![]() |
Lương Quốc Dũng. |
Bà ngoại cháu Y. cho biết, trưa hôm đó, Y. xin phép bà ngoại xuống sân khu tập thể chơi, mãi tới hơn 14h30 mới về. Vào nhà, cháu chui lên gác xép và nằm khóc. Thấy chuyện không bình thường, bà ngoại và bác gặng hỏi, rồi đưa cháu vào nhà vệ sinh kiểm tra. Điều bất hạnh đã xảy ra... Y. kể trong nước mắt: "Bà ơi, cháu đau lắm! Chị Nga bắt cháu ngủ với một người gần 60 tuổi...".
![]() |
Khách sạn Eden trên đường Nghi Tàm. |
Theo lời kể của Y. lúc xuống nhà mua kẹo cao su, chị Nga rủ cháu đi xem quần áo với chị ấy. Nhưng Nga đưa Y. vào khách sạn Eden, gặp một người phụ nữ to béo hơn 40 tuổi. Bà ta hỏi: “Có phải là Nga không, nếu đúng là Nga thì lên phòng 102”. Tại căn phòng này, một người đàn ông khoảng 55-60 tuổi và Nga ghé tai nhỏ to điều gì đó, Y. loáng thoáng nghe chị Nga gọi ông ấy là “anh Dũng”. "Được một lát, chị Nga đứng dậy đi ra cửa, cháu đứng dậy định đi theo thì bị người đàn ông chặn lại, đóng sập cửa phòng và dọa: “Mày kêu, tao đánh chết…”. Cháu sợ quá không dám phản kháng. Ông ấy bắt cởi quần áo, rồi...”, Y. kể lại.
Trên đường về, Nga kể cho cháu bé biết người đàn ông nọ làm ở Ủy ban Thể dục thể thao. Nga còn ghé qua hiệu thuốc mua một vỉ thuốc tránh thai, bắt cháu bé uống ngay một viên. Trước khi trả về nhà, Nga dúi vào tay cháu bé một xấp tiền (theo mẹ cháu có 78 tờ tiền 50.000đ mới, bốn tờ 50.000đ cũ, một số tiền lẻ và một tờ 100 USD, tổng cộng khoảng 5,5 triệu), cháu bé vì sợ nên không nói với mẹ mà giấu trên gác xép... Ngay chiều 30/12/2003, mẹ cháu Y. đã đưa con gái ra công an phường trình báo. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của VnExpress, không hiểu vì một lý do nào đó, gia đình cháu Y. đã rút đơn bãi nại. Theo Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Luật sư trưởng Văn phòng luật sư Hồng Hà, đây là vụ phạm tội hiếp dâm có tổ chức. Người phạm tội có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Với tội hiếp dâm trẻ em, nếu người bị hại có làm đơn bãi nại, thì đây cũng không phải là tình tiết để loại trừ trách nhiệm hình sự cho kẻ phạm tội.
![]() |
Tấm ảnh ông Dũng được cháu Y. xác định là người làm hại cháu. |
Ngày 16/2, trước cơ quan điều tra, cháu Y. đã nhận diện ông Lương Quốc Dũng, Phó chủ nhiệm UB TDTT Việt Nam qua ảnh và viết lời khẳng định ngay sau bức ảnh: "Cháu xác nhận chính người này đã làm hại cháu trưa 30/12/2003 tại khách sạn Eden".
Sự việc bắt đâu được phơi bày đã khiến các cán bộ cấp cao của UB TDTT bị sốc. Buổi họp giao ban hôm sau ông Dũng không được tham dự vì ông Nguyễn Danh Thái, Chủ nhiệm UB TDTT cho rằng không nên. Điện thoại di động của ông Dũng cũng tắt ngóm, không ai liên lạc được.
Một số đồng nghiệp của ông Dũng ở Ủy ban Thể dục Thể thao cho biết, khi dư luận bắt đầu ì xèo về việc này, ông Dũng vẫn đi làm bình thường nhưng luôn đi làm muộn. Cánh cửa phòng làm việc riêng được đóng chặt. Ông gần như tránh gặp mặt những người cùng cơ quan. Đèn trong phòng nhiều lúc tắt bật liên hồi và ông tỏ ra rất sốt ruột.
