xổ số thì các bến đò cứ luôn tấp nập người ra kẻ vào. Mỗi lượt một chiếc đò chở được hơn chục người, mỗi ngày, theo lời ông chủ đò, sơ sơ cũng hơn trăm khách thập phương tìm đến. Đó chính là nguồn lợi duy nhất để những ông bà chủ đò ở đây tồn tại.