Knock at the Cabin là phim kinh dị mới nhất của đạo diễn M. Night Shyamalan - nổi tiếng với các phim Giác quan thứ sáu, Signs, The Village, Lady in the Water hay Split.
Phim mới dựa trên tiểu thuyết The Cabin at the End of the World, lấy bối cảnh tại một căn nhà gỗ nằm trong khu rừng hẻo lánh của gia đình có hai ông bố đồng tính và con gái nuôi người châu Á. Một ngày, họ bị bốn kẻ lạ mặt có vũ trang vây bắt làm con tin. Những kẻ này yêu cầu gia đình phải đưa ra một lựa chọn với lý do ngăn chặn ngày tận thế. Không thể tiếp cận hay cầu cứu sự trợ giúp từ bên ngoài, gia đình buộc phải quyết định những gì họ tin là đúng trước khi mất tất cả.
Nhân dịp ra mắt tháng này, đạo diễn M. Night Shyamalan cùng hai diễn viên chính Jonathan Groff và Ben Aldridge có cuộc trò chuyện riêng với Ngôi Sao.
Đạo diễn M. Night Shyamalan
- Tại sao ông chọn hai nhân vật đồng tính làm trung tâm cho bộ phim?
- Hai nhân vật đồng tính được giữ như nguyên tác. Với tôi, gia đình ba người, bao gồm hai ông bố đồng tính và đứa con gái nuôi đẹp ở chỗ họ gắn bó với nhau, yêu thương mặc dù trên lý thuyết, họ không có quan hệ máu mủ. Từ khâu casting, tôi đã hy vọng có thể tìm những diễn viên đồng tính ngoài đời. May mắn là tôi tìm được viên Jonathan Groff và Ben Aldridge. Họ diễn với nhau rất ăn ý.
Một phần của bộ phim đến từ những trải nghiệm cá nhân của tôi. Phần gần gũi nhất trong cả bộ phim có lẽ là chi tiết con nuôi trong tác phẩm. Con gái út được vợ chồng tôi nhận nuôi vài năm trước, thế nên tôi hiểu những cảm xúc, trải nghiệm ấy. Khi xây dựng câu chuyện của đứa con, tôi soi chiếu lại câu chuyện của mình khá nhiều. Chẳng hạn, tôi nhìn lại ngày chờ gặp con bé lần đầu tiên. Khi ấy, vợ chồng tôi đứng ở hành lang, mắt nhìn vào tấm gương phản chiếu bức tượng Chúa trên tường. Ở góc độ nào đó, tất cả những điều ấy đều hiện lên trên phim.
- "Knock at the Cabin" gợi ra rất nhiều vấn đề, trong đó bao gồm cả những vấn đề về tôn giáo. Với ông, vai trò của tôn giáo trong bộ phim này thế nào?
- Tôi học ở trường dòng trong 10 năm. Bố mẹ tôi đều theo đạo Hindu nhưng tôi là người vô thần. Tôi tiếp cận bộ phim cũng từ góc độ đó. Tôi luôn ngưỡng mộ việc mọi người trao niềm tin cho những thế lực thần bí. Không chỉ tôn giáo thôi đâu, những vấn đề như người ngoài hành tinh, ma quỷ đều có điều gì đấy tương đồng nhau. Việc xây dựng một thế giới tưởng tượng, trong đó pha trộn những yếu tố ấy luôn cuốn hút tôi. Bạn có thể đọc bộ phim từ góc độ tôn giáo nhưng cũng có rất nhiều những cách tiếp cận khác.
- Trong các tác phẩm khác của ông, phần lớn là những câu chuyện rất đen tối. Nhưng trong cách kể, ông có một cái nhìn rất lạc quan về những điều tăm tối của thế giới. Quan điểm của ông về nhận định đó ra sao?
- Ở một khía cạnh nào đó, tôi không tin thế giới là một nơi tồi tệ. Vũ trụ mà chúng ta đang sống rộng lớn vô cùng, và thế giới của chúng ta chỉ là một phần nhỏ trong đó. Đúng là thế giới chứa đựng đầy những điều xấu xí, đau lòng. Thế nhưng, chúng ta cũng cần nhìn những điều ấy dưới góc nhìn rộng lớn hơn.
Thế giới này luôn thay đổi, và nó đòi hỏi chúng ta phải vận động theo nhịp quay của nó. Thời đại chúng ta đang sống thay đổi với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Từ đó, nó đặt ra vấn đề liệu chúng ta có thay đổi kịp với những biến đổi của thời đại không, hay sẽ lạc nhịp và bị gạt ra bên lề?
- Ở góc độ chuyển thể, "Knock at the Cabin" là một trong những phim mà ông viết kịch bản trong thời gian ngắn nhất. Ông có thể chia sẻ về quá trình cải biên bộ phim này?
- Đa phần khi viết kịch bản dựa trên một tác phẩm văn chương, biên kịch đã có sẵn trong tay hệ thống nhân vật, cốt truyện và nhiều yếu tố khác. Tiểu thuyết The Cabin at the End of the World có sẵn những điều ấy nên nó cuốn tôi vào mạch viết.
Tôi cho rằng việc thay đổi cốt truyện của phim khác đi so với tiểu thuyết chẳng có vấn đề gì ghê gớm. Với phim này, từ đầu tôi đã thay đổi luôn cả tiêu đề. Vả lại, bộ phim này không phải tác phẩm chuyển thể. Tôi chỉ dựa trên cảm hứng từ truyện của Paul G. Tremblay để làm phim.
