Khi một chú dế bị vào nước hoặc rớt xuống đất dẫn đến tình trạng chấn thương hoặc ngoi ngóp. Việc đầu tiên của chủ nhân là đem đến các trung tâm bảo hành. Với một chú dế có khả năng cứu được hoặc ít ra là lúc đem đến bảo hành vẫn còn hoạt động ngắc ngoải thì hy vọng. Với chú dế lúc đem đến đã tắt ngúm, chủ nhân của nó không biết cách nào kiểm tra được là có khả năng cứu hay không. Lúc này chỉ trông chờ vào lương tâm của các thầy thợ. Gặp phải thợ nào tốt tính thì chủ nhân chỉ phải trả một số tiền không nhỏ để cứu chữa nhưng nếu gặp phải thợ xấu tính thì chỉ nhận được cái lắc đầu chia buồn và cái xác dế trả lại. Lẽ dĩ nhiên, khi trả lại xác thì những gì có thể tận dụng của dế cũng đã bị luộc không thương tiếc với những linh kiện giống giống như vậy.
Xác về hồn ở lại
Theo M., một "thày" luộc dế ở quận 10, TP HCM, cửa hàng anh này không bao giờ thiếu linh kiện thay thế. Hầu hết các linh kiện có được là từ những cái máy “không thể cứu chữa” hoặc có khi là mua hẳn một xác dế với giá bèo để gỡ ra tận dụng. Với một xác dế, tất cả linh kiện đều được tận dụng: linh kiện nào còn tốt (chíp, tụ...) thì được giữ lại làm linh kiện thay thế, những linh kiện này ít ra theo M,. là hàng dzin theo máy nên vẫn ngon hơn linh kiện thay thế bán sẵn ở các đầu mối linh kiện như K.A., H.A.. Còn với chú dế khi đem đến sửa, nếu hư nhẹ thì sửa lấy tiền còn hư nặng, M. nhắm thấy không thể cứu vãn thì M. thay thế những linh kiện còn sống bằng những linh kiện đã chết có sẵn từ những xác dế có sẵn. Với cách “làm việc” hiệu quả như thế, M. mạnh miệng tuyên bố là bất cứ khách nào sửa máy, cần món nào có món đó lại toàn là linh kiện nguyên zin theo máy.
Một chú dế ngắc ngoải, thường sẽ được các tiệm sửa chữa thu lại với giá “không thể bèo hơn” sau đó được tân trang hoặc sửa lại qua loa rồi bán cho các tay cò - lái. Thường thì các tay này khi mua đều được cửa hàng báo trước tình trạng và sang tay giá rẻ mạt, rồi những chú dế này sẽ xuất hiện nhan nhản trên các website rao vặt hoặc trên mục rao vặt của các báo giấy với mức giá khiến người đọc giật mình và thèm thuồng kèm theo lời quảng cáo “máy nguyên dzin chưa sửa chữa, nữ xài kỹ, vừa hết hạn bảo hành, bao xài...”.
Còn với những chú dế có bệnh quá nặng, phải sửa lại và can thiệp sâu vào phần cứng hoặc thay thế linh kiện như thay chip công suất, chip Rom (Flash).. Những linh kiện đó khi thay thế thì chắc chắn rằng số IMEI sẽ khác so với số IMEI đã được dán ngay chỗ gắn SIM. Cách xử lý của thợ tưởng phức tạp lại rất đơn giản: theo M., chỉ cần tháo cái IMEI đó đi đặt mẫu in lại với giá 15.000 đồng sẽ có một con tem IMEI khác nhìn y chang ban đầu với dòng IMEI là của máy sau khi sửa... Bấm *#06# (ví dụ với Nokia Series 60) sẽ không nhận ra sự khác biệt, và đường đi của chú dế này cũng như trên: qua lái, lên mạng lên báo và đến tay người đọc ham của rẻ.
Các thợ và chủ cửa hàng giỏi nghề sẽ không bao giờ bán các con dế bệnh tại cửa hàng vì sẽ làm mất uy tín với khách hàng và mất công bảo hành. Cách lựa chọn tốt nhất của các cửa hàng vẫn là lực lượng lái có sẵn, tuy lời ít nhưng bán đứt đoạn và có nói rõ bệnh ngay từ ban đầu.
Không phải cứ máy còn nguyên tem là chưa bị tháo tem vì tem cũng có thể in lại với chất lượng tương đương. Cách tốt nhất cho người sử dụng là chọn những loại máy phù hợp với túi tiền của mình chứ đừng ham rẻ. Tiền nào của đó! Làm gì có đồ tốt thật sự mà được bán với giá rẻ giật mình?
(Theo Thế Giới Số)