Ông Lương Quốc Dũng, sinh năm 1953, làm phó chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục - Thể thao từ năm 1998. Ông làm Trưởng các tiểu ban Vận động tài trợ, Tài chính, Cơ sở vật chất SEA Games 2003. |
Những ngày này, trinh sát của cơ quan công an phải bám theo ông Dũng cả ngày lẫn đêm để tránh xảy ra chuyện không hay. Tối 18/2, ông Dũng bất ngờ lên xe chạy thẳng hướng Bắc Thăng Long - Nội Bài. Lực lượng công an bám sát vì e rằng ông Dũng tính nước ra sân bay. Tuy nhiên, khi đến cầu Thăng Long, ông Dũng dừng lại và ra mép cầu vẻ mặt rất căng thẳng. Trinh sát phải vội đóng giả làm lái xe taxi để áp sát và khuyên ông quay về nhà. Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong quá trình giám sát, rất nhiều lần ông Dũng bất ngờ phóng xe rất nhanh để cắt đuôi công an. Điện thoại di động cũng liên tục được thay số. Ông Dũng có rất nhiều cú điện thoại nhằm liên lạc với Nga "Chọi".
|
Nơi gia đình nạn nhân sinh sống là một khu nhà cũ, tồi tàn. Bà ngoại của cháu bé cho biết: "Khi xảy ra sự việc, cháu rất buồn chán, không thiết đến học hành. Đến ra Tết thì cháu nghỉ học hẳn". Tuy nhiên, ông ngoại cháu lại cho biết Y. đã nghỉ học 2-3 năm nay. Khi ông cháu vừa nói điều này chị họ của cháu Y. cho rằng ông lẩm cẩm, nói nhảm. Còn bà ngoại cháu thì im lặng.
Tuy nhiên, Y. không có biểu hiện gì giống như đã phải trải qua một vụ việc khủng khiếp. Nhiều người hàng xóm cho rằng, việc các báo đưa thông tin về vụ việc là nằm ngoài dự kiến của gia đình. Họ tỏ ra khá bất bình về thông tin Y. mới bỏ học và tỏ ra sợ sệt khi bị xâm hại. Họ nói: "Y. nó bỏ học cả mấy năm nay rồi".
Trưa 19/2, công an điều tra đã tiến hành bắt tạm giam ông Lương Quốc Dũng về tội hiếp dâm trẻ em. Việc khám xét nhà riêng của ông Dũng, một biệt thự 3 tầng tại khu Trung Kính, phường Yên Hòa, Cầu Giấy diễn ra hơn 1 giờ đồng hồ. Sau đó, xe chở ông Dũng quay trở lại 36 Trần Phú. Ông Dũng thất thần khi cơ quan điều tra thực hiện khám xét theo thủ tục. Nghe đọc lệnh bắt giam, ông Dũng im lặng, cúi đầu. Dù mái tóc xoăn muối tiêu đã được nhuộm đen, nhưng dường như khuôn mặt ông Dũng già hơn trước nhiều. Trong ôtô, ông Dũng ngồi giữa hai cảnh sát, luôn che chiếc cặp trước mặt để tránh các phóng viên chụp ảnh.
Đến thời điểm bị bắt, thủ tục khai trừ Đảng của ông Dũng đang được triển khai. Về mặt chính quyền, ông Dũng là cán bộ do Thủ tướng bổ nhiệm nên chỉ Thủ tướng mới quyết định cách chức được.
Đêm 19/2, tại trại tạm giam B14 Thanh Trì, Hà Nội, Lương Quốc Dũng đã thừa nhận hành vi giao cấu với cháu Y. ngày 30/12/2003 tại khách sạn Eden. Đây là cơ sở để Giám đốc Công an Hà Nội Phạm Chuyên, khẳng định với giới báo chí rằng không cần thiết phải có giám định ADN.