Tôi thấy việc mọi người bàn luận và so sánh bản phim với bản tiểu thuyết rất thú vị. Nhưng chúng ta cũng cần hiểu tiểu thuyết và phim là hai phương tiện khác nhau. Khi tôi nói với Paul G. Tremblay về những điều định thay đổi khác đi so với tiểu thuyết gốc, anh ấy đùa lại: "Ban đầu, tôi cũng định làm theo hướng đó".
- Cốt truyện và thiết kế bối cảnh của phim này rất đặc biệt. Ông có thể chia sẻ thêm về bối cảnh cũng như trải nghiệm khi đóng một vai cameo (khách mời đặc biệt)?
- Trước khi bắt đầu quay, tôi đã tưởng tượng, tính toán và chuẩn bị cho từng cảnh quay cẩn thận. Đoàn phim không chọn địa điểm có sẵn, mà thiết kế những bối cảnh mới hoàn toàn dành riêng cho phim. Tôi nghĩ đây cũng là cách mà nhà sản xuất phim Parasite đã làm. Chúng tôi xây dựng bối cảnh cẩn thận tới từng chi tiết nhỏ. Kích thước của căn bếp trong phim cũng được tính toán cẩn thận. Tôi làm việc theo cách này từ hồi thực hiện phim Giác quan thứ sáu.
Việc đóng một vai cameo trong phim của chính mình rất vui. Bình thường, nếu không thấy có vai phù hợp thì tôi sẽ không tham gia vào khâu diễn xuất. Nhưng lần này, tôi có một ý tưởng hài hước. Mọi người trong đoàn đều ủng hộ ý tưởng này. Chúng tôi quay cảnh đó rất nhanh với tâm thế dùng được thì dùng mà không dùng được thì cắt bỏ. Cuối cùng, người dựng phim rất thích cảnh ấy nên giữ lại.
Hai diễn viên Ben Aldrige và Jonathan Groff
- Cảm giác hai anh thế nào khi làm việc cùng M. Night Shyamalan – đạo diễn nổi tiếng với các phim kinh dị như "Giác quan thứ sáu"?
- Ben Aldridge: Tôi nhận lời mời thử vai cho phim qua email. Trong đó, nhà sản xuất yêu cầu tôi phải tự quay video thử vai. Bình thường, tôi không thích việc tự quay nhưng lần này yêu cầu khá thú vị: quay một chuỗi cảnh không có thoại.
Sau đó, tôi nói chuyện với Night suốt một tiếng rưỡi qua Zoom về dự án này. Ông ấy không tiết lộ gì mấy cho tôi về nội dung phim. Thế rồi ba ngày sau, ông gọi lại và nói muốn tôi tham gia phim, hạn cho tôi 24 tiếng suy nghĩ. Kịch bản phim làm tôi choáng ngợp từ mọi phương diện, đặc biệt là sự bạo lực của nó. M. Night Shyamalan là đạo diễn tài năng. Tôi rất biết ơn cơ hội ông ấy trao cho mình.
Jonathan Groff: Với tôi, đạo diễn giống như nhân vật trong phim. Khi một diễn viên tham gia một bộ phim, họ gia nhập thế giới tưởng tượng của đạo diễn. Tôi muốn ở trong thế giới ấy của Night, muốn được khám phá cách thế giới ấy vận hành. Bộ phim này rất đặc biệt với tôi, và Night quả thực đã không làm tôi thất vọng. Ông ấy rất rõ ràng về điều muốn làm cho bộ phim và những kỳ vọng ở diễn viên. Ông ấy chỉn chu và kỹ tới từng từ ngữ trong câu thoại. Khi ở trên trường quay, chúng tôi không có thời gian tập thử. Khi tới thì máy quay ở sẵn vị trí rồi. Chúng tôi cứ thế diễn ở vị trí đã được định trước.
- Hai anh từng chia sẻ việc vào vai những nhân vật LGBT trong bộ phim này có ý nghĩa rất lớn với bản thân. Điều đó nghĩa là sao?
- Ben Aldridge: Tôi rất vui vì được chọn vào vai Andrew. Trong sự nghiệp của mình, tôi đã thử diễn rất nhiều kiểu nhân vật. Vai Andrew không chỉ làm giàu thêm gia tài diễn xuất của tôi, mà nó cũng nhiều phần liên hệ về cảm xúc trải nghiệm là một phần của cộng đồng LGBT. Mặt khác, tôi cho rằng câu chuyện của bộ phim không giới hạn mà có thể liên hệ với bất cứ ai, với bất kỳ gia đình bình thường nào trên thế giới này.
- Đây là lần đầu hai anh đóng cặp trong một bộ phim. Quá trình chuẩn bị cho vai diễn như thế nào?
- Jonathan Groff: Chúng tôi may mắn là đã cảm thấy kết nối với nhau từ lần đầu gặp. Đó là hôm thử vai trong xe van. Chúng tôi tán chuyện không ngớt suốt buổi đó. Một điều may mắn là tuần quay đầu tiên chỉ toàn cảnh hồi tưởng. Nhờ thế, mỗi người có thời gian quan sát và hiểu đối phương một cách độc lập.
Sau đó, quá trình quay phim chuyển sang những cảnh quay chung ở trong cabin. Những cảnh ấy không chỉ có tôi và Ben, mà có cả bé Kristen Cui nữa. Chúng tôi cũng cùng mẹ con bé đi xem một vở kịch Broadway để cả ba hiểu nhau hơn. Ngoài ra, Ben cũng có lần đi trượt băng với Kristen. Tôi thì hay vào phòng Ben chơi Play Station (cười).
Đức Minh ghi