Ngày 25/2, ông Dũng chính thức bị đình chỉ chức vụ và ngày 1/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cách chức Phó chủ nhiệm UB TDTT của ông Dũng. Trong nhà tạm giam, ông Lương Quốc Dũng đã viết giấy nói không cần luật sư bào chữa. Một trong những lý do là ông này bị khởi tố về tội hiếp dâm trẻ em, theo Điều 112 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất có thể là tử hình, và trường hợp đó luật quy định việc bị can có luật sư bào chữa là bắt buộc. Tuy nhiên, bị can Dũng trong những lần tiếp xúc với điều tra viên đều khẳng định bằng văn bản là không có ý định mời luật sư: “Tôi không mời luật sư bào chữa vì tôi là người có tội chứ không phải bị oan.... Tôi tin tưởng các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm đúng pháp luật”
Thượng tá Lã Ngọc Tỉnh (Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội), cho biết, việc Lương Quốc Dũng từ chối luật sư là điều bình thường vì chưa quyết định truy tố bị can ở khung hình phạt cụ thể nào. Nếu sau này, bị can bị xét xử theo tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình thì dù ông ta không yêu cầu, tòa vẫn chỉ định bắt buộc luật sư bào chữa.
Những ngày ở trong trại B14 đối với bị can Lương Quốc Dũng là quãng thời gian khá thoải mái. Giãi bày với cán bộ điều tra Công an Hà Nội, ông Dũng cho biết tinh thần đã khá hơn nhiều so thời gian trước khi bị bắt, ngủ ngon hơn và ăn được nhiều hơn. Bị can đã nhờ gia đình chuyển đồ tiếp tế gồm trà xanh, quần áo thể thao cùng sách truyện và kính lão. Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao hiểu khoảng thời gian ông sống ngoài xã hội chỉ là chờ đến ngày bị bắt chứ không còn là những thời gian vương giả của một cán bộ cấp cao lắm tiền nhiều của. Lương Quốc Dũng luôn nơm nớp nghĩ đến chuyện bị bắt, chịu cảnh cấp dưới và mọi người xung quanh nhìn ngó, bàn tán... Việc này khiến Lương Quốc Dũng ăn không ngon, ngủ không yên. Buổi tối trước khi bị bắt, không chịu được sức ép tâm lý quá nặng nề, Lương Quốc Dũng đã phóng xe đến một hàng massage trên phố Lê Duẩn để thư giãn.
"Còn giờ đây, sức khỏe tôi đã bình thường. Mỗi bữa, ăn được 2-3 bát cơm. Quản giáo ở đây đối xử với tôi rất tốt, đặc biệt là anh Thịnh, đội trưởng. Tôi ở trong này không bị ai chèn ép, khống chế hay doạ dẫm gì cả”, ông Dũng nói.
Hiện, có dư luận cho rằng sau thời hạn tạm giam 4 tháng, ông Lương Quốc Dũng có thể được tại ngoại. Phó viện trưởng VKSND Hà Nội Lê Ngọc Giang cho rằng việc này không thể xảy ra. Bởi đây là vụ án nghiêm trọng nên hết thời hạn 4 tháng, VKS có thể sẽ gia hạn tạm giam thêm 4 tháng nữa. Việc tạm giam Lương Quốc Dũng là cần thiết. Hơn nữa, Cơ quan Cảnh sát điều tra Hà Nội cũng đang cố gắng trong vòng 3 tháng có thể ra kết luận, chuyển hồ sơ sang VKS.
Bộ luật Hình sự quy định về hành vi giao cấu với trẻ em: Điều 112 - tội hiếp dâm trẻ em - khoản 1 có dấu hiệu là dùng vũ lực giao cấu ngoài ý muốn với nạn nhân, hình phạt 7-15 năm tù; Điều 114 - tội cưỡng dâm trẻ em - khoản 1 có dấu hiệu là buộc trẻ em đang lệ thuộc mình phải miễn cưỡng giao cấu, hình phạt tù 6 tháng - 5 năm; Điều 115 - tội giao cấu với trẻ em - dấu hiệu là quan hệ tình dục thuận tình, tự nguyện với trẻ em, hình phạt theo khoản 1 là 1-5 năm tù
